27/07/2022 12:12 GMT+7

Nợ nước non: Dung dị, cảm xúc về hình ảnh Bác Hồ

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Tại Nhà hát TP.HCM vừa diễn ra vở cải lương Nợ nước non khắc họa hình tượng Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành.

Nợ nước non: Dung dị, cảm xúc về hình ảnh Bác Hồ - Ảnh 1.

Cảnh người dân phải chịu sự thống khổ vì bị thực dân Pháp áp bức trong vở Nợ nước non - Ảnh: T.T.D.

Vở mở đầu với hình ảnh chàng trai Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Tất Thành được lão Đạt ở đất Sài Gòn chèo thuyền đón cậu trai từ Bình Thuận vào. Sau những bỡ ngỡ, cậu đã len lỏi vào đời sống người dân để thấy, để cảm được nỗi thống khổ của người dân bị thực dân chà đạp, đàn áp, bóc lột.

Điều tạo nên mạch cảm xúc của vở là đạo diễn không sa vào kể lể chi tiết mà sử dụng thủ pháp hồi ức của một chàng trai 21 tuổi rời đất miền Trung đem theo trong mình nỗi nhớ gia đình, nỗi nhớ quê hương. 

Và cứ thế đan xen hiện tại, quá khứ. Làng Sen của xứ Nghệ êm đềm hiện ra với mái ấm giản dị của ông Nguyễn Sinh Sắc - bà Hoàng Thị Loan, nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung (Bác Hồ thuở nhỏ) được sinh ra vào mùa sen thơm ngát nhất. Rồi miền ký ức cứ trôi qua đến đất Huế, nơi ông Nguyễn Sinh Sắc học hành đỗ đạt và lâm vào thăng trầm. Bà Loan qua đời khi đứa con út còn khát sữa mẹ, chồng đi công vụ xa. 

Cậu bé Sinh Cung lúc ấy được xóm giềng cưu mang bảo bọc. Có lẽ vì được sinh ra trong tình yêu thương, và trải qua hoạn nạn nhưng vẫn ấm áp trong tình người, nên cậu bé lớn lên với đầy lòng nhân ái và biết trắc ẩn trước thân phận người, thân phận đất nước.

Toàn bộ vở diễn toát lên sự dung dị. Dung dị từ cách ca diễn chừng mực đến phục trang, cảnh trí và thủ pháp dàn dựng. Và sự dung dị đó thực sự tạo cảm xúc để người xem dõi theo hành trình thời niên thiếu đến trưởng thành của Bác.

Bác không hiện lên như thánh nhân mà là một chàng trai có suy nghĩ chín chắn, tiến bộ và hết sức khiêm nhường, chịu lắng nghe, chịu quan sát, phân tích và quyết đoán để tìm con đường tốt nhất cho quê hương mình.

Điểm cộng cho vở là bên cạnh hệ thống bài bản cải lương làm chủ đạo còn có các loại hình âm nhạc dân tộc khác như ví dặm Nghệ Tĩnh, hò Huế, dân ca bài chòi, hò Nam Bộ... Suốt vở diễn mênh mang tiếng hò, lời ru như cội nguồn sâu thẳm để thúc giục người thanh niên Nguyễn Tất Thành đem lại tự do cho quê hương thanh bình. 

Kết vở, khi chàng trai Nguyễn Văn Ba bước lên tàu ngày 5-6-1911 mong tìm đường cứu nước, nhạc trỗi lên tiếng hát nghệ sĩ Mai Hoa vang vang "Vạn dặm người đi lòng chứa chan cứu nước cứu dân...", trên màn hình LED xuất hiện chiếc tàu trắng quay mũi băng băng hướng về phía Mặt trời, cả khán phòng như lặng đi vì xúc động.

Nợ nước non (tác giả Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn: Triệu Trung Kiên) là phần 1 trong bộ ba tác phẩm mang tên Nước non vạn dặm. Phần 2 có tên gọi Lênh đênh bốn biển và phần 3 là Người về, dự kiến lần lượt ra mắt vào năm 2023 và 2024.

Nhạc kịch về Bác Hồ, ballet về Kiều và Mỵ Châu - Trọng Thủy giành giải xuất sắc Nhạc kịch về Bác Hồ, ballet về Kiều và Mỵ Châu - Trọng Thủy giành giải xuất sắc

TTO - Ba giải xuất sắc của Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc đã được trao cho ba vở diễn công phu, độc đáo là vở nhạc kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người cầm lái, 2 vở ballet Kiều và Hàm lệ minh châu về Mỵ Châu - Trọng Thủy.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên