Lê Ngọc Trung (anh trai Thành) chuẩn bị hồ sơ xin việc để theo em trai vào Nam làm công nhân - Ảnh: NGỌC HIỂN |
Tại ngã tư Sòng (huyện Cam Lộ, Quảng Trị), một nhóm công nhân làm việc ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hối hả lên chuyến xe miễn phí chở gần 50 công nhân, khởi hành từ miền Bắc.
Bịn rịn chia tay người thân trước lúc lên xe, Lê Ngọc Thành (19 tuổi) cho biết đây là chuyến đi thứ hai của mình vào làm việc tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân.
Thôi học từ năm lớp 9, Thành ở nhà làm thợ sơn suốt mấy năm qua. Công việc ở quê vất vả, không ổn định, lại thu nhập thấp nên khi được người quen giới thiệu, Thành vào công ty dệt may làm công nhân. Tuy chỉ mới làm việc năm tháng nhưng Thành đã gửi được tiền về đỡ đần cho gia đình.
Đợt này anh trai của Thành cũng chuẩn bị hồ sơ xin việc, ít hôm nữa sẽ theo em vào xứ lạ mưu sinh. “Đi làm công nhân được ở ký túc xá, tiền ăn công ty lo, mỗi ngày tăng ca thêm bốn tiếng thì một tháng kiếm hơn chục triệu đồng. Ở quê biết làm chi ra số tiền như rứa” - Thành bộc bạch.
Cũng như Thành, vào Nam kiếm việc là chọn lựa của cô gái Lê Thị Ánh (25 tuổi). Tốt nghiệp ngành kế toán, thay vì nhọc nhằn tìm việc đúng chuyên môn ở quê, Ánh quyết định lên đường vào Nam làm việc cho một công ty dệt may Đài Loan tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhờ vậy, đều đặn những năm qua Ánh đều gửi tiền về cho gia đình và tích cóp một ít vốn liếng cho bản thân.
“Chị bày cho em, người trước bày người sau, cứ thế trong xóm, trong làng thanh niên đều lần lượt kéo nhau vào Nam tìm việc. Như làng tôi có cả chục người làm cùng một khu công nghiệp” - Ánh kể.
Bà Hồ Thị Gái (mẹ Ánh) cho biết ba con gái của bà đều vào làm việc ở cùng khu công nghiệp. Hai chị của Ánh đều đã lập gia đình và định cư luôn ở miền Nam.
Theo bà Gái, ở quê chủ yếu làm nông nghiệp, dù học hành bài bản cũng khó xin được việc làm có mức lương ổn định nên bà đành gật đầu cho các con lần lượt dắt nhau vào Nam. Khi con cái dần ổn định, niềm vui đối với bà mẹ quê này là được con gửi tiền về quê mua sắm trong gia đình và “tài trợ” cha mẹ một năm mấy chuyến vào Nam thăm con, thăm cháu bằng máy bay.
Với Mai Tiến Hùng (22 tuổi), hành lý cho hành trình cả ngàn cây số chỉ vỏn vẹn vài bộ quần áo và đồ dùng cá nhân. Đây là chuyến Nam tiến đầu tiên của Hùng sau nhiều năm gắn bó với biển cả.
Hùng ở xứ biển Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), sau sự cố môi trường biển, những ngư dân đánh bắt gần bờ như Hùng chới với vì không thể đi biển trong thời gian dài.
Bạn quyết định tạm gác lại nghề biển bấp bênh để vào Sài Gòn thử sức với công việc mới: “Ở đâu cũng mưu sinh cả thôi, mình cứ đi thử cho biết Sài Gòn, nếu không ổn lại về với biển”.
Dù không nói trước ngày về nhưng nhiều bạn trẻ như Hùng, Ánh hay Thành đã chọn các tỉnh miền Nam làm nơi gắn bó bằng các chuyến Nam tiến đầu xuân như thế. Có người chỉ học hết lớp 9 nhưng cũng không ít người tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu.
Tất cả đều chung điểm đến là những khu công nghiệp và khoác lên mình chiếc áo công nhân. Với họ, các khu công nghiệp dày đặc ở miền Nam là miền đất hứa về công ăn việc làm và là nơi đổi đời so với mảnh đất vốn đã cằn cỗi lại chịu nhiều thiên tai, nhân tai như các tỉnh ven biển miền Trung...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận