20/10/2024 19:52 GMT+7

Dân thấp thỏm lo sạt lở, Thừa Thiên Huế lập danh sách để di dời

Hàng chục hộ dân sống dưới chân hai ngọn núi Phước Tượng, Phú Gia (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) thấp thỏm sống trong nỗi lo sạt lở, khi mùa mưa bão cận kề.

Sống thấp thỏm trước nỗi lo sạt lở - Ảnh 1.

Nhiều hộ dân ở xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) thấp thỏm với nỗi lo núi Phước Tượng sạt lở, vùi lấp - Ảnh: NHẬT LINH

Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết đã lập danh sách các nơi dễ xảy ra sạt lở núi, và yêu cầu các địa phương có phương án di dời người dân đến nơi an toàn mỗi khi mưa bão đến.

Cứ mưa to là lo núi sạt lở, sợ bị vùi lấp

Căn nhà của ông Phan Văn Tuấn và bà Phan Thị Duyên (52 tuổi, trú xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc) nằm ngay dưới chân núi Phước Tượng hơn 30 năm nay. Năm 1999, sau trận mưa lũ lịch sử xứ Huế, một phần quả núi đổ ập xuống, bùn đất đè lên căn nhà nhỏ bé của ông bà.

Để đảm bảo an toàn, ông Tuấn đã thuê xe múc san bớt một phần núi tạo ta luy và dời căn nhà đi cách xa vị trí cũ để tránh sạt lở.

Nào ngờ trong trận mưa lớn năm 2023, ngọn núi ngay sau nhà lại sạt xuống một lần nữa khiến cả gia đình một phen khiếp vía.

"Vừa rồi xem trên tivi thấy ở Lào Cai, Hà Giang sạt lở núi vùi lấp nhiều người mà bỗng rùng mình.

Nhiều đêm mưa lớn tui không ngủ được, cứ thấp thỏm chạy ra chạy vô sau nhà xem có nghe tiếng nổ nào lớn không, để lỡ có chuyện là hô cả nhà…chạy", bà Duyên nói.

Sống thấp thỏm trước nỗi lo sạt lở - Ảnh 3.

Bà Phan Thị Duyên bên ngôi nhà nằm dưới chân núi Phước Tượng. Cứ mỗi lần mưa lớn, bà Duyên lại thấp thỏm không yên vì sợ núi sạt lở, vùi lấp căn nhà - Ảnh: NHẬT LINH

Tương tự, mấy năm nay cứ vào mùa mưa bão là gia đình bà Trần Thị Dung (53 tuổi, trú thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) chẳng thể nào yên giấc vì nỗi lo sạt lở.

Nhà bà Dung nằm ngay dưới chân núi Phú Gia và là một trong những hộ dân thuộc diện nguy hiểm, cần được di dời đi nơi khác mỗi bận Huế đổ mưa to.

"Đời sống của người dân nơi đây khổ lắm, cứ mưa to là phải thu dọn đồ đạc để sẵn sàng chạy đi đến nơi an toàn vì sợ núi sạt lở, vùi lấp", bà Dung kể.

Theo UBND huyện Phú Lộc, hiện trên địa bàn có hơn 70 hộ dân với hơn 220 khẩu đang bị ảnh hưởng bởi nỗi lo sạt lở núi. 

Cụ thể, ở thôn Trung Phước Tượng và thôn Trung An (xã Lộc Trì) có 8 hộ chịu ảnh hưởng; dọc tuyến quốc lộ 49B đoạn qua xã Lộc Bình có 10 hộ; thôn Bạch Thạch thuộc xã Lộc Điền với 13 hộ.

Đặc biệt, ở khu vực dưới chân núi Phú Gia có đến 32 hộ dân có nguy cơ bị vùi lấp nếu xảy ra sạt lở núi, cần được di dời đến nơi khác.

Sống thấp thỏm trước nỗi lo sạt lở - Ảnh 3.

Khu vực dễ xảy ra sạt lở dưới chân núi Phú Gia (Thừa Thiên Huế) khiến 32 hộ dân bị ảnh hưởng, cần được di dời - Ảnh: T.XUÂN

Chờ dự án để di dời dân khỏi vùng sạt lở

Ông Trần Văn Minh Quân, phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, cho biết trước mắt để đảm bảo an toàn, các hộ dân nằm trong khu vực dễ xảy ra sạt lở núi được huyện chỉ đạo địa phương đưa vào danh sách sơ tán khẩn cấp mỗi khi có mưa lớn xảy ra.

"Riêng 32 hộ dân ở dưới chân núi Phú Gia, huyện đã có đề xuất và Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh cũng đã lập dự án trồng cây tạo mảng xanh tại chân núi, trong đó có hạng mục di dời, tái định cư 32 hộ dân tại khu vực này", ông Quân nói.

Theo ông Quân, dự án dự kiến có tổng mức đầu hơn hơn 65 tỉ đồng, bao gồm việc đền bù, di dời và tái định cư cho 32 hộ dân đang sống thấp thỏm vì sạt lở.

"Hiện dự án đang được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét, trình HĐND tỉnh thông qua. Dự kiến được triển khai vào năm 2025", đại diện Ban Quản lý tỉnh Thừa Thiên Huế nói.

Ông Đặng Văn Hòa, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế, cho biết từ đầu năm nay ban đã lập danh sách những nơi dễ xảy ra sạt lở, lũ quét để cảnh báo, đề nghị các địa phương có phương án di dân đến nơi an toàn.

"Trước mỗi trận mưa lớn, chúng tôi đều có công văn đề nghị các địa phương chuẩn bị nhân lực, vật lực sẵn sàng ứng phó trong điều kiện xảy ra sự cố thiệt hại do thiên tai. Riêng với việc ứng phó tình huống sạt lở, ban sẽ theo dõi sát sao tình huống thời tiết để đề nghị các địa phương di dời dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn", ông Hòa nói.

Sống thấp thỏm trước nỗi lo sạt lở - Ảnh 4.Phòng tránh thảm họa sạt lở đất: Cần đầu tư cảnh báo và trang bị kiến thức cho người dân

Sạt lở đất đang nổi lên là hình thái thiên tai vô cùng nguy hiểm, gây thiệt hại nhân mạng hàng đầu tại Việt Nam trong những năm qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên