19/10/2020 17:40 GMT+7

Dân 'cầu cứu' trên mạng vì lũ lên đột ngột: 'Xem xét do nghẽn thông tin hay không tuyên truyền?'

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Lũ lên nhanh đột ngột, người dân ở Quảng Trị rồi đến Quảng Bình, Hà Tĩnh những ngày qua phải lên mạng xã hội 'cầu cứu' trong đêm vì lũ bao vây, không biết chạy đi đâu.

Dân cầu cứu trên mạng vì lũ lên đột ngột: Xem xét do nghẽn thông tin hay không tuyên truyền? - Ảnh 1.

Thuyền là phương tiện đi lại duy nhất ở Phong Nha - Ảnh: THÁI LỘC

Ngày 19-10, Tuổi Trẻ Online đã có trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp về việc lũ ở các tỉnh miền Trung dâng cao đột ngột trong đêm khiến người dân không kịp trở tay, phải 'cầu cứu' trên mạng xã hội.

Theo ông Hiệp, nước lũ lên nhanh ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị trong ba hôm nay, đặc biệt là ban đêm có mưa rất lớn, lượng mưa đo được kỷ lục, chưa bao giờ mưa trong thời gian ngắn mà lớn như vậy.

"Ví dụ, như tối hôm qua ở Hà Tĩnh mưa đến gần 500mm nên ngập lụt chủ yếu do mưa lớn. Chúng tôi đã cảnh báo và người dân đã di chuyển lên chỗ cao, một số người dân ở lại để trông coi tài sản, khi lũ lên không kịp chạy nên mắc kẹt" - ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, trước đó đã có dự báo, thông báo rất sớm về mưa lớn, lũ cụ thể ở từng địa phương. 

"Không có chuyện là không nắm được thông tin vì dự báo trước cả tuần, cơ quan khí tượng đã dự báo Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị mưa lớn như thế. 

Đây là vấn đề trong phòng chống cứu hộ, cứu nạn, chúng tôi đang phải xem xét lại là do nghẽn về thông tin hay chính quyền không phổ biến, tuyên truyền?" - ông Hiệp nói.

Dân cầu cứu trên mạng vì lũ lên đột ngột: Xem xét do nghẽn thông tin hay không tuyên truyền? - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp - Ảnh: CHÍ TUỆ

Trước nhiều ý kiến cho rằng lũ lên cao đột ngột là do các hồ chứa, hồ thủy điện 'xả trộm' trong đêm, ông Hiệp khẳng định các hồ chứa lớn, kể cả thủy điện hay thủy lợi không có chuyện xả trộm mà đều xả theo quy trình vận hành.

"Đối với hồ thủy điện nhỏ thì chúng ta cũng không loại trừ khả năng vì các hồ chưa thực hiện nghiêm vận hành, chưa lắp đặt thiết bị đo lưu lượng lũ đến và xả, thiết bị giám sát về trung tâm điều hành các địa phương. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm chặt và nghiêm việc giám sát các hồ thủy điện nhỏ" - ông Hiệp nói.

'Lũ lần này do thủy điện, hồ chứa: Vừa đúng, vừa sai'

'Lũ lần này do thủy điện, hồ chứa có đúng hay không?'. Theo ông Hiệp, câu hỏi này vừa đúng vừa sai vì hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở khu vực này rất nhiều. Ở Bắc Trung Bộ đến Nam Trung Bộ có 2.532 hồ chứa, trong đó có khoảng 250 hồ thủy điện.

Nguyên tắc của các hồ là tích nước vào mùa lũ và cấp nước vào mùa khô. Khi các hồ xả lũ mà lưu lượng nước về hồ đang lớn hơn lưu lượng xả là đang cắt lũ. Còn trường hợp lưu lượng về mà thấp hơn lưu lượng xả thì đây mới là xả lũ.

Đối với miền Trung có lưu vực sông Hương và lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn rất quan trọng trong việc điều tiết lũ. Như tại lưu vực sông Hương vừa qua, Ban chỉ đạo đã vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện và điều tiết đã cắt giảm lũ cho TP Huế, nếu không vừa rồi ngập thêm gần 1m.

Đối với hồ thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ, hồ chứa không có dung tích phòng lũ và nhiều khi 'tiếc' nước nên không vận hành xả lũ theo đúng quy trình trước khi đón lũ. Khi lũ về thì phải xả lũ, gây ra tình trạng lũ chồng lũ.

Miền Trung lại oằn mình dưới mưa lũ mới Miền Trung lại oằn mình dưới mưa lũ mới

TTO - Đến tối 17-10, miền Trung mưa vẫn không ngớt. Nước lũ trên nhiều sông vẫn ở mức cao và đang tiếp tục lên. Đặc biệt, nhiều vùng trũng ở Quảng Trị người dân đang phải đối diện với trận lũ lịch sử.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên