24/05/2011 07:46 GMT+7

Dàn hàng ngang... tiết kiệm

LƯU TRANG - HÀ BÌNH
LƯU TRANG - HÀ BÌNH

TT - Mấy tuần qua, phòng GD-ĐT các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM tổ chức tập huấn, trao đổi về việc thực hiện nghị quyết số 11 của Chính phủ và công văn của Bộ Tài chính nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, các trường sẽ phải gói ghém chi tiêu sao cho từ nay đến cuối năm phấn đấu tiết kiệm được 10% các khoản chi từ ngân sách. Như vậy, ngoài chỉ tiêu cắt giảm 10% từ chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương được triển khai từ đầu năm, nay các trường phải tiết kiệm thêm 10% nữa.

Nhiều trường không triển khai mua thêm văn phòng phẩm mới theo đúng tinh thần của công văn kêu gọi tiết kiệm. Hầu hết các đề án sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất đều đang... tạm lắng để chờ giá bình ổn. Tất cả hoạt động tham quan, học tập thực tế, kỷ niệm ngày thành lập... cũng được giản lược. Nhiều trường tăng cường tiết kiệm các khoản điện, nước để đáp ứng yêu cầu tiết kiệm.

Tuy nhiên, nhiều trường đang gặp phải những vấn đề nan giải bởi những khoản tiết kiệm “đụng” với yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học. Hiệu trưởng Trường mầm non HA (Q.Gò Vấp) nêu ý kiến: “Quận đề nghị tiết kiệm điện thêm 10% theo văn bản đề nghị của ngành điện lực nhưng phòng học của học sinh luôn phải đảm bảo ánh sáng cũng như phải mát mẻ để các cháu ăn ngon, ngủ ngon. Không nên tiết kiệm những gì liên quan đến sức khỏe”.

Ở Trường THCS Quang Trung (Q.Gò Vấp), ban giám hiệu nhẩm tính một học kỳ có thêm 400 giáo án điện tử mới, đồng nghĩa với việc cần sử dụng các phương tiện, thiết bị hỗ trợ trong giảng dạy nên việc tiết kiệm điện trở nên bất khả thi. Hiệu trưởng một trường THCS khác băn khoăn: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin chắc chắn sẽ tốn điện. Nhiều nơi không xài nước máy nữa, chuyển qua xài nước giếng để tiết kiệm nhưng cuối cùng lại tốn tiền điện cho máy bơm. Tắt bớt đèn, quạt thì học sinh sẽ cận thị, mệt mỏi, ảnh hưởng đến hiệu quả giờ học, đây là những điều nên lưu tâm khi đưa ra các biện pháp tiết kiệm điện”.

Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu khoa học luôn được xem là danh mục ưu tiên hàng đầu của nhiều trường đại học trong chi tiêu giờ đây cũng “teo” dần. Tại một trường đại học, khi đăng ký năm công trình nghiên cứu khoa học thì chỉ thực hiện được ba, còn hai công trình... dời lại đến năm sau do vấn đề kinh phí. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng - phụ trách đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM - cho rằng những khoản như nghiên cứu khoa học, trang bị thiết bị phục vụ dạy - học, quan hệ quốc tế không thể dàn hàng ngang ra cắt mỗi khoản một ít như thế được.

LƯU TRANG - HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên