26/04/2007 18:27 GMT+7

Dân ta biết sử ta: Điểm nhấn nhỏ - Mong ước lớn

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, ngoài dấu ấn là ngày nghỉ lễ chính thức, đi trên những đường lớn của TP.HCM, người đi đường sẽ còn được lướt qua lịch sử Việt Nam qua công lao kiến tạo của các vị vua, từ huyền sử Kinh Dương Vương đến thời cận đại trên những tấm banner trải dài hai bên đường.

BẤM VÀO ĐÂY để tham quan khu du tích đền Hùng bằng hình ảnh 3DChùm ảnh: Cùng tưởng nhớ Quốc tổ Hùng VươngHãy nhớ đến những người dựng nướcThiêng liêng cội nguồn “bọc trăm trứng”!Nhiều nơi tổ chức Lễ giỗ Tổ hoành trángBốn phương tụ hội về đất Tổ: Cội nguồn là đây

2r3U8q9z.jpgPhóng to
Học sinh bàn luận khi những banner đầu tiên xuất hiện trong sân trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai - Ảnh: Tự Trung
TTO - Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, ngoài dấu ấn là ngày nghỉ lễ chính thức, đi trên những đường lớn của TP.HCM, người đi đường sẽ còn được lướt qua lịch sử Việt Nam qua công lao kiến tạo của các vị vua, từ huyền sử Kinh Dương Vương đến thời cận đại trên những tấm banner trải dài hai bên đường.

Trong một số trường học, banner giới thiệu các danh nhân thời đại Hồ Chí Minh được treo trang trọng trong sân trường cũng đang thu hút các nam nữ sinh xôn xao bàn luận trước giờ học, trong giờ ra chơi… Chương trình “Dân ta biết sử ta”, xã hội hóa việc học sử, biết sử, thực hiện một mong ước của Bác Hồ năm nào đang bước qua giai đoạn thể nghiệm…

Từ những tấm banner bị tháo dỡ

Cách đây vài tháng, những tấm banner mang tiểu sử vắn tắt của các nữ danh nhân kỷ niệm ngày Thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lần đầu xuất hiện trên đường phố đã làm nhiều người ngạc nhiên. Ngạc nhiên như một chị cán bộ hội phụ nữ đã thốt lên trong buổi họp báo “Tôi thật vui mừng và còn hơi xấu hổ nữa, vì bao nhiêu năm làm ở hội, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc này…".

Ngạc nhiên như Thúy Vân, một bạn đọc của Tuổi Trẻ từ địa chỉ panchilusa@... gửi mail cho chúng tôi ngay khi dãy banner đầu tiên mới vừa được treo lên: “Hôm nay, lần đầu tiên tôi chạy xe thật chậm trên đường Điện Biên Phủ từ góc Nguyễn Thiện Thuật tới tận đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lý do: để đọc thật kỹ những dòng giới thiệu về những nữ anh hùng, danh nhân văn hóa được đặt tên đường ở TP.HCM. Có lẽ những ngày tới đây, nhiều bạn trẻ sẽ không còn phải tự hỏi Mai Thị Lựu có phải một nữ tướng thời Mai Hắc Đế, hay Cô Bắc, Cô Giang là ai?...”.

Ngạc nhiên như Công ty Chiếu sáng công cộng đã vội vã cho người đi tháo dỡ vì cho rằng đây là quảng cáo không hợp pháp, để khi hiểu ra lại tức tốc treo lên thẳng thớm…

DiPKH0Lq.jpgPhóng to

Banner học sử trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Ảnh: Tự Trung

Hôm nay thì cái lạ đang bắt đầu trở thành quen. Sáng sớm, chúng tôi gặp một nhóm các bác đi bộ thể dục trên đường Hùng Vương, vừa đi vừa nghỉ từng chặng để đọc banner. Các bác cười nói “Hôm nay đã tập chân tay lại còn được thể dục trí óc. Nay mới biết Kinh Dương Vương lại là cha của Lạc Long Quân đấy”. Một cô bé đang hí hoáy ghi chép dưới banner trên đường Nguyễn Đình Chiểu thì tỏ vẻ lúng túng cười “Em ghi lại cho nhớ mấy thông tin là lạ”, rồi cô chỉ vào tấm banner mang tên Lý Thái Tông nói thêm “Tên Lý Thái Tông còn nghe… quen quen, nhưng tên thật của ông là Lý Phật Mã thì lạ quá, hôm qua mới có một anh không trả lời được trong gameshow Ai là triệu phú…”.

Có vẻ như mục tiêu kích thích việc tiếp thu kiến thức lịch sử, học sử, nhớ sử một cách thật đơn giản, trực quan của anh Nguyễn Thiện, giám đốc Công ty Truyền thông Tiêu Điểm (đơn vị trực tiếp thực hiện chương trình “Dân ta biết sử ta”) đang trở thành hiện thực. “Lễ giỗ tổ 1946 sau ngày Việt Nam độc lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dâng lên bàn thờ tổ ở đền Hùng tấm bản đồ Việt Nam và một thanh gươm. Câu chuyện đó gợi ý cho tôi về dãy banner mang tên các vị vua tiền liệt đã kiến tạo nên đất nước. Lòng ham học hỏi, tìm hiểu lịch sử của nhiều người sẽ được khơi dậy, được kích thích, họ sẽ tìm lại cuốn sách sử, tìm đến quyển từ điển tên đường phố vốn chỉ nằm im trong các thư viện”, anh Thiện say sưa với những hiệu quả vài chục chữ vắn tắt trên banner có thể mang đến với mọi người.

Từ hai năm nay, chương trình “Dân ta biết sử ta” đã ngốn của anh và các nhân viên cộng sự bao nhiêu tâm sức. Phác thảo thì rất đơn giản: vào các dịp kỷ niệm hàng năm như 3-2, 27-2, giỗ tổ Hùng Vương, 30-4, 7-5, 21-6, 20-10, 20-11, 22-12… banner mang tên và tiểu sử vắn tắt của các danh nhân gắn với từng ngày kỷ niệm sẽ được treo trên các đường phố. Nhưng bắt tay vào thực hiện thì lại thật bề bộn.

zkybvCPJ.jpgPhóng to
Những dòng vắn tắt sẽ khiến các em nhớ lâu hơn những cái tên và ham tìm hiểu hơn những câu chuyện... - Ảnh: Tự Trung

Khâu xin phép ở ủy ban thành phố, Sở VH-TT ngốn mất mấy tháng vì chương trình chưa có tiền lệ; Có phép thực hiện lại tiếp tục chờ phối hợp với Trung tâm Thông tin Triển lãm soạn thảo nội dung; Thống nhất được nội dung là tiếp đến quá trình thiết kế, rà đi soát lại từng chữ, từng dấu; Thực hiện thể nghiệm xong phải tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, lại thêm những sự cố bất ngờ như là banner bị tháo dỡ…

Nhưng mệt mỏi nhất theo anh Thiện và cô trợ lý của anh là việc thương lượng số lượng banner được treo và tìm tài trợ bởi muốn phổ biến lịch sử trực quan, dù chỉ hai câu thôi thì cũng phải có tiền. Công văn cho phép ban đầu của UBND thành phố có câu “thể nghiệm lần đầu trong phạm vi hẹp để rút kinh nghiệm về hiệu quả chương trình” nên số banner bị Sở VH-TT rút xuống mấy lần, mỗi lần… một nửa. “Và mỗi lần số banner bị rút xuống là một lần các đơn vị tài trợ từ chối - anh Thiện kể - nhưng cuối cùng thì cũng xong xuôi…”.

Đến ông giám đốc cắc cớ

Gọi là cắc cớ vì từ mấy năm nay, câu chuyện của anh Thiện với bất kỳ người nào đều bắt đầu bằng những câu hỏi “Nhà anh/chị ở đường nào? Bao lâu rồi? Có biết người được đặt tên cho con đường ấy là ai không?...”. Cuộc điều tra bỏ túi mang lại nhiều chuỗi cười và lắc đầu hơn là những câu trả lời thật sự.

Lục tìm những số liệu xã hội học, chỉ tìm thấy một kết quả điều tra từ 10 năm trước: thống kê trên 1.800 thanh niên TP.HCM, gần 40% không biết Hùng Vương là ai, 65% không biết Trương Định, 49% không biết Trần Quốc Toản, 73% không biết lai lịch đường phố mình sinh sống… Nhưng có đến 86% biết rành rọt về Maradona, 85% thuộc tiểu sử Michael Jackson. 10 năm nay không có cuộc điều tra nào nữa nhưng nếu có, theo tình hình giáo dục đã được phản ánh rất nhiều trên báo chí, chắc chắn tỷ lệ "biết" sẽ tăng lên về phía các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh và tỷ lệ "không biết" sẽ tăng lên về phía các danh nhân đang ngự trên các bảng tên đường.

Những con số đó thực sự trở thành một ám ảnh với Thiện, một người chuyên làm kinh doanh nhưng lại luôn nặng lòng với những vấn đề xã hội, “là cái gì đó đã nằm trong máu, không dứt ra được”, anh giải thích vậy. Từ ngày biết Thiện cách nay mấy năm, mỗi lần gặp là mỗi lần tôi được nghe anh thuyết trình về một ý tưởng gì đó nhằm xã hội hóa những hoạt động của doanh nghiệp, như gắn hoạt động quảng cáo với công tác từ thiện, hay một mong muốn táo bạo hơn: điều tra các doanh nghiệp trốn thuế và… yêu cầu họ đóng số tiền đó cho những công tác phục vụ xã hội.

Nên những người quen Thiện không mấy ngạc nhiên khi nghe anh thông báo: đã chấm dứt những hợp đồng kinh tế bộn tiền, mở ra một công ty truyền thông nhỏ để thực hiện dự án “Dân ta biết sử ta”. Hôm thì anh đến hớn hở khoe bút phê của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt “Tôi thấy ý kiến này tốt, cần lắm”, khi thì anh reo lên trong điện thoại “Ông Nguyễn Đình Đầu mới đi ngoài đường, thấy mấy cái baner. Gặp anh, ổng xoa đầu…”. Và buổi họp báo đợt này có thêm thư của GS Trần Văn Khê gửi đến hoan nghênh và góp ý “nên ghi thêm niên đại, niên hiệu của các vị vua vào banner”…

Đợt thể nghiệm đầu tiên gây được hiệu ứng xã hội lớn, thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đánh giá tốt. Dự án treo banner trên đường phố đã được phép đi sâu thêm vào trường học, một cuộc thi tìm hiểu lịch sử trong nhà trường đang được hình thành, các công viên văn hóa trong thành phố và cả ở các tỉnh vừa nghe thông tin đã gọi đến đặt hàng…

Chương trình tốn nhiều mồ hôi nhưng ngập tràn niềm hứng khởi. Lòng vòng qua mấy con đường, ngắm những dãy banner đang tạo một dấu nhấn lạ, thấy rực lên hy vọng từ mong ước lớn của Tiêu Điểm “Cứ lặp đi lặp lại từng đợt, qua từng năm, trong vòng 5-10 năm sẽ đóng góp tích cực để dân ta biết sử ta, như lời Bác Hồ dạy…”.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên