Ông Đào Hồng Đức - Ảnh: XUÂN LONG |
Ông Đức nói: “Khi kiểm tra ban đầu, đăng kiểm viên (ĐKV) xem xét hồ sơ, trong đó những tàu cá của Bình Định có hồ sơ gốc đầy đủ với chứng thư chứng nhận giám định chất lượng của tổ chức giám định, hồ sơ không có vấn đề gì.
ĐKV cũng kiểm tra máy theo quy trình, chạy thử đường ngắn, đường dài với sự chứng kiến của tất cả các thành viên. Tại thời điểm chạy thử, máy vẫn hoạt động bình thường nên ĐKV cho phép tàu hoạt động”.
* Liệu ĐKV chỉ xem hồ sơ khi đăng kiểm, không kiểm tra trực tiếp máy đã lắp ráp?
- Hồ sơ của những máy ĐKV đã làm cho thấy có chứng thư giám định của Công ty TNHH giám định hàng hóa Tân Trọng Tín giám định chất lượng (theo yêu cầu của Công ty TNHH XNK Hoàng Gia Phát), trong đó xác nhận tên hàng khai báo là máy tàu thủy hiệu Mitsubishi, mới 100%.
Theo quy trình, ĐKV kiểm tra toàn bộ, kiểm tra hồ sơ gốc là đủ điều kiện. Còn liên quan đến chất lượng thì căn cứ vào chứng thư.
Toàn bộ hồ sơ này đi qua hải quan, qua chứng thư giám định về chất lượng thì ĐKV mới cho phép chứ không phải không có cơ sở nào mà ĐKV cũng cho.
Hơn nữa, ĐKV chỉ kiểm tra chạy thử, không được phép mở máy ra kiểm tra chi tiết. Chúng tôi thừa nhận có thiếu sót về sự chuyên sâu của ĐKV, nếu chuyên sâu và kinh nghiệm có thể phát hiện.
* Có tới 8/9 máy không chính hãng, nhiều chi tiết là hàng giả và gặp rất nhiều vấn đề. Tại sao khi chạy thử ĐKV không phát hiện được?
- ĐKV báo cáo về lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm là khi chạy thử toàn bộ hoạt động bình thường. Còn khi xác định máy không chính hãng là phải đến thời gian sau, đến khi trục trặc trên biển và ngư dân kiểm tra thấy hỏng, rồi Hãng Mitsubishi sang kiểm tra.
* Như ông nói, hồ sơ đều đầy đủ trong khi máy có nhiều linh kiện không chuẩn, có phải là quy trình kiểm tra không chuẩn?
- Đó là chi tiết máy nên ĐKV không kiểm tra. Ở đây là trách nhiệm của bên cung cấp máy, phải cung cấp máy chính hãng. Đăng kiểm chỉ kiểm tra về an toàn và kỹ thuật, trong khi có nhiều đơn vị giám sát khác nữa như nhà máy, chủ tàu. Nếu quá trình giám sát được đầy đủ cũng có thể phát hiện.
* Trung tâm này là đơn vị độc quyền kiểm tra tàu cá cỡ lớn, gần 300 tàu vỏ thép đóng đợt này đều do trung tâm kiểm tra. Nếu năng lực như vậy làm sao đảm bảo chất lượng tàu, trong khi chủ tàu phải trả phí đăng kiểm 60 triệu đồng/tàu?
- Thực ta chúng tôi đang... tính (!). Với nhiều tàu đang được đóng, ĐKV phải nâng cao chuyên môn. Tới đây cơ quan đăng kiểm phải thuê các chuyên gia giỏi về máy tàu để đi cùng với ĐKV, vừa để nâng cao kiến thức cho ĐKV vừa giúp kiểm tra đảm bảo tốt hơn. Cách làm là phải theo hướng tăng cường chất lượng, thuê thêm chuyên gia.
Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản cũng có chủ trương tổng rà soát hậu kiểm. Đối với các tàu đang hoạt động, chúng tôi đang rà soát hồ sơ để xem có gì nghi vấn liên quan đến chất lượng, máy và các thứ khác. Đó cũng là một trong những bước để thực hiện tốt công tác đăng kiểm.
* Theo ông, trách nhiệm của đăng kiểm trong vụ việc này như thế nào? Nếu không đủ chuyên môn có được cho phép tham gia đăng kiểm?
- Chúng tôi đã họp và kiểm điểm các ĐKV. Riêng việc xử lý trách nhiệm của ĐKV phải chờ lãnh đạo Tổng cục Thủy sản có ý kiến. Còn trách nhiệm phân công hay không phân công làm nhiệm vụ đăng kiểm tiếp là của tổng cục.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát năng lực của ĐKV để làm sao đảm bảo được yêu cầu. Họ có qua đào tạo, được cấp thẻ ĐKV. Vấn đề là họ làm thời gian chưa được lâu, phải có kinh nghiệm tốt hơn mới làm được.
* Vì sao đến khi ngư dân đưa tàu ra khơi mới phát hiện máy không chính hãng, thép không đúng hợp đồng? Lỗ hổng ở đâu và trách nhiệm của ai?
- Cái này tôi không trả lời được, phải chờ cơ quan quản lý nhà nước vì tới đây sẽ rà soát xem trách nhiệm của các bên.
Về phía đăng kiểm, chúng tôi sẽ có giải trình, kiểm điểm để chấn chỉnh, đảm bảo những tàu sắp đóng tránh được những sự cố như vừa rồi. Nhưng trong các công trình, tư vấn giám sát chịu trách nhiệm chính, khi lôi ra là lôi tư vấn giám sát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận