08/10/2017 10:53 GMT+7

Đàm Quang Minh: Nghe đâu có đàn, có hát là sà đến...

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Nhiều năm nay, Đàm Quang Minh kết nối tiếng nhạc xưa và nay khi khởi dựng nhóm Đông Kinh cổ nhạc, cho ra đời chuỗi chương trình Chuyện nhạc phố cổ. Cuộc yêu thanh âm đất mẹ không chỉ dừng lại ở bẻ làn nắn điệu cho thơ Việt, ca từ Việt...

Đàm Quang Minh: Nghe đâu có đàn, có hát là sà đến... - Ảnh 1.

Đàm Quang Minh trước chương trình Lời ru tre xanh (2015) - Ảnh: TRUNG DŨNG

Mới đây, tối 6-10, các nghệ sĩ nhóm Đông Kinh cổ nhạc đã lồng điệu cho thơ Đức với buổi diễn xướng thơ Heinrich Heine tại Viện Goethe, Hà Nội.

Mở lối hội ngộ

Ngôi nhà NSND Thanh Hoài dìu dặt tiếng đàn, tiếng hát mãi tới trưa ngày 5-10. Đây là buổi tập cuối, trước buổi biểu diễn tối 6-10 của nhóm. 

Nếu hai năm trước, trong cuộc biểu diễn xướng thơ Nguyễn Duy mang tên Lời ru tre xanh, nhiều người ái ngại vì các nghệ sĩ đều ở tuổi xưa nay hiếm thì dịp này nỗi ái ngại ấy phần nào vơi đi khi gia nhập nhóm còn có cả những nghệ sĩ trẻ tài năng trong giới ca kịch, tuổi mới ngoài 20, 30 như Kiều Oanh, Kim Liên, Hà Thảo...

Ba thế hệ cùng hòa nhịp, hòa điệu, kể câu chuyện tình yêu qua những bài thơ của Heine bằng thanh, âm dân tộc (chèo, tuồng, xẩm, ca Huế, ngâm thơ mới...) lắng sâu mà không xưa cũ. 

Hỏi ra, các nghệ sĩ đều chia sẻ, vì mến cái tình của người "sắp trò" Minh mà cùng hội ngộ ở Đông Kinh cổ nhạc bằng cả tấm lòng. Còn với Đàm Quang Minh: "Nỗi lo thế hệ kế cận cho Đông Kinh cổ nhạc đang dần vơi đi...".

Là người sinh hoạt bền bỉ trong các chương trình của Đông Kinh cổ nhạc, NSND Thanh Hoài tủm tỉm kể: "Cộng tác cùng cậu ấy mệt lắm, suốt ngày thử nghiệm, từ Tố nữ dân ca, Tiếng trúc tiếng tơ rồi đến 13 số Chuyện nhạc phố cổ, bẻ làn nắn điệu thơ Nguyễn Duy với Lời ru tre xanh, đưa ca từ của Trịnh Công Sơn vào ca nhạc cổ truyền Huế với Vọng cố đô, lồng điệu cho thơ Jan Wagner với Biến tấu thùng nước mưa... 

Đã vậy, cậu ấy rất khó tính, thử gì thì thử, bẻ làn nắn điệu đến đâu cũng không được phá vỡ bài bản của bộ môn".

Đàm Quang Minh: Nghe đâu có đàn, có hát là sà đến... - Ảnh 2.

NSND Thanh Hoài và NSND Xuân Hoạch cùng nhóm Đông Kinh cổ nhạc diễn xướng thành công thơ Jan Wagner tại Viện Goethe Hà Nội vào tháng 5 vừa qua - Ảnh: ĐỨC TRIẾT

NSND Xuân Hoạch lại chia sẻ thật khó lý giải được niềm đam mê cổ nhạc của Minh. Chỉ cần nghe đâu có đàn, có hát là cậu ấy sà đến. Nói chuyện âm nhạc thì cậu ấy có thể nói cả ngày không biết mệt. 

Đã thế, cậu ấy còn dựng nhà tre nhạc Việt ở phố Chùa Láng, với mong mỏi sẽ tạo thành một không gian sinh hoạt văn hóa cho nhóm Đông Kinh cổ nhạc và du khách. Đông Kinh cổ nhạc danh tiếng ngày một vang xa như thế nhưng mấy ai biết việc bỏ tiền bù lỗ sau mỗi chương trình là chuyện thường ngày của Minh.

Những mối giao tình

Chẳng có dáng dấp của một người thuộc về cổ nhạc khi vẻ bề ngoài của Đàm Quang Minh thường phủi và bụi... hết cỡ. Ấy thế mà mấy ai biết được lúc lên bảy lên tám, cậu bé Minh vẫn hay ngồi trong lòng cha nghe bà Hồ, bà Phúc hát ca trù. 

Lớn lên, khi cùng gia đình sang Pháp, ngày ngày Minh vẫn nghe ca trù, chèo, hát văn... qua cassette và từng soạn lời một số bài hát nói như Nỗi nhớ niềm thương, Giai nhân nan tái đắc được NSƯT Kim Đức thể hiện trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam.

Rồi dù đã học xong đại học và đi làm nhưng khi gặp mối duyên cổ nhạc (gặp gỡ với nhóm Thanh Hoài, Văn Mởn, Đỗ Tùng, Công Hưng, nhóm nhã nhạc cung đình Huế của Thanh Tâm vào năm 1995), thế là anh quyết trở về quê hương, thảnh thơi bước vào thế giới thanh âm của đất mẹ ngàn năm.

Đàm Quang Minh về Việt Nam cùng với người bạn là nhà dân tộc nhạc học Kersaler. Trong mười mấy năm ròng, hai người bạn tìm kiếm, gặp gỡ, lắng nghe những tay đàn, giọng hát cự phách năm xưa như các nghệ nhân Quách Thị Hồ, Hà Thị Cầu, Lê Bá Cao, Kim Đức, Kim Sinh, Nguyễn Ngọc Châu, Hồ Tịnh Chén... 

Tốn kém, nhọc nhằn đủ cả nhưng khó khăn đều bị xóa mờ khi lòng anh chỉ có niềm hoan hỉ, thấy mình may mắn khi vẫn còn kịp gặp những "báu vật nhân văn sống" của dân tộc. Và anh trân trọng gọi đó là những mối giao tình không dễ có.

Đàm Quang Minh: Nghe đâu có đàn, có hát là sà đến... - Ảnh 3.

Nhóm nghệ sĩ Đông Kinh cổ nhạc trình diễn trong đêm nhạc Vọng cố đô (tháng 9/2017) - Ảnh: VŨ.

Minh nhớ những tháng ngày anh và NSƯT Kim Đức - người anh luôn coi là bậc thầy về phương pháp sư phạm trong lao động nghệ thuật - đồng hành suốt bao cuộc đi tìm hiểu ca trù, như về Thanh Hóa gặp cụ Diện - đào Ngự cuối cùng của xứ Thanh; gặp bà Khiếu, bà Vượn, ông Khỏa... ở Phú Xuyên (Hà Nội). 

Những chuyến đi ấy thấm đẫm bao tình nghệ sĩ, như cách ông Khỏa bày tỏ: "Mấy mươi năm tôi vẫn nghe bà (Kim Đức) hát trên Đài tiếng nói Việt Nam nhưng đến hôm nay mới được đệm đàn trực tiếp cho bà hát...".

Khắc ghi lời nhắn của bà Quách Thị Hồ: "Tôi biết cậu có cái đam mê nhưng cậu nên dùng trí thức để giữ đam mê", mỗi ngày Đàm Quang Minh lại bận rộn với những rong ruổi dành cho âm nhạc cổ truyền. Ngoài những diễn xướng tuân thủ theo đúng bài bản, anh vẫn say sưa với những nghiên cứu và thử nghiệm tìm hiểu lại các bộ môn của nhạc cổ.

Và cuối tháng 10 này, theo tiết lộ của Đàm Quang Minh, anh cùng với Đông Kinh cổ nhạc, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, nhạc trưởng Jeff von der Schmidt sẽ bước vào một thử nghiệm mới: hòa điệu cổ nhạc Việt Nam cùng nhạc đương đại phương Tây. 

Chương trình mang tên Kim, diễn ra tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nếu thử nghiệm thành công, đây sẽ là một chuỗi kết nối mới giữa tiếng nhạc nước ta và các giai điệu của phương Tây.

Đàm Quang Minh: Nghe đâu có đàn, có hát là sà đến... - Ảnh 4.

Đàm Quang Minh và nhạc trưởng Jeff von der Schmidt (từ trái qua) - Ảnh: Facebook

Có lần Đàm Quang Minh tổ chức buổi thu băng ở nhà bà Hà Thị Cầu (xẩm) với sự góp mặt của bà Kim Đức (ca trù), ông Kim Sinh (danh cầm), ông Đỗ Tùng (chèo). Buổi thu không thành công mà anh gọi thật kỳ lạ, khiến anh càng thêm trân quý về điều tế nhị giữa các bộ môn trong nhạc cổ Việt Nam.

"Từ sáng đến tối khuya, các cụ vẫn đàn vẫn hát nhưng không thể hòa điệu cùng. Bà Cầu hát thì ông Kim Sinh không đánh nổi đàn. Bà Kim Đức mà gõ phách thì ông Đỗ Tùng không chen được một câu...

Không phải các cụ "chảnh", đấy là cái tế nhị riêng theo quy ước ngầm: dù giữa mỗi bộ môn tưởng rất gần gũi, giống nhau nhưng vẫn luôn có nét riêng biệt, không bao giờ bị trộn lẫn" - Đàm Quang Minh kể.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên