09/10/2016 14:50 GMT+7

Dù muốn, Đảng Cộng hòa không thể thay Donald Trump

TÚ ANH
TÚ ANH

TTO - Nhiều nhân vật cộm cán của đảng Cộng hòa đang lên tiếng kêu gọi ứng viên Donald Trump rút khỏi cuộc đua và đưa ứng viên phó tổng thống Mike Pence lên thay. Nhưng theo qui định thì khó khả thi.

Ứng viên Donald Trump tuyên bố không bao giờ từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng - Ảnh: AFP

Ngày 8-10, ngay sau khi thông tin về phát ngôn khiếm nhã đối với phụ nữ của ứng viên Tổng thống Donald Trump gây bão, Thượng nghị sĩ John Thune của bang South Dakota, đã viết trên tài khoản Twitter lời tuyên bố mạnh mẽ: “Donald Trump phải rút lui và Mike Pence (thống đốc bang Indiana, ứng viên Phó Tổng thống) phải được đề cử làm ứng viên của đảng chúng ta ngay tức thì”.

Ông hiện là nhân vật số 3 của đảng Cộng hòa và là lãnh đạo đầu tiên bên đảng Cộng hòa phát pháo về chuyện thay ngựa giữa dòng.

Quả thực Ủy ban quốc gia của đảng Cộng hòa Mỹ (RNC) đang đối diện tình huống chưa từng có tiền lệ và đầy phức tạp.

Không đủ thời gian thay người

Nếu ông Donald Trump từ chối rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng - việc này thì ông cũng đã khẳng định là “không bao giờ từ bỏ cuộc đua” - thì xem ra bên đảng Cộng hòa cũng bó tay.

Ông Jeffrey Berry, giáo sư về chính trị Mỹ của ĐH Tufts (Mỹ), giải thích với trang Mashable rằng đây là chuyện chưa có tiền lệ và bị vướng vào chính các qui định của đảng Cộng hòa.

Điều lệ số 9 của RNC qui định đảng Cộng hòa chỉ có thể thay ứng viên khi “ứng viên qua đời, tự tử bỏ hoặc một tình huống khác” và không hề có qui định cho phép các thành viên của RNC được phép quyết định thay người.

Điều lệ số 12 thực ra có cho phép điều chỉnh, thay đổi điều lệ của đảng. Nhưng kể cả khi thực thi điều lệ này thì tình hình hiện nay cũng không cho phép làm được điều họ mong muốn.

Để thay đổi điều lệ của đảng Cộng hòa phải có 3/4 số thành viên của đảng đồng ý cho quyết định đó. Rồi thì theo qui định của đảng, một khi đã bỏ phiếu chuẩn thuận xong thì phải mất đến 30 ngày quyết định đó mới có hiệu lực.

Trong khi đó cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã được quyết định vào ngày 8-11, tức chỉ trong một tháng nữa.

Thượng nghị sĩ Cory Gardner của bang Colorado viết trên Twitter rằng nếu Donald Trump muốn đánh bại Hillary Clinton thì chỉ cần làm mỗi một việc mà đảng Cộng hòa đang mong muốn hiện nay là "bước qua một bên" - Ảnh chụp màn hình

Ông Josh Putnam, giáo sư Khoa chính trị của ĐH Georgia (Mỹ), cũng viết trên Twitter rằng bên đảng Cộng hòa không có đủ thời gian dù rất muốn thay ông Trump.

Ngoài ra trong luật bầu cử ở Mỹ, mỗi bang có luật riêng của mình và có quyền quyết định ngày nào cho in ấn tên ứng viên trên phiếu bầu.

Tại một số bang cho phép bầu sớm, các phiếu bầu đã in tên ứng viên Donald Trump bên phần đảng Cộng hòa. Vậy nên khó có thể tin rằng xảy ra trường hợp có 2 loại phiếu bầu với phiếu mới không có tên tỉ phú Trump.

Tại một số bang như Florida và North Carolina, một số cử tri đã bỏ phiếu vào thùng trong quá trình bầu cử sớm.

Theo tính toán của chương trình Dự án Bầu cử Mỹ, 35.000 cử tri Cộng hòa, 59.000 cử tri Dân chủ và 22.300 cử tri độc lập đã đưa ra quyết định của mình trong lá phiếu có tên ứng viên Donald Trump. Hàng triệu cử tri khác cũng đã nhận các lá phiếu có tên Donald Trump để chuẩn bị cho quá trình bầu cử sớm.

Tổng thống Barack Obama đã bỏ phiếu 

Ngày 7-10, trong chuyến thăm không báo trước tới thành phố Chicago của bang Illinois, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đi bỏ phiếu sớm.

Ông thực hiện quyền công dân tại Hạt Cook của bang quê nhà Illinois, nơi ông từng là Thượng nghị sĩ đại diện trước khi trở thành chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng vào năm 2008.

Tổng thống Obama đi bỏ phiếu sớm tại Chicago ngày 7-10 - Ảnh: Reuters

Dù không công khai bỏ phiếu bầu cho ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton hay cho ứng viên Donald Trump, nhưng trong thời gian qua, Tổng thống Obama đã nhiều lần tuyên bố ủng hộ cựu Ngoại trưởng Hillary, đồng thời khẳng định tỉ phú Trump không đủ phẩm chất để trở thành người lãnh đạo nước Mỹ.

Quy định của Hiến pháp Mỹ cho phép cử tri tham gia bỏ phiếu sớm nếu họ đăng ký và giải thích lý do. Trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016, dự kiến cử tri tại 2/3 số tiểu bang của Mỹ bắt đầu tham gia bỏ phiếu sớm bằng hình thức bầu trực tuyến hoặc gửi thư.

Giới quan sát nhận định kết quả bầu cử nhiều khả năng sẽ được quyết định tại 11 bang “chiến địa” gồm Colorado, Florida, Iowa, Michigan, Nevada, New Hampshire, Bắc Carolina, Ohio, Pennsylvania, Virginia và Wisconsin.

Theo số liệu thăm dò của Realclearpolitics, bà Hillary hiện nhận được 226 phiếu đại cử tri trong khi ông Trump có 165 phiếu. Dự kiến ứng cử viên tổng thống nào giành được 270 phiếu trên tổng số 538 phiếu đại cử tri sẽ được tuyên bố thắng cử.

Trưởng ban vận động tranh cử của bà Clinton, ông Robby Mook cho biết “tại các bang chiến địa mà đảng Dân chủ đặt trọng tâm, sẽ có ít nhất 40% cử tri đi bỏ phiếu trước ngày bầu cử".

TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên