08/12/2017 16:49 GMT+7

Đánh bắt hải sản đúng luật và trách nhiệm

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Đó là mong muốn mà Cơ quan thủy sản Úc (AFMA) và Tổng cục Thủy sản đề cập khi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về vấn đề ngư dân đánh bắt hải sản bất hợp pháp và những hệ lụy mà Việt Nam phải chịu nếu không giải quyết dứt điểm.

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và xử lý nghiêm vấn đề ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp ngày 8-12 - Video: TRẦN MAI

Ông Brendan Reyner - trưởng bộ phận chấp pháp quốc tế (AFMA) - cho biết ông đến Việt Nam lần này với thông điệp mạnh mẽ từ nước Úc, ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam thoát thẻ vàng, ghi nhận những nỗ lực và biện pháp cứng rắn mà chính phủ Việt Nam đang áp dụng.

Nhìn Úc nghĩ về Việt Nam

Ông Brendan cho biết ở Úc, một số vùng biển bị đóng cửa hoàn toàn, chỉ có một số vùng cho phép đánh bắt nhưng phải có giấy phép, ngư dân phải trả phí cho chính phủ. 

Riêng với hải sâm, chính phủ Úc có những ngư trường riêng biệt, đánh bắt có thời gian và số lượng hạn chế để bảo tồn, phí đánh bắt cũng rất lớn dùng vào việc bảo tồn và nghiên cứu phát triển.

Nhìn nhận vấn đề đánh bắt hải sản không kiểm soát của ngư dân Việt Nam, AFMA nói Úc cũng từng có giai đoạn tương tự Việt Nam hiện nay, khiến các loại thủy sản mất dần. 

"Chúng tôi đã từng trải qua quá trình kiểm soát rất khó khăn và phải áp dụng khung hình phạt nặng với các tàu vi phạm, thậm chí cấm đánh bắt vĩnh viễn. Theo thống kê gần dây, Úc không còn tình trạng khai thác quá mức nữa. Ngư dân có thu nhập cao, nguồn lợi thủy sản được bảo tồn" - ông Brendan nói.

Đánh bắt hải sản đúng luật và trách nhiệm - Ảnh 2.

Ông Brendan Reyner trả lời báo chí về việc xử lý tàu cá xâm phạm chủ quyền và giải pháp - Ảnh: TRẦN MAI

Xử lý nghiêm ngư dân trộm biển

AFMA cho biết xu hướng đánh bắt trộm hải sâm đang khiến chính phủ nước này hết sức lo lắng. Trong tương lai gần sẽ không còn hải sâm để đánh bắt. 

Dẫn chứng từ tháng 1-2013 đến tháng 4-2014, lực lượng chấp pháp Úc phát hiện và bắt giữ tàu cá Việt Nam đánh bắt trai tai tượng và rùa biển, ông Brendan nói hiện vùng biển rộng lớn của Úc không còn thấy hai loài này xuất hiện. 

"Đó là một sự thật đau đớn đối với thiên nhiên" - ông Brendan nói.

Hiện tại, không chỉ Úc mà các quốc đảo Thái Bình Dương đều có biện pháp cứng rắn đối với ngư dân Việt Nam xâm phạm lãnh hải đánh bắt trái phép. 

Khi bị bắt sẽ được chuyển về cơ sở tạm giam của Úc, trong thời gian tạm giam sẽ không được trả về, khi tòa kết án, hoặc bị phạt tiền, hoặc tù; ghi vào hồ sơ tiền án hình sự...

Để ngư dân rõ hơn, AFMA chia sẻ thông tin: Một số các nước khác ở châu Á - Thái Bình Dương có hành động rất khắt khe với người bị bắt, quy trình điều tra tố tụng rất lâu, khó khăn trong thủ tục hồi hương, hạn chế liên lạc với gia đình.

"Khi ra nước ngoài, quan hệ ngoại gia bị ảnh hưởng, nghe tới tàu xanh là người ta liên tưởng đến hành động đánh cá bất hợp pháp của các tàu cá Việt Nam. Cứ như vậy Việt Nam sẽ bị các nước cấm, không nhập thủy sản vào và mỗi năm Việt Nam sẽ mất hàng tỉ USD".

Đánh bắt hải sản đúng luật và trách nhiệm - Ảnh 3.

Tám tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt bất hợp pháp ở các quốc đảo Thái Bình Dương đang bị tước giấy phép khai thác neo ở cảng Tịnh Hòa - Ảnh: TRẦN MAI

Chính phủ sẽ xử mạnh tay

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Ngọc Tuấn - phó vụ trưởng Vụ Khai thác, Tổng cục Thủy sản Việt Nam - cho biết ngày 23-10, EU đã chính thức đưa ra cảnh cáo phạt thẻ vàng và thủy sản Việt Nam đã bị tác động khi các nước kiểm soát 100% các mặc hàng thủy sản của Việt Nam. 

Việc kiểm soát này làm thời gian lưu kho sản phẩm và chi phí kiểm tra dẫn đến chi phí của doanh nghiệp suất khẩu thủy sản sẽ tăng lên rất nhiều. Tính cạnh tranh sẽ thấp đi.

"Với thẻ vàng của EU vừa đưa ra, nếu thực hiện tốt, khoảng tháng 4-2018, EU sẽ kiểm tra lại và có thể đưa chúng ta ra khỏi danh sách. Nhưng nếu chúng ta không có những thay đổi mạnh mẽ xử lý ngư dân đánh bắt bất hợp pháp, EU sẽ tiếp tục duy trì thẻ vàng. Thậm chí rút thẻ đỏ, các sản phẩm hải sản của Việt Nam sẽ cấm nhập vào thị trường châu Âu" - ông Tuấn giải thích.

Ông Tuấn cho biết hiện tại Chính phủ đang đưa nghề cá vào diện có quản lý, bắt buộc chúng ta phải gắn những trang thiết bị trên tàu giám sát hàng ngày, hàng giờ. Khi tàu vượt ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sẽ bị xử lý".

Ngày 21-11 quốc hội thông qua Luật thủy sản sửa đổi. Các biện pháp có kiểm soát sẽ được quy định trong luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Khung hình phạt đến 1 tỉ đồng đối với cá nhân vi phạm, tổ chức phạt đến 2 tỉ đồng. 

Tàu khai thác xa bờ chỉ được vào những cảng do Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn quy định. Cảng đó phải có đủ các điều kiện giám sát thủy sản. Những sửa đổi này sẽ quản lý chặc việc đánh bắt của ngư dân.

Theo ông Tuấn, không chỉ gắn trách nhiệm mà còn có chế tài rõ ràng xử lý lãnh đạo các cấp nếu để xảy ra tình trạng ngư dân xâm phạm lãnh hải các nước. 

"Cần phải làm mạnh hơn, có chế tài rõ ràng như cảnh cáo, cách chức, thuyên chuyển vị trí đối với chủ tịch UBND xã, huyện, tỉnh nếu để tàu cá địa phương mình vi phạm. Những giải pháp đó sẽ ngăn chặn vi phạm triệt để tàu đánh bắt bất hợp pháp" - ông Tuấn nói.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên