29/06/2015 08:25 GMT+7

Dân Hi Lạp đổ xô đi rút tiền

THU ANH
THU ANH

TT - Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 28-6 nhóm họp khẩn cấp sau khi các chủ nợ của Hi Lạp từ chối gia hạn chương trình cứu trợ.

 Athens quyết tâm thực hiện trưng cầu ý dân về các yêu cầu thắt lưng buộc bụng hà khắc.

Người dân Hi Lạp ở tỉnh Kilkis tập trung trước một máy ATM để rút tiền - Ảnh: AFP
Người dân Hi Lạp ở tỉnh Kilkis tập trung trước một máy ATM để rút tiền - Ảnh: AFP

Quốc hội Hi Lạp đêm 27-6 (rạng sáng 28-6 giờ Việt Nam) đã thông qua việc thực hiện trưng cầu ý dân về yêu cầu thắt lưng buộc bụng của các chủ nợ quốc tế đối với Athens để đổi lại việc cứu trợ. Dự kiến cuộc trưng cầu ý dân sẽ diễn ra vào ngày 5-7.

Theo văn bản dự thảo cho cuộc trưng cầu ý dân, như AFP cho biết, người Hi Lạp sẽ chọn “có” hoặc “không” đối với các biện pháp thắt lưng buộc bụng do các chủ nợ EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra đối với Hi Lạp hôm 26-6.

Theo AFP, sau nhiều tháng đàm phán không có kết quả, tuần trước EU và IMF đã gửi cho Hi Lạp một kế hoạch trong đó bao gồm việc gia hạn chương trình cứu trợ năm tháng với gói vay tài chính 12 tỉ euro (13,4 tỉ USD) nhưng đổi lại Athens phải cải tổ và có các biện pháp tiết kiệm ngân sách. Chính phủ Hi Lạp coi số tiền này chỉ đủ để trang trải nợ cho các chủ nợ trong những tháng tới nhưng các điều kiện kèm theo lại không tương xứng để có thể phục hồi nền kinh tế.

Nói không với tối hậu thư

Trong những yêu cầu này gồm có việc cắt giảm trợ cấp, giảm lương khối nhà nước nhiều hơn, đánh thuế VAT cao hơn đối với thực phẩm, nhà hàng, du lịch và bãi bỏ miễn giảm thuế đối với các hải đảo vùng xa của Hi Lạp.

Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras hôm 27-6 đã tuyên bố rằng bất cứ thỏa thuận nào đối với các chủ nợ của Hi Lạp - bao gồm EU, ECB và IMF - sẽ phải được đưa ra trưng cầu ý dân.

Trong một bài diễn văn trước phiên biểu quyết tại quốc hội, ông Tsipras nói ông tự tin rằng “người Hi Lạp sẽ nói không một cách dứt khoát đối với tối hậu thư của các chủ nợ EU và IMF nhưng sẽ nói có với sự đoàn kết của châu Âu”.

Ông cũng bày tỏ tự tin rằng “hậu quả của việc nói không một cách tự hào này là quyền lực thương lượng của đất nước với các chủ nợ sẽ mạnh mẽ hơn”. Hôm 27-6, các đối tác của Hi Lạp trong khu vực đồng euro đã từ chối yêu cầu của Athens là gia hạn kế hoạch hỗ trợ tài chính cho đến sau khi Hi Lạp tổ chức trưng cầu ý dân. Theo AFP, các chủ nợ cho rằng đây chỉ là chiêu trò câu giờ của Athens.

Giới quan sát nhận định Hi Lạp đang đứng trước rủi ro về một cuộc hỗn loạn tài chính. Vào ngày mai 30-6, Hi Lạp có thể sẽ không thể trả được số nợ 1,5 tỉ USD cho IMF và cũng cùng ngày này, kế hoạch cứu trợ tài chính được gia hạn cho Athens kể từ năm 2012 sẽ kết thúc.

Các quan chức ở khu vực đồng euro hiện đang thảo luận phương án dự phòng để đối phó với viễn cảnh tồi tệ của việc Hi Lạp ra khỏi khối đồng tiền chung. Tại bàn thảo luận, như AFP cho biết, câu chuyện bắt đầu với việc kiểm soát vốn ở Hi Lạp và tình hình các ngân hàng của nước này.

Nhiều người muốn chắc chắn rằng việc Hi Lạp ra khỏi khối đồng euro sẽ không ảnh hưởng đến nước họ. “Tôi không tin rằng chuyện Hi Lạp ra khỏi khối là chuyện riêng của Athens” - một quan chức giấu tên nói.

Tâm lý lo lắng tăng lên

Trong bài phỏng vấn trên báo Die Presse (Áo), Bộ trưởng tài chính Áo Hans Jorg Schelling cho rằng việc Hi Lạp ra khỏi khối đồng euro dường như không thể tránh khỏi.

“Hi Lạp là nước duy nhất chịu trách nhiệm về sự thất bại của các vòng đàm phán” - ông nói. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng việc Hi Lạp rút ra khỏi khối sẽ chỉ khả thi khi Athens có được sự cho phép của các nước thành viên khác.

“Hi Lạp sẽ phải nộp đơn để làm điều đó. Các nước EU khác sẽ phê chuẩn yêu cầu. Chỉ khi đó Hi Lạp mới có thể rời khu vực đồng euro” - ông nói.

Bộ trưởng tài chính Áo cho rằng hậu quả đối với các nước sử dụng đồng euro sẽ không tồi tệ như đối với Hi Lạp. “Rõ ràng là một nước không thể tống tiền ECB và các nước đồng euro được” - ông nói.

Giới quan sát cho rằng giờ đây ECB là nơi duy nhất có thể ngăn chặn ngân hàng sụp đổ hay tệ hơn là phải giải quyết các hậu quả của việc Hi Lạp rời khối đồng euro. Nếu ECB cắt sợi dây cứu sinh đối với các ngân hàng của Hi Lạp và toàn bộ nền kinh tế nước này, họ sẽ khiến việc Athens ra khỏi khối đồng euro nhanh hơn.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls hôm 28-6 một mặt kêu gọi Hi Lạp quay lại bàn đàm phán, một mặt cảnh báo ECB về việc cắt sợi dây cứu sinh đối với Athens. “Tôi không nghĩ họ sẽ cắt đứt sợi dây cứu sinh. Người dân Hi Lạp sẽ phải chịu khổ” - ông nói.

Trong khi đó, lo lắng sẽ có sự kiểm soát vốn và các cuộc rối loạn tài chính sau gần sáu năm Hi Lạp khủng hoảng và suy thoái, nhiều người dân đã đổ xô đến các máy rút tiền. Tại trung tâm Athens, từng nhóm người xếp hàng trước các máy ATM.

Tại thành phố lớn thứ 2 của Hi Lạp Thessaloniki, một số ngân hàng đã hết sạch tiền. Reuters dẫn nguồn từ ba ngân hàng cho hay hơn 1/3 máy ATM trên toàn Hi Lạp đã hết sạch tiền giấy euro tạm thời khi các ngân hàng không kịp nạp thêm tiền vào máy. Tuy nhiên, những máy này sau đó đã được nạp tiền trở lại. Ngân hàng Trung ương Hi Lạp nói sẽ làm mọi cách có thể để các máy ATM luôn có tiền.

Theo Reuters, Chính phủ Hi Lạp đã khẳng định rằng các ngân hàng sẽ mở cửa bình thường trong hôm nay 29-6 và bác bỏ việc Athens sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn chặn ngân hàng sụp đổ.

THU ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên