28/11/2013 20:02 GMT+7

Đảng gắn bó mật thiết với quá trình xây dựng bản Hiến pháp

LÊ KIÊN ghi
LÊ KIÊN ghi

TTO - Đó là khẳng định của Phó chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau thời khắc Quốc hội biểu quyết thông qua Hiến pháp sửa đổi.

L2QHBFKb.jpgPhóng to
Phó chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí - Ảnh: Việt Dũng

Ông Lưu nói: Bản Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể chế hóa được cương lĩnh của Đảng, trên cơ sở phát huy dân chủ, phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc, đề cao quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và có thể nói là phân định rõ được chức năng, nhiệm vụ của cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.

* VTV: Thưa ông, cái đổi mới nhất trong lần sửa đổi này được mọi người đánh giá là quy định về quyền con người, ông có thể cho biết về ý kiến này?

- Vâng, đúng thế. Chúng ta thấy trước đây chương V của Hiến pháp năm 1992 nói về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nhưng Hiến pháp sửa đổi lần này chúng ta đưa nội dung này lên chương II, chỉ đặt sau chương về chế độ chính trị. Như vậy, chỉ riêng về bố cục cũng đã thể hiện sự quan trọng của chương về quyền con người.

Thứ hai là tên chương cũng có sự thay đổi. Trước đây là “quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân”, còn bây giờ là “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, để khẳng định Nhà nước cam kết bảo đảm, bảo vệ, tôn trọng quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đúng như quy định tại các công ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Và đây cũng là thành quả của 30 năm đổi mới, của sự phát triển của đất nước.

* TUỔI TRẺ: Thưa Phó chủ tịch, ông vừa đề cập các quy định về quyền con người như một điểm nhấn của Hiến pháp sửa đổi. Vậy phải làm thế nào để các quy định tốt đẹp ấy được thực thi triệt để trong cuộc sống? Ví dụ, có những quyền như là quyền biểu tình đã được ghi trong các bản Hiến pháp của Việt Nam nhưng vẫn chưa được thể hiện bằng một đạo luật cụ thể?

- Những quyền tự do, dân chủ, lập hội, biểu tình… thì không chỉ được quy định trong Hiến pháp sửa đổi lần này mà cả các bản Hiến pháp trước đây của chúng ta cũng có. Bây giờ để triển khai cái đó thì rõ ràng tới đây phải ban hành luật để quy định rõ các điều kiện, trình tự, thủ tục để cho công dân thực hiện được các quyền đó. Và các quyền đó là các quyền hiến định.

* VNECONOMY: Thưa Phó chủ tịch, việc đổi mới thể chế kinh tế được đặt ra như một yêu cầu cấp bách, vậy Hiến pháp sửa đổi lần này có sự đột phá nào để đáp ứng yêu cầu này?

- Có thể nói rằng ngay điều 51 của Hiến pháp sửa đổi đã khẳng định mục tiêu, mô hình kinh tế của chúng ta, khẳng định nhất quán là mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế và các thành phần kinh tế bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, được đối xử bình đẳng trước pháp luật.

Hiến pháp sửa đổi cũng khẳng định rõ các thành phần kinh tế đều được Nhà nước bảo hộ và Nhà nước không quốc hữu hóa những tài sản hợp pháp của các nhà đầu tư, nhà sản xuất, nhà kinh doanh. Đây là một thông điệp mà tôi nghĩ rằng rất quan trọng.

Và thứ ba nữa là khẳng định quyền sở hữu hợp pháp của các thành phần kinh tế, các chủ thể, các cá nhân thì đều được Nhà nước tôn trọng, bảo đảm và đây là quyền thiêng liêng của họ.

* TUỔI TRẺ: Thưa Phó chủ tịch, với tư cách là một thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông còn băn khoăn hoặc tiếc nuối nào về những điều chưa thể đưa vào được Hiến pháp sửa đổi không? Chẳng hạn quy định về Hội đồng Hiến pháp phải rút ra?

- Đấy cũng là một vấn đề. Phải nói đây là một câu hỏi rất thú vị. Bởi vì thế này: ở đây chúng ta đang triển khai một chủ trương, chính sách rất lớn đó là kiểm soát quyền lực mà chúng ta đã đưa vào Hiến pháp sửa đổi ở tại điều 2 là quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Quy định như vậy để đảm bảo quyền lực của nhân dân được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, hiệu lực, hiệu quả.

Thế thì về cơ chế kiểm soát quyền lực tuy chúng ta chưa đưa quy định về Hội đồng Hiến pháp vào ngay bây giờ, nhưng các chương, điều khác của Hiến pháp sửa đổi cũng đã thể hiện tinh thần, nguyên tắc đó. Ví dụ, khẳng định quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Chính phủ, quyền tư pháp thuộc về cơ quan xét xử là tòa án.

Và trong các chương này đã thể hiện phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan. Chính sự phân công này cũng tạo điều kiện cho sự kiểm soát quyền lực.

Ngoài ra, theo kiến nghị của đại biểu Quốc hội và cử tri thì chúng ta thấy rằng cần ghi rõ vào chương quy định hiệu lực Hiến pháp một điều để nói rõ trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, các cơ quan khác của Nhà nước và trách nhiệm của toàn dân trong vấn đề bảo vệ Hiến pháp, bảo đảm tôn trọng Hiến pháp theo tinh thần Nhà nước pháp quyền.

Còn với điều kiện hiện nay, với cơ chế bảo hiến đã có thì chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện, quy định rõ trong luật. Còn quy định về Hội đồng Hiến pháp thì trong quá trình thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau.

Như lúc đầu chúng tôi nói, với những vấn đề chưa có đồng thuận cao, còn nhiều ý kiến khác nhau, mặc dù chúng ta biết đó là phương tiện cần thiết, nhưng mà chúng ta vẫn phải tiếp tục nghiên cứu.

* VNECONOMY: Ông nghĩ gì khi có hai đại biểu không bấm nút thông qua Hiến pháp sửa đổi?

- Tôi nghĩ đó là quyền của họ. Họ thể hiện chính kiến của họ. Và đây cũng là điều bình thường trong xã hội bây giờ. Chúng ta không thể áp đặt họ được.

* PHÁP LUẬT TP.HCM: Thưa ông, như Chủ tịch Quốc hội nói, Hiến pháp sửa đổi thể hiện được ý chí của toàn dân, trong đó Đảng là lực lượng lãnh đạo. Vậy thì Đảng đóng vai trò gì trong quá trình sửa đổi Hiến pháp lần này?

- Các đồng chí trở lại điều 4. Hiến pháp sửa đổi lần này chúng ta vẫn tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản VN, trong đó có mấy điểm lớn.

Một là Hiến pháp lần này thể hiện rõ hơn bản chất của Đảng. Nói một cách công khai và có thể nói là đã đưa vào trong Hiến pháp rằng đây là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc, là đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đại biểu trung thành của nhân dân lao động và của cả dân tộc.

Hai là khẳng định vị trí lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản VN. Nhưng điều quan trọng hơn mà cử tri và đại biểu Quốc hội mong muốn là phải xác định rõ trách nhiệm của Đảng so với Hiến pháp trước đây.

Trước đây trong bản Hiến pháp chúng ta không nói rõ trách nhiệm của Đảng thì lần này đã đưa vào và nhấn mạnh: Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, đấy là sức sống của Đảng. Hơn nữa, Đảng phải phục vụ nhân dân, phải chịu sự giám sát của nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội mà nếu như quyết định không đúng, quyết định ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân thì Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và trước dân tộc. Đây là một điểm rất mới.

Còn trong quá trình tham gia, quá trình chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp thì có thể nói rằng đây là một quá trình thể chế hóa cương lĩnh, cụ thể hóa những điểm lớn, những mục tiêu mà đại hội Đảng đã đề ra.

Thêm nữa là chúng ta cũng chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về mục tiêu, quan điểm, định hướng. Cho nên có thể nói rằng Đảng gắn bó mật thiết với quá trình xây dựng bản Hiến pháp này, để như Chủ tịch Quốc hội nói rằng đây là bản Hiến pháp kết tinh giữa ý Đảng, lòng dân.

LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên