30/07/2014 05:00 GMT+7

Đáng ngại và đáng học

CÁT KHUÊ thực hiện
CÁT KHUÊ thực hiện

TT - Đạo diễn Việt Tú - người từng là đồng đạo diễn một trong những chương trình ca nhạc lớn nhất của Hàn Quốc tại Việt Nam (sô diễn của Bi Rain) - chia sẻ nhìn nhận của anh trước làn sóng Hàn Quốc tại Việt Nam.

Nhóm nhạc Hàn Quốc Super Junior được nhiều khán giả trẻ châu Á hâm mộ biểu diễn trước hơn 10.000 khán giả trong chuyến lưu diễn tại Việt Nam - Ảnh: T.T.D.
Nhóm nhạc Hàn Quốc Super Junior được nhiều khán giả trẻ châu Á hâm mộ biểu diễn trước hơn 10.000 khán giả trong chuyến lưu diễn tại Việt Nam - Ảnh: T.T.D.

* Anh từng làm việc với người Hàn. Trong công việc, anh nghĩ họ có những gì đáng để học hỏi?

Đạo diễn Việt Tú - Ảnh: C.K.- Chúng ta đang nói về một trong những nền công nghiệp giải trí có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại nên tôi thấy điều gì của họ cũng đáng để học và khen thì hơi thừa!

Vì đã được trải nghiệm công nghiệp giải trí Hàn Quốc khi làm đồng đạo diễn chương trình Bi Rain tại Việt Nam do một nhãn hàng tổ chức năm 2006, dựa vào trải nghiệm cá nhân đó, có thể tóm gọn trong bốn điều (và xin phép miễn so sánh với chúng ta): 

Đầu tiên là tôn ti trật tự, hãy nhìn tất cả các lễ trao giải âm nhạc của Hàn Quốc sẽ thấy trước khi bước lên sân khấu nhận hay trao giải, các cá nhân hay tập thể lớn hay bé đều cúi rạp người chào các đồng nghiệp của mình. 

Thứ hai: họ tôn trọng tập thể, kỷ luật về giờ giấc. Ngay cả những siêu sao tầm cỡ thế giới với lịch hoạt động dày đặc như Bi Rain cũng luôn đúng giờ như một robot được lập trình. Sau một chuyến thị sát với một nhóm lên tới hàng chục người, toàn bộ quá trình còn lại họ làm việc qua mạng, và đạo diễn chỉ sang trước hai ngày, các ca sĩ chỉ sang trước chưa đầy một ngày nhưng mọi thứ được diễn ra không hề sai lệch với kế hoạch được họ tính toán từ trước đó.

Thứ ba: thượng tôn chất xám. Mọi giấy tờ, sổ sách, quy trình làm việc không bao giờ phân phát bừa bãi cho bất kỳ ai (họ chỉ phát cho những người cần thiết, và hầu như tránh tối đa việc phát file mềm). Sau chương trình có một bộ phận riêng biệt chuyên đi kiểm tra và hủy những tài liệu quan trọng vì họ không muốn chất xám của mình bị copy. 

Thứ tư: chất lượng dịch vụ. Khi bạn đã chấp nhận trả đúng những gì họ yêu cầu (hợp đồng của riêng Bi Rain gần 100 trang với đủ mọi yêu cầu cần được đáp ứng), đồng thời chấp nhận văn hóa làm việc của họ, giá trị của những gì họ đưa lại cho bạn sẽ không bao giờ làm bạn cảm thấy phải hối hận.

* Vâng, và bây giờ thì văn hóa Hàn đã có mặt ở khắp nơi tại Việt Nam, điều này theo anh có gì đáng mừng và có gì đáng... ngại?

- Thật ra cần định nghĩa chính xác lại về câu chữ để tránh gây hiểu lầm cho độc giả và tạo ra những tranh luận không đáng có, điều chúng ta đang đề cập đến là “nền công nghiệp giải trí hiện đại Hàn Quốc” hoặc nói theo một cách khác là “làn sóng Hàn Quốc”.

Và họ dùng điều này để làm bàn đạp tạo ra một cuộc xâm thực về văn hóa, du lịch, kinh tế... Chủ đạo và được biết nhiều nhất vẫn là âm nhạc - phim ảnh.

Nói về mặt tích cực, điều đáng mừng là chúng ta có một mô hình làm văn hóa để học hỏi. Cách đây 20 năm chưa ai nhắc đến cái gọi là “làn sóng Hàn Quốc” cả, nhưng giờ đây họ đang xâm thực thế giới trên mọi lĩnh vực văn hóa với tầm nhìn và sự hỗ trợ tối đa từ chính phủ nước họ, tạo ra một hiệu ứng tương tác giữa sự phủ sóng về văn hóa với sự phát triển về kinh tế, xã hội.

Còn đáng ngại là chúng ta không có đủ nội lực để học hỏi và biến cái của họ thành của mình, tạo ra sự ảnh hưởng ngược lại tới họ, mà thay vào đó lại copy, lai tạp và trở thành một sản phẩm nhái chất lượng kém thì không hay cho chúng ta.

Lưu ý: con đường nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc học hỏi các nền công nghiệp giải trí châu Âu, Mỹ cách đây nhiều năm không khác gì con đường chúng ta đang học họ và thế giới, bắt đầu bằng sự bắt chước (hãy xem lại các băng đĩa nhạc Hàn trong thời kỳ bắt đầu và thời kỳ quá độ), chỉ có điều họ mạnh về văn hóa gốc (ở đây mới nên dùng từ “văn hóa”) nên đã đồng hóa thứ văn hóa mà họ đang phụ thuộc hay ảnh hưởng, biến thành sức mạnh của mình và lan tỏa ngược lại.

* Vậy thì cách nào để chúng ta bình thản để học hỏi mà không sợ bị “đồng hóa”?

- Đầu tiên, không nên cảm thấy tự hào về sự kém cỏi và cổ xúy cho sự bảo thủ. Nếu họ hay thì chúng ta cần phải học hỏi thay vì mù quáng chống lại chỉ để chứng tỏ là mình cũng có cái hay của mình nên không cần học ai. Còn về chuyện làm sao để có thể bình thản thì trong cuộc trò chuyện gần đây nhất với độc giả Việt Nam, Thomas Friedman - tác giả cuốn Thế giới phẳng - có nói một câu rất hay đại ý như sau: Trong một thế giới phẳng, khi mà mọi thông tin đều trở nên phẳng và công bằng với mọi đối tượng tiếp cận hơn bao giờ hết, cách duy nhất để không bị “phẳng” chính là cần phải giữ vững bản sắc của mình, và chỉ có giữ vững bản sắc bạn mới có thể trở nên nổi bật và được nhận diện trong một thế giới vốn đang bị phẳng hóa tuyệt đối như vậy.

Người Hàn đã thật sự tham gia vào sản xuất phim điện ảnh Việt qua sự hợp tác công khai giữa CJ E&M và Hãng phim Chánh Phương - phim Để Hội tính. Trong ảnh: ông Tae Sun Jung và đạo diễn Charlie Nguyễn (thứ nhất và thứ hai, từ trái qua) - Ảnh: Poly
Người Hàn đã thật sự tham gia vào sản xuất phim điện ảnh Việt qua sự hợp tác công khai giữa CJ E&M và Hãng phim Chánh Phương - phim Để Hội tính. Trong ảnh: ông Tae Sun Jung và đạo diễn Charlie Nguyễn (thứ nhất và thứ hai, từ trái qua) - Ảnh: Poly

* Đạo diễn PHAN ĐĂNG DI:

Sẽ rất buồn nếu người Việt chỉ làm thuê...

Đạo diễn Phan Đăng Di - Ảnh: T.T.D.
Đạo diễn Phan Đăng Di - Ảnh: T.T.D.

Việc nước ngoài đầu tư xây rạp hay hợp tác làm phim tại Việt Nam là xu hướng tất yếu thôi, nó cho thấy những đầu óc kinh doanh lão luyện nhất đã ngửi thấy mùi lợi ở đây. Giới làm điện ảnh Việt Nam phải sẵn sàng đón nhận và chấp nhận nó thế nào để tối đa cái lợi và giảm thiểu cái hại là điều đáng bàn. 

Sẽ rất buồn nếu trong trường hợp này, người Hàn cùng với việc xây rạp và làm phim, nhập khẩu luôn cả nhân sự và hậu cần của họ để khép kín quy trình, và người Việt mãi chỉ là chân làm thuê chạy lon ton vòng ngoài như đã xảy ra với nhiều ngành công nghệ khác. Nhưng điều này hoàn toàn có thể xảy ra với một hệ thống nhân lực mỏng, được đào tạo chắp vá và mãi thiếu một cơ hội và môi trường làm việc đúng chuẩn quốc tế để tự tin lớn lên như điện ảnh Việt Nam hiện nay...

Là cơ hội hay đe dọa, cuối cùng, tất cả đều nằm trong tay chúng ta mà thôi. Nguy cơ cho một nền điện ảnh thường khi ít đến từ bên ngoài, nó đến từ chỗ chúng ta thiếu một sự đoàn kết và đồng lòng cho một tiếng nói Việt Nam đủ mạnh, cả trong nước và quốc tế - điều này nếu không thay đổi được thì vô phương. Còn khi chủ nhà đã có tiếng nói mạnh, người trong nhà ủng hộ nhau, ra ngoài thì cất lời dõng dạc, lúc đó khách nào đến chơi chắc chắn cũng phải cung kính nể vì, cởi giày ngoài cửa và thấy hân hạnh được chủ nhà đón.

C.K. ghi

* Nhạc sĩ HUY TUẤN:

Đón nhận có ý thức

Nhạc sĩ Huy Tuấn - Ảnh: T.T.D.
Nhạc sĩ Huy Tuấn - Ảnh: T.T.D.

Muốn phát triển chúng ta cần phải học hỏi và cần biết cạnh tranh một cách sòng phẳng, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, bạn có muốn tránh cũng không thể tránh được. Hàn Quốc có một thị trường và môi trường văn hóa tiên tiến. Họ đi trước, phát triển trước, toàn diện hơn, bài bản hơn chúng ta rất nhiều. Vậy thì tại sao chúng ta không đón nhận một cách có ý thức để từ đó rút ra được những điều tốt đẹp, những điểm mạnh, mặt tốt của họ để cùng phát triển? Đến ngay cả Nhật Bản - một đất nước coi trọng truyền thống nhất - mà họ vẫn luôn đón nhận các làn sóng và dòng chảy văn hóa từ khắp các nơi và tất nhiên họ cũng rất bình thản quan sát, tiếp nhận làn sóng Hàn Quốc tràn đến. Chúng ta cũng nên như thế. Tỉnh táo học hỏi, cạnh tranh chuyên nghiệp và bản lĩnh thì sẽ giữ và phát triển được nền văn hóa của riêng mình.

Q.N. ghi

>> Kỳ 1: Thị trường Việt và “bóng dáng” Hàn - Kỳ 1: Bước đi mới của K-pop

CÁT KHUÊ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên