25/04/2019 05:56 GMT+7

Đại tướng Lê Đức Anh: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên ra Trường Sa

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Là bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên ra Trường Sa và cũng là Bộ trưởng Quốc phòng duy nhất tới nay đã có tới 2 lần ra với Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh luôn dành một tình cảm đặc biệt cho những lính đảo canh giữ biển trời Tổ quốc.

Đại tướng Lê Đức Anh: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên ra Trường Sa - Ảnh 1.

Đại tướng Lê Đức Anh tại phòng khách trong căn hộ công vụ giản dị tại Hà Nội - Ảnh: Tư liệu

Không có nhiều lần được trực tiếp gặp Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhưng là người có gần 16 năm công tác ở Quân chủng Hải Quân, trong đó có gần 10 năm công tác trên Quần đảo Trường Sa, thiếu tướng Hoàng Kiền mang những tình cảm đặc biệt sâu đậm về vị tướng cả một đời cống hiến cho cách mạng, cho nhân dân, một "con người cách mạng" và luôn dành những yêu thương chân thành cho những người lính đảo.

Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên ra Trường Sa

Trong căn phòng khách giản dị nơi con phố nhỏ của Hà Nội, thiếu tướng Hoàng Kiền giấu nỗi buồn trước tin vị đại tướng mà ông rất mực yêu kính vừa về với tiên tổ, nhưng để mặc cho hồi ức ùa về…

Thiếu tướng Hoàng Kiền còn nhớ rõ năm 1986, khi ông đang là cán bộ cấp úy tại Phòng Công binh Hải quân thì âm mưu của nước ngoài (Trung Quốc - PV) muốn tranh chấp chủ quyền với chúng ta ở các đảo chìm lộ rõ.

Hải quân đã báo cáo với Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Đại tướng Lê Đức Anh để có hướng xử lý. Đại tướng đã lập tức báo cáo Bộ Chính trị để phải bằng mọi biện pháp đưa quân ra đóng giữ các đảo chìm.

Ý chí quyết tâm bảo vệ biển đảo Tổ quốc của Đại tướng Lê Đức Anh lúc đó đã khiến các cán bộ chiến sĩ Hải quân thêm vững niềm tin, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ chủ quyền đất nước.

Sau sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988 khiến 64 chiến sĩ hi sinh, 9 chiến sĩ bị bắt, quá đau xót trước mất mát lớn lao này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh mang quân hàm Đại tướng đã đích thân lập tức ra với chiến sĩ Trường Sa. Đó là lần đầu tiên một Bộ trưởng Quốc phòng thăm Trường Sa.

Đại tướng Lê Đức Anh: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên ra Trường Sa - Ảnh 2.

Thiếu tướng Hoàng Kiền kể nhiều câu chuyện xúc động về Đại tướng Lê Đức Anh - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Theo thiếu tướng Hoàng Kiền, đối phương (Trung Quốc - PV) vừa mới gây chiến và vẫn tiếp tục tuần tiễu uy hiếp bằng tàu chiến nhưng một Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vẫn thân chinh ra Trường Sa bằng tàu, vẫn đi kiểm tra cùng bộ đội Hải quân tới từng đảo nổi, đảo chìm, là một hành động rất có ý nghĩa và đầy bản lĩnh, thể hiện tình yêu thương với quân lính và trách nhiệm lớn lao trước non sông.

Ông Kiền cho biết sau sự kiện Gạc Ma, chiến sĩ của ta bị ảnh hưởng tâm lý rất lớn bởi đi Trường Sa là đi chiến trường. Vì vậy, việc Đại tướng lên tàu ra Trường Sa như đi ra mặt trận đã có tác dụng động viên và khích lệ rất lớn đối với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.

Giữa những hiểm nguy rình rập từ đối phương, Đại tướng đã nhiều ngày lênh đênh trên biển, ròng rã đi thị sát, kiểm tra các đảo chìm, đảo nổi, động viên tinh thần chiến sĩ, chỉ đạo Bộ Quốc phòng quan tâm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội Trường Sa, phát động phong trào toàn quân hướng về Trường Sa và báo cáo Bộ Chính trị để phát động phong trào cả nước vì Trường Sa.

Ông đi kiểm tra từng công sự chiến đấu, hầm hào, vũ khí và tình hình ăn ở của bộ đội. Hình ảnh Đại tướng xông pha ra đảo với bộ đội đã khiến chiến sĩ tin tưởng, phấn khởi, tự hào và tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thiếu tướng Hoàng Kiền kể chuyện về Đại tướng Lê Đức Anh - Video: THIÊN ĐIỂU

Và lời thề trước tổ tiên, hương hồn chiến sĩ

Sau chuyến đi lịch sử ra Trường Sa ấy, chỉ hơn tháng sau, Đại tướng lại tiếp tục thân chinh ra Trường Sa một lần nữa vào ngày 7-5-1988 để tổ chức mít tinh kỷ niệm 33 năm thành lập Hải quân cùng với anh em chiến sĩ tại Trường Sa.

Trong buổi lễ xúc động ấy, Đại tướng đã đọc lời thề thiêng liêng trước tổ tiên, trước hương hồn các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc là bằng mọi biện pháp phải bảo vệ bằng được chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

"… Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".

Lời thề của Đại tướng Lê Đức Anh giữa trùng trùng sóng vỗ Trường Sa năm ấy trở thành một khoảnh khắc lịch sử sẽ còn được khắc ghi mãi trong những thế hệ người Việt yêu và quyết giữ từng nắm đất quê hương.

Đại tướng Lê Đức Anh: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên ra Trường Sa - Ảnh 4.

Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại lễ mittinh kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam tại Trường Sa tháng 5-1988 - Ảnh: NGUYỄN VIẾT THÁI/Tuổi Trẻ

Tuy không gặp trực tiếp Đại tướng Lê Đức Anh ở Trường Sa nhưng sau này được giao nhiệm vụ viết báo cáo khoa học để chuẩn bị hồ sơ xin tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa, thiếu tướng Hoàng Kiền đã may mắn được gặp tất cả các thủ trưởng Bộ tư lệnh Hải quân các thời kỳ. Và tất cả đều nhất loạt đánh giá rất cao Đại tướng Lê Đức Anh.

Theo họ, nhờ chỉ đạo có tầm chiến lược của Đại tướng mà sau Gạc Ma, chúng ta đã chặn không cho đối phương lấn tới để bảo vệ những đảo còn lại. Kết quả là chúng ta đã giữ được 12 đảo chìm và giữ được đảo nổi ổn định.

Các cán bộ Bộ Tư lệnh Hải quân đều đánh giá Đại tướng là người có tài về quân sự, chính trị, ngoại giao thì mời có thể giữ được sự ổn định của Trường Sa như hôm nay. Họ cho rằng, nếu lúc đó Đại tướng không xử lý tốt thì tình hình ở Trường Sa có thể còn phức tạp hơn nhiều.

Đại tướng Lê Đức Anh: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên ra Trường Sa - Ảnh 5.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao tặng huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho Đại tướng Lê Đức Anh ngày 29-7-2013 tại Hà Nội - Ảnh: TTXVN

Cái bắt tay của Chủ tịch nước trong giờ giải lao

Thiếu tướng Hoàng Kiền còn nhớ mãi lần được gặp Đại tướng Lê Đức Anh tại Hà Nội.

Đó là năm 1994, ông được bầu đi dự Đại hội Thi đua quyết thắng toàn quân tại Hà Nội và lên đọc báo cáo thành tích. Giờ giải lao, ông và khoảng chục cán bộ hải quân rất bất ngờ khi thấy Đại tướng Lê Đức Anh lúc đó đang là Chủ tịch nước đã xuống bắt tay từng người, ân cần hỏi han đời sống của chiến sĩ bởi khi ấy lực lượng hải quân còn hạn chế, khó khăn nhiều mặt về kinh tế.

Đại tướng đã dành toàn bộ thời gian nghỉ giải lao ngắn của Đại hội để nhắn nhủ các cán bộ hải quân làm sao công trình tại các đảo mà công binh xây dựng phải như cái áo giáp chở che bộ đội khi có tác chiến xảy ra, tạo niềm tin cho bộ đội Trường Sa.

"Chúng ta ở xa đất liền, các đảo đều cơ bản độc lập tác chiến, khi có tình huống xảy ra, có chi viện nhưng ở mức độ nhất định, công trình rất quan trọng, tạo sức mạnh phòng thủ và tạo niềm tin cho bộ đội. Trong điều kiện hiện nay chúng ta là một nước nhỏ, tiềm lực mọi mặt còn khó khăn nhưng luôn phải đối chọi với các nước lớn thì phải bình tĩnh, khôn khéo, cảnh giác, giữ gìn hòa bình...", thiếu tướng Hoàng Kiền nhắc lại lời căn dặn ân cần của Chủ tịch nước lúc bấy giờ.

Ông bảo, những lời sẻ chia chân thành và thân mật ấy của Đại tướng Lê Đức Anh đã khiến đoàn cán bộ hải quân năm ấy nhận thức rõ hơn trách nhiệm bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Khu lưu niệm Đại tướng Lê Đức Anh được gấp rút trùng tu Khu lưu niệm Đại tướng Lê Đức Anh được gấp rút trùng tu

TTO - Chính quyền cùng người dân làng Bàn Môn (xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang khẩn trương tiến hành những bước còn lại trùng tu công trình nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh sau khi nghe tin ông qua đời.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên