Trong ký ức của người thân, đồng đội, ông Hoàng Long Xuyên - nguyên giám đốc Khu Công an Việt Bắc, nguyên trưởng Phòng điều tra hình sự Bộ đội biên phòng - luôn là tấm gương sáng mẫu mực trong gia đình, của địa phương và quê hương Thái Nguyên cách mạng.
Lấy tên ông gọi thay phiên hiệu đơn vị
Đại tá Hoàng Long Xuyên - nhân chứng cuối cùng của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đã qua đời vào ngày 27-8 tại nhà riêng.
Là người giác ngộ cách mạng từ rất sớm, 17 tuổi, Hoàng Long Xuyên đi theo cách mạng và hoạt động tại vùng rừng Hòa An (Hà Quảng, Cao Bằng).
Năm 1941, Hoàng Long Xuyên là một trong 10 thanh niên trung kiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đi học tại Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) suốt 4 năm.
Đến cuối năm 1944, ông cùng các bạn học được triệu tập về nước.
Ông Hoàng Long Xuyên không có tên trong danh sách 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày thành lập (22-12-1944) do lúc trở về bị lạc trong rừng, lúc về đến nơi thì Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã ra đời được 2 ngày.
Ông được phân công làm tiểu đội trưởng. Ngày nhập ngũ của ông trong hồ sơ cán bộ vẫn được công nhận là ngày 22-12-1944.
Đầu năm 1945, tiểu đội trưởng Hoàng Long Xuyên nhận nhiệm vụ chỉ huy một cánh quân "Đông tiến", mở đường giao thông liên lạc tới Lạng Sơn, mở rộng căn cứ Cao Bằng đến các huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn. Kể từ đây, cuộc đời binh nghiệp của ông gắn bó với Lạng Sơn.
Ông là người xây dựng các đơn vị quân đội từ những ngày đầu nên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong kháng chiến chống Pháp lấy tên ông gọi thay cho phiên hiệu đơn vị là "bộ đội Long Xuyên".
Năm 1962, ông về công tác tại Bộ tư lệnh Công an vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng), sau đó làm giám đốc công an của toàn Liên khu Việt Bắc.
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông được phân công làm trưởng Phòng điều tra hình sự - Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng và gắn bó với lực lượng cho đến ngày nghỉ hưu.
Lời Bác dặn, trăm năm vẫn nhớ mãi
Đến viếng, tiễn biệt cụ Xuyên - người lão thành cách mạng, thượng tướng Bế Xuân Trường, chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, bày tỏ tiếc thương, chia buồn sâu sắc với gia quyến.
Thượng tướng nhận xét đại tá Hoàng Long Xuyên là một con người theo Đảng, theo Bác từ rất sớm. Cả cuộc đời của ông đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
"Đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam học tập và noi theo. Đồng chí cũng là tấm gương sáng, mẫu mực trong gia đình, của địa phương và quê hương" - thượng tướng Bế Xuân Trường chia sẻ.
Là người gặp gỡ, gắn bó với ông Hoàng Long Xuyên, đặc biệt trong những năm tháng cuối đời, nữ trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh - chi hội phó chi hội Nhà văn Quân đội - nhớ mãi về "người tiêu biểu cho thế hệ vàng", luôn khiêm cung, một lòng trung thành với cách mạng, luôn nghĩ đến đại cục.
May mắn được trò chuyện, phỏng vấn ông Xuyên nhiều lần, trung tá Vân Anh kể ấn tượng nhất là trong câu chuyện kể của mình, ông Xuyên luôn thuộc nằm lòng bài thơ của Bác Hồ đã đọc tặng những thiếu sinh quân lên đường sang Trung Quốc học quân sự vào mùa xuân năm 1941. Đến cuối đời, giọng của ông vẫn hào sảng, vang vọng đọc dõng dạc bài thơ mùa xuân năm ấy.
Nước Nam là nước Nam ta/ Vì ai đến nỗi xót xa thế này/ Vì giặc Nhật, vì giặc Tây/ Thanh niên ta phải ra tay học hành/ Một là học việc nhà binh/ Hai là học biết tính tình nước ta/ Thanh niên là chủ nước nhà/ Phải cho oanh liệt mới là thanh niên.
"Ông luôn tâm huyết, nhắc đi nhắc lại bài thơ đó, từ cậu bé 17 tuổi cho đến khi 107 tuổi ông vẫn nhớ mãi về lời dặn của Bác Hồ: Thanh niên là chủ nước nhà/ Phải cho oanh liệt mới là thanh niên" - trung tá Vân Anh xúc động.
Đại tá Hoàng Long Xuyên tên khai sinh là Hoàng Văn Tứ, sinh năm 1917 tại xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý, huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận