11/01/2015 06:00 GMT+7

​Đăng kiểm xe máy, liệu có khả thi?

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG

TTO - Xe máy lưu thông phải đăng kiểm và đóng thêm nhiều loại phí là một trong những đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP.HCM nhằm hạn chế phương tiện cá nhân...

Theo đề án, chủ sở hữu phương tiện còn phải đấu giá và nộp một khoản tiền để được quyền lưu hành xe - Ảnh: T.T.

Theo đề án, phương tiện đăng ký mới được quản lý bằng cách cấp quota (hạn ngạch), trong đó chỉ cho đăng ký phương tiện ở mức giới hạn.

Đồng thời, chủ sở hữu phương tiện còn phải đấu giá và nộp một khoản tiền để được quyền lưu hành xe.

Đề xuất cũng quy định niên hạn sử dụng đối với phương tiện hoạt động tại các đô thị lớn mà trước mắt là quy định niên hạn sử dụng dành cho xe máy.

Đăng kiểm để hạn chế xe cá nhân có phải là giải pháp?

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp nhấn mạnh: “Quy định thì mang ý tốt nhưng khó thực hiện và dễ nảy sinh tiêu cực. Việc đăng kiểm là cần thiết như trường hợp xe chạy lâu ngày, cũ kỹ sẽ có khói nhiều ảnh hưởng môi trường, nhưng dùng biện pháp đăng kiểm để hạn chế xe cá nhân thì không phải là giải pháp”.

Đưa đề xuất này vào tình hình thực tế của giao thông ở TP.HCM, luật sư Huỳnh Phước Hiệp thắc mắc: “Số lương xe máy quá nhiều thì quy trình đăng ký như thế nào? Nếu cơ quan chức năng lập ra đủ cơ sở để đăng kiểm, quản lý và có lộ trình cụ thể thì vẫn có thể thực hiện. Nếu không được như vậy thì phương án này có thể phá sản như những lần đề xuất trước đó”.

>> Luật sư Huỳnh Phước Hiệp

Việc hạn chế xe máy chỉ diễn ra ở các thành phố lớn dễ dẫn đến trường hợp người dân thành phố không đủ điều kiện mua xe sẽ nhờ người khác mua và đứng tên. Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (văn phòng luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn luật sư TP.HCM) dự đoán: “Như vậy sẽ có dịch vụ đứng tên giùm, rất khó cho cơ quan quản lý”

Khi chủ sở hữu phương tiện là người đăng ký thật sự thì cơ quan chức năng mới có thể quản lý được. Luật sư Hiệp giải thích: “Nếu xảy ra tranh chấp sẽ rắc rối khi phải xác minh ai là người mua xe, ai là người đứng tên, ai là người hưởng giá trị”.

Theo luật sư Hiệp, quy định này tương tự những quy định trước đây về việc hạn chế phương tiện cá nhân trong các đô thị lớn. Kết quả là những đề xuất ấy đều không được thực hiện.

Phóng viên Quang Khải (báo Tuổi Trẻ) nhận định đề xuất kiểm định xe gắn máy nhằm hạn chế phương tiện cá nhân là không khả thi.

Phóng viên Quang Khải cho rằng: “Hiện tại công tác kiểm định ôtô đang gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng hết. Muốn kiểm định xe gắn máy cần cơ sở vật chất và nhân lực lớn, khoản tiền chi ra cũng không hề nhỏ mà chưa chắc đã mang lại hiệu quả”.

Về quy định niên hạn sử dụng xe gắn máy, PV Quang Khải chia sẻ: “Nhu cầu sử dụng xe của từng người khác nhau, có người mua xe nhưng ít đi và bảo dưỡng tốt thì xe cũng còn lưu thông được. Có người vì chở hàng nhiều, không bảo trì bảo dưỡng, mới 1-2 năm thì hư hỏng là chuyện thường”.

“Quy định niên hạn sử dụng là chưa hợp lý” - PV Quang Khải nói.

>> PV Quang Khải

Nên ưu tiên phát triển phương tiện công cộng

Nhiều ý kiến cho rằng thay vì hạn chế phương tiện cá nhân thì biện pháp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông là ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Hạn chế xe cá nhân mà chưa phát triển hệ thống giao thông công cộng là bất cập. Ảnh minh họa

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Xuân Mai (khoa kỹ thuật giao thông ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM) thì việc hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết đối với giao thông TP.HCM nhưng cần phải phù hợp với thực tế.

Ông Mai nói: “Hạn chế là hạn chế đối với loại xe nào? Ở TP.HCM hiện nay đông nhất là xe máy. Hạn chế xe cá nhân mà chưa phát triển hệ thống giao thông công cộng là bất cập”.

PGS-TS Phạm Xuân Mai cho biết: “Nếu muốn giảm ùn tắc khi hệ thống giao thông công cộng chưa đảm bảo thì cách duy nhất là hạn chế lưu hành xe máy ở một số tuyến đường, khu vực nhất định”.

>> PGS-TS Phạm Xuân Mai

Việc đăng kiểm ở xe ôtô do cấu tạo xe phức tạp, có yếu tố kỹ thuật cao, còn xe gắn máy là loại phương tiện thông thường, nên việc đăng kiểm là chưa cần thiết.

PGS-TS Phạm Xuân Mai phân tích:  “Cả thành phố có gần 7 triệu xe máy thì đăng kiểm như thế nào?”.

Việc nâng cấp hạ tầng giao thông còn quá chậm, xây dựng vẫn ì ạch, ông Mai nói: “Người dân không có phương tiện để đi thì làm sao họ bỏ xe cá nhân được?”.

Việc tạo ra những lối đi riêng cho xe gắn máy cũng không khả thi vì đường còn nhỏ, chỉ những đường lớn như Hàm Nghi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ mới có thể thực hiện. Tốt nhất Nhà nước phải đầu tư giao thông công cộng thật tốt, phải làm nhanh.

“Kinh nghiệm của thế giới là chỉ khi giao thông công cộng chiếm ít nhất 30-40% thì khi đó mới hạn chế được xe cá nhân” - PGS.TS Phạm Xuân Mai khẳng định.

>> PGS -TS Phạm Xuân Mai

Cần xem việc sử dụng phương tiện công cộng, phương tiện cá nhân có tương đồng với nhau hay không?

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp cho biết: “Nếu phương tiện công cộng quá tốt, vừa rẻ, an toàn, vừa tiện lợi, chắc chắn tôi sẽ chọn phương tiện công cộng. Nhưng khi phương tiện công cộng nguy hiểm bởi nạn trộm, cướp, quấy rối tình dục, đón xe khó khăn, phải qua nhiều chặng và đi bộ quá nhiều… thì người dân đành phải chọn phương tiện cá nhân”.

>> Luật sư Huỳnh Phước Hiệp

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên