25/03/2016 07:41 GMT+7

Đài Loan làm tăng căng thẳng Biển Đông

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Khả năng Philippines thắng vụ kiện chống lại Trung Quốc về vấn đề tuyên bố “đường chín đoạn” đang đẩy Đài Loan làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông.

Binh sĩ Đài Loan kéo nước từ giếng trên đảo Ba Bình ngày 23-3, trước sự chứng kiến của đoàn nhà báo quốc tế với mong muốn chứng tỏ đây là “đảo có người sinh sống được” - Ảnh: Reuters
Binh sĩ Đài Loan kéo nước từ giếng trên đảo Ba Bình ngày 23-3, trước sự chứng kiến của đoàn nhà báo quốc tế với mong muốn chứng tỏ đây là “đảo có người sinh sống được” - Ảnh: Reuters

“Đài Loan cần phải thận trọng tại Biển Đông. Họ không muốn bị xem là đại diện của Trung Quốc, họ cũng không muốn xa cách với Mỹ hay chọc giận các nước Đông Nam Á - những đối tác mà họ muốn giao thương

Ông IAN STOREY (nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore)

Chuyến thăm của đoàn nhà báo quốc tế ra đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) ngày 23-3 chỉ là một trong những động thái gây căng thẳng gần đây của chính quyền vùng lãnh thổ Đài Loan. Nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu hồi tháng 1-2016 cũng từng bất chấp sự phản đối của quốc tế, trong đó có Việt Nam, để ra thăm đảo Ba Bình.

Tạp chí Forbes của Mỹ nhận định sự cấp tập trong hành động này cho thấy Đài Loan đang lo lắng một kết cục pháp lý bất lợi cho họ trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài thường trực quốc tế The Hague (PCA).

“Cái tát cho cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc”

PCA chấp nhận thụ lý đơn kiện của Philippines chống lại yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc hồi tháng 10-2015. Tòa dự kiến sẽ đưa ra phán quyết liệu các bãi đá mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông có được công nhận là “đảo” theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) hay không.

Đây là một điểm rất quan trọng vì Bắc Kinh không có quyền đòi hỏi chủ quyền lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế... nếu bãi đá chỉ là... bãi đá, đó là chưa kể tình trạng chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc.

Ba Bình - thực thể tự nhiên lớn nhất (dài 1.400m và rộng 400m) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Đài Loan đang chiếm giữ trái phép - dự kiến cũng sẽ nằm trong khuôn khổ phán quyết của PCA.

“Dù họ (Trung Quốc và Đài Loan) không bắt tay với nhau theo bất cứ hình thức nào, nhưng nếu tòa ra phán quyết Ba Bình chỉ là một “bãi đá” thì đây sẽ là cái tát cho cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc” - ông Alan Romberg, giám đốc chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Stimson của Mỹ, nhận xét.

Bình luận trên tờ Financial Times, nhà nghiên cứu Biển Đông Jonathan Spangler cho rằng cuộc chiến xung quanh cách gọi đảo Ba Bình có nhiều hệ lụy rộng hơn so với nếu chỉ nhìn bề ngoài.

Trong kịch bản ngược lại, ông Spangler cảnh báo nếu Ba Bình được công nhận là đảo trong khi không có thực thể nào Trung Quốc đang kiểm soát được công nhận theo luật quốc tế thì “điểm nóng tranh chấp có thể sẽ dời từ Biển Đông về eo biển Đài Loan”.

Cả Trung Quốc lẫn Đài Loan có lẽ đều hiểu nguy cơ “mất mặt” trước ngày PCA đưa ra phán quyết trong vụ kiện của Philippines (dự kiến tháng 5-2016) nên cả hai đều chọn cách phản ứng riêng.

Hôm 13-3, Trung Quốc tuyên bố sẽ lập một “trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế” với mục đích sâu xa là bảo vệ chủ quyền và các quyền hàng hải mà họ tự nhận là của mình. Trong khi đó, lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu, với chưa đầy hai tháng còn lại ngồi trong văn phòng, phải tức tốc mời nhà báo đến Ba Bình tham quan “tình hình cuộc sống”.

“Đi dây” giữa Trung Quốc và Mỹ

Viết trên Forbes, nhà phân tích Ralph Jennings nhận định PCA có thể dễ dàng đưa ra một phán quyết có lợi cho Manila. Do Đài Loan không phải là một thành viên Liên Hiệp Quốc (Trung Quốc phản đối) nên vùng lãnh thổ này không có quyền đưa ra một tiếng nói chính thức nào về vụ kiện PCA đang thụ lý.

Với những sự kiện gần đây, ông Mã Anh Cửu có vẻ đang cố tỏ ra cứng rắn trong yêu sách chủ quyền ở Biển Đông dù những hành động này có thể khiến Mỹ không hài lòng và gây căng thẳng với các nước khu vực Đông Nam Á.

Chuyến thăm của ông Mã Anh Cửu hồi tháng 1-2016 đến Ba Bình từng vấp phải sự phản đối tức thời từ đồng minh chủ chốt là Mỹ. Washington chỉ trích hành động của ông Mã là vô ích, đồng thời kêu gọi các bên liên quan đến tranh chấp Biển Đông nên “giảm căng thẳng thay vì có những hành động ngược lại”.

Ông Ian Storey, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nhận xét một trong những điểm nực cười trong lập trường của Đài Loan về Ba Bình đó là họ lại ủng hộ các nỗ lực bành trướng của Trung Quốc trong vùng biển này.

Sau sự kiện Đài Loan đưa đoàn nhà báo ra đảo Ba Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bình luận rằng Trung Quốc và Đài Loan có chung nghĩa vụ “giữ gìn tài sản tổ tiên của dân tộc Trung Hoa”, đồng thời “hứa” sẽ tạo điều kiện cho nhà báo ra thăm các đảo Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở Trường Sa “khi điều kiện chín muồi”!

Việt Nam phản đối Đài Loan đưa trái phép nhà báo ra đảo Ba Bình

Ngày 24-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam phản đối việc Đài Loan đưa một nhóm 20 phóng viên quốc tế ra đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam một ngày trước đó.

Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh việc phía Đài Loan bất chấp những quan ngại và phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, đưa phóng viên ra đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm leo thang căng thẳng, không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như quan hệ hai bên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mọi hoạt động của nước ngoài tiến hành ở hai khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.

QUỲNH TRUNG

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên