Tại hội nghị triển khai công tác tuyển sinh năm 2024 tại Hòa Lạc do Đại học Quốc gia tổ chức ngày 12-3, ông Nguyễn Anh Tuấn - trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết về phương thức tuyển sinh năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ đổi mới tuyển sinh, tăng cường năng lực tổ chức quản lý đào tạo theo mô hình quản trị đại học tiên tiến.
Việc này nhằm thu hút được nhiều thí sinh giỏi, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường hội nhập quốc tế, mở rộng quy mô tuyển sinh tại Hòa Lạc.
Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục tổ chức thi đánh giá năng lực và dành tối đa chỉ tiêu cho phương thức này.
Đồng thời tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cùng một số phương thức khác như xét tuyển dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với điểm thi tốt nghiệp
Ông Phạm Như Hải - phó hiệu trưởng Trường đại học Y Dược - đề xuất với đặc thù là đơn vị có thời gian đào tạo kéo dài, đòi hỏi tuyển được thí sinh có chất lượng đầu vào cao, Trường đại học Y Dược mong muốn triển khai thí điểm hình thức phỏng vấn sau khi các thí sinh đã trúng tuyển vào trường bằng bài thi đánh giá năng lực hay bài thi tốt nghiệp THPT.
Ông Chử Đức Trình - hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ - nhận định thực tiễn cho thấy chất lượng sinh viên tốt nghiệp chưa cao, phần lớn sinh viên chưa đủ năng lực nghề nghiệp. Vì vậy, cần tập trung vào những phương thức tuyển sinh ổn định và bền vững để tuyển được thí sinh có chất lượng đầu vào tốt.
Ông Trình ủng hộ phương thức thi đánh giá năng lực của Trung tâm Khảo thí, đồng thời đề xuất trong điều kiện nhất định có thể dành 100% chỉ tiêu cho phương thức này.
Bà Đặng Thị Thu Hương - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - đề nghị sớm phân bổ chỉ tiêu về các đơn vị đào tạo, cũng như phê duyệt các phương thức tuyển sinh mới, giao nhiệm vụ mở mới các ngành đào tạo.
Đồng thời Trường đại học Ngoại ngữ cần nghiên cứu xây dựng bài thi VNU test đảm bảo chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra cho tất cả các bậc học từ đại học tới tiến sĩ.
Ông Phạm Xuân Long - hiệu trưởng Trường đại học Ngoại ngữ - cho rằng việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ Vstep để xét tuyển mang tính khả thi cao, bởi lẽ bài thi này đã được thực hiện trên máy tính, do Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề.
Việc tổ chức kỳ thi VNU test làm căn cứ tuyển sinh sau đại học cũng cần tiến hành sớm để tạo điều kiện cho thí sinh tham gia xét tuyển.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng các đơn vị có chương trình đào tạo khó tuyển như các ngành khoa học cơ bản thì năm qua đã dần nâng cao chất lượng, điểm chuẩn tăng so với các năm trước.
Ông Hải yêu cầu các đơn vị đào tạo chủ động đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh do vậy cần tuyển đúng, tuyển đủ trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế tại đơn vị.
Về việc giao chỉ tiêu tuyển sinh tới đây, ông Hải đề nghị ban đào tạo căn cứ vào số liệu sinh viên tốt nghiệp đúng hạn để quyết định phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển tăng hơn 3.000 chỉ tiêu
Năm nay Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển sinh gần 18.000 chỉ tiêu bậc đại học (tăng hơn 3.000 chỉ tiêu so với năm ngoái) và hơn 3.000 chỉ tiêu bậc sau đại học.
Về phương án tuyển sinh, đảm bảo tỉ lệ đào tạo sau đại học so với đại học theo nghị quyết của Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thực hiện nguyên tắc ưu tiên các chương trình đào tạo mới mở phù hợp định hướng phát triển các ngành kỹ thuật - công nghệ, nghệ thuật và đổi mới sáng tạo, các chương trình đào tạo đã được kiểm định và đổi mới đào tạo.
Ngoài ra Đại học Quốc gia Hà Nội ưu tiên các chương trình đào tạo của những đơn vị chuyển đổi cơ chế, quản lý và các chương trình đào tạo thu học phí theo định mức kinh tế - kỹ thuật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận