18/04/2014 04:15 GMT+7

Dân sống bất an bên mỏ đá

LAM GIANG
LAM GIANG

TT - Ông Trần Đức Luấn, chủ tịch UBND xã Quảng Tiên (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình), vừa cho biết người dân ở các cụm dân cư xung quanh mỏ đá của Công ty cổ phần 207 đã kiến nghị UBND xã yêu cầu có biện pháp buộc công ty này giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và mất an toàn khi khai thác đá.

uK1HXGXp.jpg
Mỏ đá của Công ty cổ phần 207 nằm bên tuyến đường sắt Bắc - Nam và ngay sát nhà dân Ảnh: L.Giang

Ông Lê Minh Ngân (giám đốc Sở TN-MT Quảng Bình):

Trong khai thác đá phải bảo đảm yêu cầu giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và doanh nghiệp phải đảm bảo lợi ích hài hòa với người dân. Công ty cổ phần 207 không thực hiện được những yêu cầu đó thì chúng tôi sẽ xử lý theo quy định của tỉnh, thậm chí sẽ thu hồi giấy phép khai thác mỏ đá.

Theo người dân, hơn ba năm qua công trường khai thác đá xây dựng của Công ty cổ phần 207 tại thôn Tiên Phong, xã Quảng Tiên đã gây ra nhiều bất ổn cho cuộc sống của người dân. Mỗi lần công trường nổ mìn phá đá là nhà cửa của dân rung chuyển, nhiều nhà vì vậy đã bị nứt tường, nứt dầm, nứt cả nền ximăng... Bà Lê Thị Thủy (60 tuổi, nhà ở ngay trước mỏ đá) còn tỏ ra khá sợ hãi khi kể lại vụ nổ mìn vào cuối năm 2012. “Sau tiếng nổ dữ dội là đá rơi ào ào xuống nhà và vườn tược. Nhiều hòn đá rơi thẳng xuống mái nhà tui làm gãy cả đòn tay to, vỡ nát một mảng ngói lớn. Có hòn rơi vào giường ngủ làm vỡ cả phần khung gỗ và kính. Tủ đựng đồ, bàn uống nước cũng bị đá rơi vào...”. Sau vụ nổ mìn làm hỏng nhà này, bà Thủy được Công ty cổ phần 207 đền bù 100 triệu đồng, nhưng bà sửa nhà và đồ đạc hết 120 triệu đồng.

Ngoài chịu khổ với chuyện nổ mìn, người dân thôn Tiên Phong còn phải gánh chịu thêm ô nhiễm bụi đá và tiếng ồn. Có những ngày công trường cho máy xay đá hoạt động từ lúc 5g, 6g sáng và chỉ nghỉ một giờ vào buổi trưa, sau đó lại xay đến 23g mới nghỉ. “Nhà phải đóng cửa im ỉm suốt ngày vì bụi. Bụi từ khi nổ mìn cho đến từ hàng chục chuyến xe to nhỏ vào ra chở đá, khổ nhất là mỗi lần công trường xay đá là bụi bay trắng trời, phủ đầy giường chiếu chăn màn. Ăn cơm thì cứ như nuốt thêm cát sạn, vì đá nhỏ rơi lẫn vào thóc phơi trên sân...” - một người dân cho biết.

Cách mỏ đá của Công ty cổ phần 207 hơn 100m là ga tạm đón trả khách và trạm tuần - gác đường Lạc Giao thuộc ga đường sắt Lệ Sơn (Công ty Quản lý đường sắt Quảng Bình). Anh Lê Quang Vinh, nhân viên của trạm tuần đường Lạc Giao, cho biết: “Mỗi khi mỏ nổ mìn mà có các đoàn tàu đi qua đều có nguy cơ đá rơi trúng tàu. Nếu không di dời dân ra khỏi khu vực khai thác đá được thì nên thu hồi mỏ này” - anh Vinh đề nghị.

Theo ông Trần Đức Luấn, với kiến nghị của dân, xã sẽ yêu cầu doanh nghiệp có biện pháp hạn chế bụi bặm, tiếng ồn và có thời gian nổ mìn phù hợp trong ngày. Ông Đinh Vũ Long - giám đốc Công ty cổ phần 207- cho biết sẽ trồng khoảng 1.000 cây xanh xung quanh khu vực mỏ để hạn chế bụi, tiếng ồn và dùng xe chở nước phun định kỳ hằng ngày để hạn chế bụi từ khu vực xay đá và đường vận chuyển.

LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên