11/04/2019 09:16 GMT+7

'Đại vương ơi, đại vương gọi em có việc gì?'

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Những chiến sĩ mới nhập ngũ đầy vẻ bỡ ngỡ do chưa quen cách xưng hô của quân đội, thay vì gọi "đồng chí", "thủ trưởng", xưng "tôi" thì lại hồn nhiên: "Đại vương ơi, đại vương gọi em có việc gì?".

Đại vương ơi, đại vương gọi em có việc gì? - Ảnh 1.

Chiến sĩ mới của trung đoàn 88, sư đoàn 302 được tận tình hướng dẫn trong các nội dung huấn luyện - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Đến tiểu đoàn 5, trung đoàn 88, sư đoàn 302, Quân khu 7 (Đồng Nai) những ngày nắng gắt. Các chiến sĩ mới ai cũng như khỏe khoắn, rắn rỏi hơn hẳn trong bộ quân phục dã chiến, say mê tập luyện trên thao trường.

Làn da dần ngăm đen vì ngấm nắng, chàng trai Huỳnh Văn Vương (23 tuổi, quê Lâm Đồng) kể mấy ngày đầu về đơn vị, ai cũng bỡ ngỡ nhưng giờ đã thích nghi. 

Gần một tháng qua, Vương được học khá nhiều nội dung: 10 lời thề quân nhân, học điều lệnh đội ngũ, cách mang súng, treo súng, khám súng, xếp nội vụ...

"Ai xếp nội vụ không đẹp phải đi tăng gia, trưa bỏ thời gian nghỉ trưa ra để xếp. Chúng tôi mất khoảng một tuần để xếp nội vụ vuông vức. Vào bộ đội phải chăm chỉ hơn, nghiêm khắc hơn, khó khăn hơn ở nhà nhưng chỉ cần chăm chỉ, siêng năng là làm được" - Vương cho biết.

Trước khi đi bộ đội, Vương tốt nghiệp trung cấp nghề hàn và đã đi làm. Ba mẹ bệnh, Vương về phụ trông coi vườn nương. 

Có bằng cấp, lại là đảng viên nên Vương được bà con bầu làm trưởng thôn. Ngày khoác balô lên đường nhập ngũ, "bác trưởng thôn" được cả thôn tiễn. 

Chàng trai này mong muốn sau ba tháng quân trường sẽ học quân y để có thể về chữa bệnh cho bà con.

Vào quân ngũ lần này là chuyến đi đầu tiên và lâu nhất của chàng tân binh Nguyễn Phi Công (19 tuổi, Bình Thuận). Kỷ niệm đầu tiên với Công chính là học gấp nội vụ. 

"Ban đầu tay chân cứng lắm, phải gấp đi gấp lại nhiều lần, ai chưa gấp được phải dậy sớm từ 4h sáng. Gấp được thấy vui chứ, coi như hoàn thành thử thách đầu tiên. 

Tôi mới học xong cấp III, vừa ra đời và chưa xa gia đình nên mấy ngày đầu cũng mất ngủ vì nhớ nhà. Tôi không khóc nhưng có đêm nghe tiếng hụ hụ là biết có đứa đang khóc vì nhớ nhà. Vào đây, làm sai thì bị phạt đi cuốc luống tăng gia sản xuất, cực nhưng vui".

Là người trực tiếp huấn luyện, gắn bó, sâu sát với chiến sĩ mới nhập ngũ, trung úy Phạm Chí Công, trung đội trưởng trung đội 10, tiểu đoàn 5, cho biết các chiến sĩ mới đơn vị huấn luyện năm nay đến từ các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, mọi người đã bắt nhịp được môi trường mới.

"Các em lần đầu xa nhà, nhớ nhà nên tôi thường xuyên gần gũi, động viên các em, cũng có em tìm đến "anh ơi, em có chuyện này chuyện kia muốn tâm sự với anh". 

Có bạn do chưa quen cách xưng hô của quân đội, thay vì gọi "đồng chí", "thủ trưởng", xưng "tôi" thì các bạn hồn nhiên: "Đại vương ơi, đại vương gọi em có việc gì?". Lúc đó mình nhắc nhở các em phải gọi sao cho đúng. Lần đầu cầm binh khí thích lắm, thích súng to nhưng cầm được súng rồi nặng quá lại xin đổi" - trung úy Phạm Chí Công cười kể.

Nụ cười tân binh TP.HCM trước giờ nhập ngũ Nụ cười tân binh TP.HCM trước giờ nhập ngũ

TTO - Sáng 21-2, hơn 4.000 thanh niên TP.HCM lên đường nhập ngũ, trong đó có 621 thanh niên tham gia thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên