20/06/2014 07:00 GMT+7

Đại sứ nước tuổi 83

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Câu chuyện của một cán bộ lão thành trở thành đại sứ nước ở tuổi 83.

Hành trình tìm kiếm đại sứ nước 2014 chính thức bắt đầuCâu chuyện về những đại sứ nước thầm lặngThỏa sức sáng tạo cùng “Mùa hè nước 2014”

9CBS5MB5.jpg
Ông Phạm Bá Đạt - Ảnh: Công Nhật

Tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt nhưng ông vẫn say sưa gắn bó với những dự án về nước, tham gia thiết kế, cố vấn cho các dự án cộng đồng có liên quan đến nước...

Trốn nhà đi bộ đội

"Tôi thấy bứt rứt, ăn ngủ không được khi nhiều đứa trẻ tại đây bị bệnh truyền nhiễm, bệnh da liễu... vì phải dùng nước nhiễm phèn, nước bị ô nhiễm nặng"

Ông PHẠM BÁ ĐẠT

16 tuổi. Cậu học trò Phạm Bá Đạt xuất thân từ gia đình trí thức và đang theo học Trường Lasan Taberd (nay là THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM) đã biết đau cho vận mệnh đất nước đang chìm trong khói lửa. “Phần vì lòng yêu nước thôi thúc, phần được các thầy khích lệ, phần tuổi trẻ ham vui muốn biết cảnh rừng rú như thế nào...” - ông Đạt giải thích về quyết định rời bỏ cuộc sống ấm êm xoay quanh “ăn - ngủ - học” để ôm balô lẻn ra khỏi nhà, nhảy lên xe cùng hai người bạn vào chiến khu tại Hóc Môn ngày nào...

“65 năm tuổi Đảng, 20 năm gắn bó với quân đội... là những cột mốc đẹp mà tôi khó thể nào quên” - người thương binh từng bị thương nặng tại chiến trường Siem Reap (Campuchia) vào tháng 5-1954 khẳng định. Tình yêu nước đó cũng chính là động lực để ông tiếp tục hăng hái cầm súng lên đường chiến đấu tại Lào từ cuối năm 1959-1962.

“Đến năm 1966 tôi được chuyển về Bộ Thủy lợi, bắt đầu “kết duyên” với nước từ đó” - ông nhớ lại.

Dành cả tuổi xuân để cầm súng, ngày về Bộ Thủy lợi ông Đạt còn nhớ rõ tay chân lóng ngóng như thế nào. Làm việc tại một vùng sâu tỉnh Hải Dương trong khi trường ở tuốt Hà Nội, thế là cứ tranh thủ làm hết việc là ông lại mướt mồ hôi đạp xe 80km để đến trường. Tuy vậy, ông chưa từng nản lòng với việc học. Năm 1974, đồ án tốt nghiệp ĐH của ông đạt loại xuất sắc, và ông dần được đơn vị tin tưởng giao đi công tác, nghiên cứu ở nhiều quốc gia như Nga, Pháp, Tiệp Khắc... Năm 1980, ông được chọn làm giám đốc Công ty Tàu cuốc II.

Những kỷ niệm về nước

Góp phần bảo vệ môi trường cùng cuộc thi “Mùa hè nước 2014”

Là hoạt động do Bộ Tài nguyên - môi trường VN và nhãn hàng Comfort một lần xả, báo Tuổi Trẻ phối hợp thực hiện, cuộc thi “Mùa hè nước 2014” đem đến cho giới trẻ cơ hội trải nghiệm một mùa hè ý nghĩa thông qua việc lên ý tưởng, trực tiếp thực hiện dự án liên quan đến nước. Sẽ có ba dự án nhận được sự hỗ trợ (tối đa 56 triệu đồng/ dự án).

Chương trình giúp thay đổi nhận thức và hành vi của người dân về việc tiết kiệm nước và bảo vệ nguồn nước sạch, nâng đỡ và kết nối những hành động nhỏ để tạo ra sự thay đổi lớn đầy tích cực cho xã hội.

Hạn chót nhận bài dự thi là ngày 13-7. Thông tin chi tiết về chương trình có tại website: www.1tym3nuoc.vn.

Nói về những kỷ niệm khó quên liên quan đến nước, ông Đạt cho biết trong đó là cả vui buồn lẫn lộn. “Còn nhớ một lần cùng đồng đội hành quân ở Campuchia, cả đoàn dừng lại nghỉ đêm tại một vườn cam bỏ hoang. Sáng dậy, cả đám thấy cam lủng lẳng trên cành thì nghĩ “cam đầy vườn, tội tình gì mình phải uống nước?”. Thế là mọi người đều lấy ống tre (5 lít) trút hết nước ra, hí hửng vắt nước cam vào” - ông kể.

Ngày hôm sau nước cam trong ống vẫn còn đầy mà cơn khát mỗi lúc một dâng lên. “Càng uống chúng tôi càng khát” - ông kể. Cơn khát tột độ khiến mọi người “mừng như bắt được vàng” khi thấy một vũng nước...trâu tắm trên đường, ai nấy lao đến vốc nước uống lấy uống để” - ông Đạt cười vang khi nhớ lại.

Và cũng từ câu chuyện đó ông mới thấm thía giá trị của nước ngọt. Chính vì vậy khi đã trở thành giám đốc Công ty Tàu cuốc II, ông Đạt luôn trăn trở, nỗ lực đem nguồn nước sạch đến cho người dân. Trong một chuyến công tác tại Pháp, nhận được lời mời hỗ trợ từ Hội nhân đạo Âu - Á (FEA), ông Đạt đồng ý tham gia với vị trí cố vấn kỹ thuật, làm cầu nối giữa hội với những dự án cộng đồng tại VN. Từ đó, những khoản tài trợ, các dự án đưa nước sạch đến cộng đồng lần lượt được thực hiện từ Hà Tĩnh, xã Pú Nhung (Lai Châu) đến trại phong Chí Linh (Hải Dương), trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An)...

“Xót xa lắm. Có nơi cả làng không có giọt nước sạch để dùng. Tôi quay về Bộ Thủy lợi tìm hiểu tư liệu thì biết tại đây có nước ngầm nên đề nghị làm thử. Kinh phí xin hỗ trợ từ bên ngoài, việc khoan đào thì đội ngũ kỹ sư “cây nhà lá vườn” đảm nhiệm để tiết kiệm tiền... Vậy mà có nơi 23 năm sau quay lại, nguồn nước vẫn cung cấp đủ cho dân, hình ảnh đó khiến tôi nghẹn ngào” - ông nói.

Gần đây nhất, ông quyết định dồn sức vào việc mang nước sạch đến khu vực Long An. 83 tuổi, mắt mờ, tay run và bị đau thần kinh tọa “ngồi vi tính chút xíu là đã toát mồ hôi hột” nhưng ông vẫn tỉ mẩn dò tìm, nhẩm tính từng thông tin liên quan đến các khu vực thiếu nước, sau đó đích thân đi tìm hiểu thực tế để về thiết kế, đề xuất dự án, xin tài trợ... Những cây nước sạch ở xã Long Thuận, xã Long Thạnh (Long An)... lần lượt xuất hiện mang đến niềm vui cho người dân trong khu vực cũng chính là niềm hạnh phúc hiện tại của ông.

Đến phòng ông những ngày này thấy bộn bề là tư liệu, hợp đồng tài trợ với các tổ chức, công ty như LIN, Unilever... “Ông ấy 83 tuổi mà làm việc rất chuyên nghiệp và nhanh nhạy” - cô Huệ Lan, người cộng tác với ông Đạt suốt 16 năm qua về các dự án cộng đồng, cười nói.

Còn với ông Lê Duy Phương (thành viên ban tổ chức cuộc thi Đại sứ nước 2014): “Ông Đạt dùng email, vi tính... thuần thục hệt như một thanh niên, điều đó khiến chúng tôi rất bất ngờ và nể phục. Tôi tin ông Đạt với những câu chuyện của chính ông sẽ trở thành động lực cho giới trẻ noi theo, xây dựng một lối sống đẹp cho bản thân, cộng đồng lẫn môi trường”.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên