11/04/2015 09:40 GMT+7

Dân cần Bộ Công thương giúp mở thị trường

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Cần lắm, việc xây dựng lại chuỗi nông sản có sự gắn bó chặt chẽ của doanh nghiệp và nông dân, doanh nghiệp trong nước với nhà nhập khẩu nước ngoài bằng hợp đồng...

Người dân mua dưa tại điểm bán của sinh viên tình nguyện Trường đại học Hàng hải (Hải Phòng) - Ảnh: Tiến Thắng
Người dân mua dưa tại điểm bán của sinh viên tình nguyện Trường đại học Hàng hải (Hải Phòng) - Ảnh: Tiến Thắng

Câu chuyện “Nhân viên Bộ Công thương bán dưa giúp dân” (Tuổi Trẻ ngày 10-4) đã nhận được sự quan tâm, tranh luận của nhiều bạn đọc.

Trước tình hình ùn ứ dưa hấu tại cửa khẩu Lạng Sơn, nhân viên Bộ Công thương đã mua một xe dưa hấu đem về bán tại trụ sở bộ để chia sẻ khó khăn với nông dân và thương lái.

Từ việc nhân viên Bộ Công thương giúp nông dân bán dưa, vấn đề được đặt ra ở tầm mức cao hơn. Bộ Công thương là đơn vị được giao nhiệm vụ chính trong việc tìm đầu ra cho các mặt hàng xuất khẩu của VN trên quy mô quốc gia (xúc tiến thương mại), nói nôm na tức là người tiếp thị sản phẩm, thì việc cần làm hơn không phải là giúp bán lẻ sản phẩm ngay tại sân nhà để giải quyết tình trạng ùn ứ mà là tìm đầu ra cho dưa hấu.

Thay vì có những kế hoạch phát triển từng ngành hàng cụ thể để có chiến lược quảng bá hiệu quả tại các thị trường quan trọng trong dài hạn, thông tin xúc tiến thương mại của Bộ Công thương lại cho thấy tính chất mùa vụ và kém hiệu quả.

Cửa khẩu Tân Thanh từ nhiều năm nay năm nào cũng xảy ra ùn tắc nông sản xuất khẩu ít nhất một hai lần nhưng chưa có cách giải quyết rốt ráo. Buôn bán tiểu ngạch không hợp đồng đầy rủi ro, thất thoát thuế cho Nhà nước xảy ra bao nhiêu năm qua mà chưa có cách nào chấn chỉnh hiệu quả.

Bộ NN&PTNT cũng không thể đứng ngoài cuộc khi không có quy hoạch hay định hướng cho nông dân trong sản xuất.

Sản xuất tự phát, manh mún, tiếp thị yếu kém dẫn đến đầu ra nông sản VN bấp bênh hết năm này qua năm khác. Không chỉ có dưa hấu mà còn thanh long, vải, lúa gạo, cao su... cũng ở tình trạng dư thừa.

Hình ảnh người dân bán thanh long, vải... với giá rẻ như cho khi thu hoạch rộ là chuyện thường những năm qua, và mấy năm gần đây năm nào Chính phủ cũng phải mua lúa gạo tạm trữ.

Trong cuộc họp khẩn vì xuất khẩu nông sản giảm mạnh hồi cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phải thừa nhận rằng không thể đứng yên đợi giá lên và ông sẵn sàng xách vali lên đi cùng các hiệp hội và doanh nghiệp để tìm kiếm thị trường.

Nhìn cách tiếp thị của các quan chức nước ngoài khi muốn đưa hàng vào VN mới thấy sự chuyên nghiệp cũng như hiệu quả của họ.

Hồi tháng 3 vừa qua, ông Gerry Ritz, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và thực phẩm Canada, đã đến VN để tiếp thị thịt bò. Trong buổi gặp gỡ doanh nghiệp báo chí VN, ông bộ trưởng Canada không ngần ngại quảng bá hết lời cho chất lượng thịt bò Canada.

Trước đó, nhiều quan chức cấp chính phủ và bộ nông nghiệp Nhật Bản, Mỹ, Úc đã đến VN để tiếp thị cho nông sản nước họ. Ấn tượng nhất có lẽ là hình ảnh bà Christine Gregoire, thống đốc bang Washington (Mỹ), khi đến VN để tiếp thị khoai tây hồi năm 2010.

Đích thân bà Christine Gregoire đeo tạp dề giới thiệu và cầm gói khoai tây chiên đi tới từng bàn mời từng người ăn thử. Tới đâu bà cũng niềm nở chào hỏi, lấy thông tin nghề nghiệp những người bà tiếp xúc và mời họ ăn những lát khoai tây chiên vàng.

Còn bà Trương Thị Đồng, giám đốc Công ty Trung Đồng (Đồng Nai), nhớ mãi về cách bán hàng mà người Úc dành cho công ty bà.

Trước năm 2012, VN hầu như chưa nhập khẩu bò sống từ Úc về giết mổ trong khi nước này đang cần đầu ra do Indonesia (nước nhập khẩu bò nhiều nhất từ Úc) đang tạm ngưng. Khi biết một công ty nhỏ của VN đang có ý định nhập khẩu bò, đích thân thống đốc một bang của Úc đã mời hai vợ chồng bà Đồng sang thăm vùng nuôi bò và ra tận sân bay đón.

Trung Đồng là đơn vị đầu tiên của VN nhập khẩu bò sống từ Úc về VN vào năm 2012. Và chỉ sau vài năm, VN đã trở thành nước nhập khẩu bò Úc nhiều thứ hai thế giới với gần 200.000 con mỗi năm.

Bán giúp một vài chục tấn dưa ùn ứ tại cửa khẩu cũng giống như mua tạm trữ lúa gạo không thể giải quyết vấn đề của nông nghiệp và nông dân VN.

Các chuyên gia nông nghiệp đã nhiều lần nêu ý kiến, đó là phải xây dựng lại chuỗi nông sản có sự gắn bó chặt chẽ của doanh nghiệp và nông dân, doanh nghiệp trong nước với nhà nhập khẩu nước ngoài bằng hợp đồng. Sản xuất theo tín hiệu thị trường, phân phối đồng đều lợi ích giữa các khâu trong chuỗi giá trị chính là giải pháp căn cơ để phát triển nông nghiệp VN cả về lượng và chất.

Nhưng để làm được điều đó, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT phải là những nhà tạo lập chính sách, là trọng tài, là nhà tiếp thị cấp quốc gia, chứ không phải là người bán hàng theo thời vụ.

Bạn đọc tranh luận trái chiều

Ý kiến phản hồi của bạn đọc về câu chuyện “Nhân viên Bộ Công thương bán dưa giúp dân” đã có sự tranh luận trái chiều.

Nhiều bạn đọc hoan nghênh hành động này vì cho đó là sự chia sẻ kịp thời khó khăn với những người trồng dưa đang bế tắc đầu ra.

Bạn đọc Nguyễn Mai cho rằng: “Việc làm này của Bộ Công thương đã nói lên nhiều điều. Vấn đề không phải chỉ một xe dưa được bán, mà bộ đã nhận thức sâu sắc trách nhiệm đối với những người nông dân lam lũ”.

Bạn đọc Hoàng Ngọc Nam phân tích: “Bán dưa giúp dân không có nghĩa là bỏ bê các chính sách vĩ mô giúp người nông dân. Một hành động tuy nhỏ nhưng mang tính biểu tượng sẽ tạo sức lan tỏa cho các tầng lớp nhân dân”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn đọc cho rằng đây là việc làm không xứng tầm của một bộ có chức năng hoạch định chính sách cho các mặt hàng xuất khẩu ở tầm quốc gia. Trong đó nhiều bạn đọc đặt vấn đề bán một xe dưa thì giải quyết được bao nhiêu so với số dưa tồn đọng ở cửa khẩu.

Bạn đọc Hoàng Hà thẳng thắn: “Đây không phải là công việc Bộ Công thương cần làm. Chỉ cần làm tốt chức năng của mình, bộ sẽ giúp dân hơn rất nhiều so với việc làm này”. Bạn đọc Đỗ Nam Phương cũng đề nghị: “Thay vì đi bán dưa, xin các vị hãy nghĩ làm sao để cái điệp khúc ùn ứ sản phẩm này đừng xảy ra làm khổ dân nữa”.

Trong luồng ý kiến trung dung hơn, bạn đọc Viky cho rằng: “Bộ Công thương giúp dân như vậy cũng tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu bộ giúp phương án xây dựng nhà máy xử lý dưa hấu tươi thành các sản phẩm như nước dưa hấu đóng chai chẳng hạn mới là kế dài lâu, xứng tầm của bộ.

Bạn đọc Nguyên Hợp cũng đề xuất: “Để tránh tình trạng ùn ứ như thời gian qua, bộ nên liên kết lại giữa nhà nông với doanh nghiệp, tìm đầu ra hẳn hoi, không nên làm ăn nhỏ lẻ, tự phát, như vậy mới tránh được điệp khúc được mùa mất giá”.

N.N. tổng hợp

Cần có giải pháp căn cơ hơn

Bàn câu chuyện dưa hấu ùn ứ ở cửa khẩu, các chuyên gia cho rằng ở đây cho thấy đã thiếu vắng sự quản lý của Nhà nước và đề xuất phải có những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này.

* Ông VŨ VINH PHÚ (chuyên gia thương mại):

Phải có quy hoạch cụ thể

Việc dưa hấu và các sản phẩm nông nghiệp VN ứ đọng, được mùa rớt giá, nông dân thua thiệt đã xảy ra nhiều năm nay mà chưa giải quyết cơ bản. Cái đó trước hết là trách nhiệm của các bộ chủ quản gồm Bộ NN&PTNN và Bộ Công thương.

Tôi đề nghị Chính phủ nên có yêu cầu và giao trách nhiệm cho hai bộ này để có giải pháp cụ thể, lâu dài giải quyết bài toán của các mặt hàng nông sản nói chung và dưa hấu nói riêng. Đối với dưa hấu, theo tôi, hai bộ cần ngồi với nhau để xây dựng đề án quy hoạch vùng trồng và tiêu thụ, phân phối dưa hấu.

* Chuyên gia nông nghiệp NGUYỄN LÂN HÙNG:

Mở thêm thị trường

Hàng trăm xe dưa hấu xếp hàng dài ở cửa khẩu Tân Thanh chờ xuất sang Trung Quốc cho thấy sự vắng bóng vai trò quản lý của Nhà nước. Nhà nước không thể để người dân tiếp tục trồng và xuất khẩu dưa một cách tự phát như lâu nay. Nhà nước cần xúc tiến ký kết hiệp định hợp tác đối với việc trao đổi hàng hóa và có kế hoạch thực hiện việc trao đổi đó chứ không thể qua thương lái đưa hàng sang bên kia rồi họ muốn mua thì mua, không thì thôi. Ngoài thị trường Trung Quốc, dưa hấu của chúng ta có thể xuất sang Hong Kong, Nhật Bản... được không? Bên cạnh việc xuất khẩu, tôi cũng xin nói rằng đừng coi thường thị trường trong nước khi chúng ta có hơn 90 triệu dân.

* TS VÕ MAI (phó chủ tịch Trung ương Hội làm vườn VN):

Tăng khuyến cáo, hỗ trợ nông dân

Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, lại thiếu thông tin thị trường nên thường nghe thấy gì có lời là đổ xô trồng. Đâu chỉ có dưa hấu mà còn nhiều loại nông sản khác cũng trong tình trạng tương tự. Nhưng dưa hấu là khó nhất vì loại trái cây này gần như 100% chỉ dành cho ăn tươi chứ không chế biến được gì.

Do đó, Bộ NN&PTNT và địa phương phải tham gia quá trình quyết định trồng cây gì, nuôi con gì của nông dân mới giảm được tình trạng dư thừa, rớt giá. Ngành nông nghiệp địa phương phải rà soát lại diện tích cây trồng địa phương, nghiên cứu thị trường tiêu thụ, chủng loại gì, số lượng bao nhiêu để khuyến cáo nông dân. Còn phải xem ngoài dưa hấu thì trồng loại cây gì để khuyến cáo và hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

LÊ THANH - TRẦN MẠNH ghi

Bộ Công thương đề nghị khẩn trương đầu tư thêm kho bãi

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị nhiều biện pháp để thúc đẩy mua bán qua biên giới, giải quyết tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh. Theo đó, Bộ Công thương đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các sở ngành phối hợp với phía Trung Quốc triển khai các giải pháp hai bên đã thống nhất tại buổi làm việc ngày 28-1-2015 về các biện pháp giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại Tân Thanh. Về lâu dài, Bộ Công thương đề nghị tỉnh khẩn trương đầu tư hệ thống giao thông, thêm kho bãi khu vực Rọ Bon (thuộc khu vực cửa khẩu Tân Thanh) theo quy hoạch nhằm đáp ứng khả năng thông quan hàng hóa nông sản, trái cây tươi, đồng thời thỏa thuận với phía Trung Quốc mở rộng các điểm tiếp nhận trái cây tươi của VN nhằm giảm tình trạng ùn tắc.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các thương nhân tham gia hoạt động mua bán trao đổi qua cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam; đặc biệt là cần ưu tiên hàng hóa là nông sản, trái cây tươi xuất khẩu vào vụ thu hoạch.

C.V.KÌNH

 

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên