Nhiều người cao tuổi ở thủ đô Jakarta, Indonesia phải xếp hàng từ sáng sớm để được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Đầu tháng 2, chủ tiệm thuốc Helena Lim đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại một trung tâm y tế cộng đồng ở thủ đô Jakarta sau khi tự xưng là nhân viên hỗ trợ y tế của tiệm thuốc.
Người dân Indonesia đã phẫn nộ và phản đối sau khi đoạn video đăng tải trên Instagram cho thấy bà Lim xếp hàng chờ tiêm chủng vì vào thời điểm đó chỉ có nhân viên y tế mới đủ điều kiện tiêm vắc xin.
Cảnh sát đã mở cuộc điều tra ngay sau khi video này xuất hiện trên Instagram.
Ngoài ra, cảnh sát cũng đang theo sát trường hợp những thành viên trong gia đình của các nhà lập pháp "đi tiêm ké" tại Hạ viện ở Jakarta.
Nghị sĩ Abdul Kadir Karding của Đảng Thức tỉnh dân tộc (PKB) nói với báo Kompas rằng ông và gia đình đã tiêm vắc xin vào ngày 25-2 theo lời mời từ một quan chức cấp cao của Hạ viện.
Indonesia đã triển khai chương trình tiêm chủng từ ngày 13-1 với mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người, tương đương 67% dân số nước này và đạt miễn dịch cộng đồng sau 15 tháng.
Trong giai đoạn đầu, 1,47 triệu nhân viên y tế sẽ được tiêm vắc xin COVID-19. Giai đoạn thứ hai, bắt đầu từ ngày 17-2, sẽ tiêm vắc xin cho 38,5 triệu người thuộc các nhóm có rủi ro cao, bao gồm cảnh sát, quân nhân, nghị sĩ, người bán hàng rong và người cao tuổi.
Giáo sư Wiku Adisasmito, phát ngôn viên Lực lượng đặc nhiệm giảm thiểu COVID-19, xác nhận thành viên các gia đình nghị sĩ cũng đã được tiêm vắc xin. "Về cơ bản, việc tiêm phòng không thể đảm bảo người đó miễn dịch với virus nên để giảm khả năng (lây nhiễm), biện pháp được chọn là bắt đầu từ những người thân cận" - ông Adiassmito cho biết.
Công chúng Indonesia tỏ ra bức xúc vì số lượng vắc xin hiện có hạn và còn hàng dài người đủ điều kiện tiêm chủng vẫn đang phải chờ tới lượt mình. Thậm chí tại Jakarta, những người lớn tuổi phải xếp hàng từ tờ mờ sáng tại một số trung tâm y tế để được tiêm chủng.
Bác sĩ Tri Maharani, một tình nguyện viên tiêm chủng vắc xin, cho rằng việc tiêm vắc xin COVID-19 cho các nghị sĩ và gia đình của họ là "không hợp lý" và "mang tính cơ hội".
Ông Maharani cho rằng không bức thiết phải tiêm cho các nghị sĩ và gia đình họ khi mà nhiều người thuộc diện ưu tiên vẫn chưa được tiêm vắc xin, bao gồm cả người cao tuổi và nhân viên y tế.
Truyền thông địa phương còn đưa tin rằng ít nhất 39 trong số 61 nghi phạm tham nhũng bị Ủy ban Chống tham nhũng (KPK) bắt, bao gồm cựu bộ trưởng các vấn đề xã hội Juliari Batubara, cũng đã được tiêm vắc xin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận