20/11/2015 07:38 GMT+7

Dân è cổ gánh giá thuốc cao

VIỄN SỰ - V.V.THÀNH (viensu@tuoitre.com.vn)
VIỄN SỰ - V.V.THÀNH (viensu@tuoitre.com.vn)

TT - Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) chỉ ra những bất cập từ luật và sự quản lý, dẫn đến người dân phải è cổ gánh chịu giá thuốc đắt vô lý tại buổi thảo luận về dự án Luật dược (sửa đổi) chiều 19-11.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM,  thảo luận về dự án Luật dược sửa đổi tại đoàn TP.HCM - Ảnh: V.Dũng
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thảo luận về dự án Luật dược sửa đổi tại đoàn TP.HCM - Ảnh: V.Dũng

Là phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM phụ trách lĩnh vực dược, bà Lan nêu thực trạng: “Hiện nay luật chưa cho phép công ty nước ngoài phân phối dược phẩm, nhưng thực tế họ đã phân phối trực tiếp dưới các hình thức “núp bóng” những công ty dược trong nước. Các công ty Việt Nam chỉ đăng ký hoạt động trên hình thức và nhận chi phí trung gian”.

Không để lợi ích nhóm thao túng

Ba vấn nạn, theo đại biểu Lan, làm giá thuốc cao ngất ngưởng là: độc quyền và câu kết nâng giá của một số thuốc nhập khẩu; mua bán lòng vòng, tầng nấc trung gian đẩy giá lên; mua chuộc bác sĩ kê đơn: hoa hồng, chiết khấu. Bà Lan cho rằng: “Quyền lợi của người dân là trên hết, không thể để lợi ích nhóm thao túng chuyện này”.

Đại biểu Lan phân tích bất cứ ngành công nghiệp nào đều phải đứng hai chân là sản xuất và tiêu thụ. Thế nhưng ngành dược Việt Nam lại đang sống với một tư duy khập khiễng, chấp nhận “đi nạng” chỉ với một chân phân phối.

Bà Lan còn nói đang có quá nhiều công ty trung gian, quá nhiều tầng nấc dẫn đến một viên thuốc khi đến tay người dân thì đội giá không biết bao nhiêu lần. Đại biểu Lan cho biết khi nhận nhiệm vụ phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, toàn TP có 450 công ty phân phối dược phẩm, mục tiêu của bà là sẽ giảm bớt các đơn vị trung gian này.

“Thế nhưng đến nay TP.HCM có tới 1.000 công ty, cả nước có 2.000. Tầng nấc trung gian quá nhiều mà không cách nào hạn chế được” - bà cho biết.

Chưa có cơ chế giám sát sự minh bạch về giá

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, dự thảo luật quy định nguyên tắc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch, Nhà nước chỉ can thiệp nhằm bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi giá thuốc có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, đồng thời phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc.

“Nhìn chung, quy định về quản lý giá thuốc của dự thảo luật phù hợp với Luật giá, Luật đấu thầu. Theo đó, cơ chế quản lý giá thuốc rõ ràng hơn, đặc biệt là quy định đàm phán giá đối với thuốc biệt dược, thuốc mới, thuốc trong thời gian còn bản quyền, đấu thầu thuốc tập trung và chính sách ưu đãi trong chọn nhà thầu là cơ sở sản xuất thuốc trong nước” - bà Mai phân tích.

Tuy nhiên, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng các quy định về giá thuốc của dự thảo luật cần quan tâm thêm một số vấn đề.

Đầu tiên, thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả (chiếm khoảng 50% tổng số thuốc) hiện được cơ quan bảo hiểm xã hội giám sát thường xuyên, trong khi thuốc do dân tự mua, bệnh viện mua để phục vụ khám chữa bệnh không do quỹ bảo hiểm y tế chi trả là thuốc biệt dược, thuốc độc quyền thường giá rất cao do chưa có cơ chế giám sát sự minh bạch về giá, chủ yếu do doanh nghiệp tự kê khai và định giá.

Do vậy cần phải có cơ chế kiểm soát giá các mặt hàng thuốc này hữu hiệu hơn, cũng như đảm bảo cân bằng lợi ích của doanh nghiệp (khi thuốc trong thời kỳ bảo hộ bản quyền) và quyền lợi của người bệnh đối với các loại thuốc gây ra “thảm họa do chi phí y tế cao” (người bệnh phải chi hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng cho một đợt điều trị).

Thuốc độc mua đâu cũng được

Đề cập đến vấn đề quản lý nhà thuốc, đại biểu Trần Du Lịch nói bán thuốc không phải là chuyện “mua có bạn, bán có phường”. Nhưng rất lạ khi ở Việt Nam có cả những “phố nhà thuốc”, mở cửa đóng cửa tùy theo ý chủ nhà thuốc.

Ở nhiều nước, nhà thuốc phải được bố trí xen kẽ đều trong khu dân cư và mở cửa 24/24 giờ để người dân muốn mua thuốc giờ nào, ở đâu cũng được.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, người phát biểu dài nhất cuộc thảo luận với 45 phút, cũng “chất vấn” bộ trưởng Bộ Y tế bằng lời mào đầu: “Tôi xin lỗi Bộ Y tế, nhưng phải nói ra một số vấn đề về kiểm nghiệm chất lượng thuốc”.

Theo bà Lan, các cơ quan kiểm nghiệm thuốc tỏ ra quá tin tưởng thuốc ngoại khi tỉ lệ kiểm nghiệm thuốc nội và thuốc ngoại chênh lệch quá lớn. Trong 40.711 mẫu thuốc lấy để kiểm tra chất lượng năm 2014 chỉ có 18,5% thuốc ngoại.

“Trong khi thuốc ngoại thì chúng ta không thể kiểm được thực địa tại nhà máy họ sản xuất thế nào” - đại biểu Lan nói. Bà Lan cho rằng cần phải tăng cường kiểm nghiệm chất lượng thuốc, đặc biệt thuốc ngoại. “Ai chịu trách nhiệm khi người dân tiêu thụ thuốc kém chất lượng rồi mới phát hiện?” - bà Lan đặt câu hỏi.

Biện pháp thứ hai, theo đại biểu Lan, là phải siết chặt ngay từ khâu nhập khẩu thuốc. Bà Lan nhắc lại việc tại hội trường đại biểu chất vấn vì sao có đến 64 tấn Salbutamol (chất tạo nạc trong chăn nuôi) được nhập vào Việt Nam từ đầu năm 2015 đến nay, nhưng bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chỉ cấp phép cho nhập khẩu hơn 3 tấn.

“Bộ Y tế nói như vậy tôi cũng tin. Nhưng còn 60 tấn nữa đi vào bằng đường nào, còn những loại khác nữa thì sao? Và nếu vậy chúng ta tồn tại để làm gì?” - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan “chất vấn”.

Đưa 5 loại thuốc điều trị ung thư vào đấu thầu cấp quốc gia

Chiều 19-11, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn có cuộc họp bàn với Cục Quản lý dược và các cơ quan liên quan về dự thảo lần cuối thông tư hướng dẫn danh mục thuốc đấu thầu, thuốc đấu thầu tập trung và danh mục thuốc đàm phán giá.

Theo đó, ngay năm đầu tiên thực hiện (dự kiến năm 2016) sẽ có năm loại thuốc điều trị ung thư có số lượng sử dụng lớn, nhiều loại thuốc đảm bảo cạnh tranh gồm Docetaxel 80mg, Oxaliplatin 100mg, Paclitaxel 100mg, Capecitabin 500mg và Anastrozol 1mg được đưa vào danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Những năm kế tiếp, danh mục này có thể mở rộng với các loại thuốc cùng tiêu chí.

Theo ông Trương Quốc Cường - cục trưởng Cục Quản lý dược, các danh mục này nhằm hướng dẫn thực hiện đấu thầu thuốc chữa bệnh quy định trong Luật đấu thầu. Ngoài danh mục đấu thầu tập trung quốc gia còn có danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương với 106 thuốc.

Riêng danh mục đàm phán giá đều là các thuốc biệt dược gốc đang còn trong thời gian bảo hộ sở hữu trí tuệ, chỉ có một thuốc đang độc quyền cung cấp hoặc tối đa là hai thuốc. Ông Cường cho rằng thời gian qua khi áp dụng quy chế đấu thầu mới, chi phí mua thuốc điều trị giảm 35%.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có cuộc trao đổi với báo chí về dự thảo Luật dược sửa đổi. Theo bà Tiến, Luật dược hiện hành ban hành đã 10 năm và luật sửa đổi sẽ có nhiều điểm mới nhằm “khắc phục những vấn đề trong luật hiện hành về quản lý giá, quản lý chất lượng thuốc”.

Theo đó, một trong những điểm mà Luật dược mới chú ý là rút ngắn thời gian trả kết quả đối với thuốc đăng ký lại là ba tháng (giảm 1/2 so với hiện nay).

Các thuốc đã lưu hành ở nước sở tại thì khi đăng ký vào Việt Nam sẽ được xem xét miễn giảm một số khâu thử nghiệm lâm sàng, hoặc chỉ thử lâm sàng về tính an toàn, đơn giản hóa nhiều so với hiện nay.

L.ANH

VIỄN SỰ - V.V.THÀNH (viensu@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên