16/06/2015 08:17 GMT+7

Đàm phán nợ Hi Lạp - châu Âu thất bại

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Cuộc đàm phán giữa Hi Lạp và nhóm chủ nợ tại Brussels ngày 14-6 kết thúc mà không có thỏa thuận nào.

Việc này đồng nghĩa với việc Athens đánh mất cơ hội nhận được khoản cứu trợ cuối cùng 7,2 tỉ euro và tiến gần đến nguy cơ ra khỏi khu vực đồng euro.

Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras chỉ trích các yêu cầu của châu Âu là vô lý - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras chỉ trích các yêu cầu của châu Âu là vô lý - Ảnh: Reuters

“Mặc dù đạt được một số tiến bộ, cuộc đàm phán vẫn không thành công như mong đợi do các bên còn tồn tại những bất đồng lớn liên quan đến kế hoạch của chính quyền Athens và những yêu cầu của nhóm chủ nợ, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu” - AFP dẫn lời người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết.

Theo báo Guardian, các quan chức châu Âu đã chỉ trích kế hoạch cải tổ của Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras là chưa hoàn thiện do chưa đưa ra được những cải cách cần thiết và cuộc đàm phán chấm dứt trong chưa đầy một giờ.

Nhà kinh tế Olivier Blanchard của IMF khẳng định để đạt được thỏa thuận cuối cùng, Hi Lạp phải xử lý hệ thống lương hưu, hiện đang là gánh nặng của nền kinh tế nước này.

Phía Athens chỉ trích các yêu cầu “vô lý” và “khắt khe” của các chủ nợ khi đòi cắt giảm lương hưu, tăng thuế giá trị gia tăng trên những mặt hàng cơ bản, trong đó có điện. Athens nhấn mạnh việc không đạt được kết quả cuối cùng là do lỗi của IMF.

Hôm qua, Thủ tướng Alexis Tsipras còn tuyên bố sẽ kiên nhẫn đợi châu Âu "thực tế hơn". "Chúng ta không có quyền chôn nền dân chủ châu Âu ở nơi mà nó sinh ra" - Reuters dẫn lời thủ tướng Hi Lạp.

Thất bại này càng làm gia tăng lo ngại Athens rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng và buộc phải rời khỏi khu vực đồng euro. Chứng khoán châu Âu rớt giá mạnh trong phiên giao dịch ngày 15-6.

Cuộc đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra vào thứ năm tới tại Luxembourg sẽ quyết định số phận của Athens. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker, tin rằng vẫn có thể đạt được một giải pháp tích cực vào cuối tháng này, thời điểm gói cứu trợ dành cho Hi Lạp hết hiệu lực.

Các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Hi Lạp với bộ ba chủ nợ đã liên tục rơi vào bế tắc trong suốt 5 tháng qua do bất đồng liên quan đến các biện pháp "thắt lưng buộc bụng". Cho đến nay, Hi Lạp vẫn phản đối những biện pháp cải cách mạnh tay mà các chủ nợ yêu cầu dù thời hạn trả nợ đã đến gần.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên