20/02/2019 12:29 GMT+7

Đại đồn Chí Hòa - kỳ 1: Trận chiến không thể quên

TRẦN NHẬT VY
TRẦN NHẬT VY

TTO - 158 năm trước, sáng sớm 24-2-1861, tướng Charner, chỉ huy liên quân Pháp - Tây Ban Nha tại Sài Gòn, đã phát lệnh tấn công đại đồn Chí Hòa. Thế nhưng sử ta viết rất ít về trận chiến này và Chí Hòa nằm ở đâu nhiều người Sài Gòn cũng không biết.

Đại đồn Chí Hòa - kỳ 1: Trận chiến không thể quên - Ảnh 1.

Bản đồ tấn công đaại đồn Chí Hòa của quân Pháp

Sau ba giờ tấn công, đồn Tiền thất thủ. Liên quân Pháp - Tây Ban Nha nã đại bác vào đại đồn và tấn công vào mặt chánh của đồn

Trận chiến diễn ra trong hai ngày 24 và 25-2-1861. Quân ta bại trận, gần 10.000 người chết và bị thương, chưa kể khí tài, tiền của và mất mát vô cùng lớn lao: gần 100 năm làm thuộc địa. Thế nhưng sử ta viết rất ít về trận chiến này.

Điều kỳ lạ hơn là Chí Hòa nằm trong lòng hay ven Sài Gòn, người Sài Gòn hôm nay hoàn toàn không biết chính xác! Nhiều tài liệu, bài viết về vị trí của địa danh này đều chưa chính xác!

Cứ điểm quân sự 10.000 quân

Tháng 10-1860, tướng Nguyễn Tri Phương được triều đình Huế cử vào Gia Định nắm quyền chỉ huy ở Nam Kỳ với quyết tâm đuổi kẻ thù ra khỏi đất nước.

Để chống lại liên quân Pháp - Tây Ban Nha đang chiếm cứ Sài Gòn từ đầu năm 1859, Nguyễn Tri Phương mở rộng đồn Chí Hòa thành một cứ điểm quân sự lớn với 10.000 quân chánh quy và hơn 20.000 quân nghĩa dõng, lính đồn điền gọi "đại đồn Chí Hòa".

Từ giữa năm 1860, liên quân Pháp - Tây Ban Nha cũng hình thành một phòng tuyến đối diện với quân ta chạy dài từ Sài Gòn vô Chợ Lớn; gọi là "phòng tuyến các chùa".

Bắt đầu là chùa Khải Tường (Pháp gọi là chùa Barbet, nay là khu vực Trường Lê Quý Đôn, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh), rồi chùa Ao (nay là khu vực Bộ Công an phía Nam), chùa Chuông (chùa Clochetons, khu vực plaza Hùng Vương và Trường Hùng Vương, quận 5) và cuối cùng là chùa Cây Mai (sau gọi là đồn Cây Mai).

Phòng tuyến này nhằm ngăn chặn quân ta từ phía ngoài xâm nhập hoặc tấn công ồ ạt vào nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn; đồng thời bảo vệ con đường xuất khẩu gạo của họ qua cảng Sài Gòn để lấy tiền nuôi chiến tranh.

Người trực tiếp tham gia cuộc chiến và chứng kiến đã ghi "Bảy mươi tàu và 100 ghe thuyền chuyên chở trong vòng bốn tháng 60.000 tấn gạo cho Hong Kong và Singapore, đem đến một số lời khổng lồ cho ta" (Léopold Pallu, Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861, NXB Phương Đông 2008, trang 45, Hoang Phong dịch).

Trên phòng tuyến các chùa, Pháp cũng bố trí "3 ổ súng cối 80 li và hai dàn hỏa tiễn tấn công 125 li" (chùa Barbet), "4 khẩu đại bác của hải quân 30 li nòng có khía" (chùa Clochetons, tức chùa Chuông hay chùa Kiểng Phước), "một khẩu 30 nòng có khía và một ổ súng cối 80" (chùa Cây Mai - Pallu, sđd, trang 65).

Đại đồn Chí Hòa - kỳ 1: Trận chiến không thể quên - Ảnh 3.

Tướng Charner, người tấn công đại đồn Chí Hòa

Thám thính và tấn công

Đầu tháng 2-1861, từ Trung Quốc tới Sài Gòn, tướng Charner, người được Pháp giao toàn quyền giải quyết việc ở châu Á, đã lập tức đi thám thính, dò xét địa thế của đại đồn Chí Hòa. Charner sử dụng nhiều quân thám báo người Việt, Hoa.

Đồng thời sử dụng một phương tiện "hiện đại" thời bấy giờ là khinh khí cầu để nắm được bao quát hình thể đại đồn cũng như những vùng xung quanh đồn mà quân ta không hề hay biết.

"Sau khi quan sát và thấy rằng với phương tiện hết sức dồi dào của đạo quân viễn chinh hiện nay, Charner có thể đánh bọc hậu bất ngờ quân An Nam trong khi họ đang bận lo phòng thủ trước mặt và hai bên cánh" (L.Pallu, sđd, trang 53).

Sáng sớm 24-2, Charner ra lệnh tấn công. Sau nhiều loạt đại bác từ đồn Cây Mai, chùa Barbet, chùa Kiểng Phước là những nơi đặt đại bác hạng nặng, Charner xua quân tấn công đồn Tiền (Redoute hay đồn Mồ Côi) nằm án ngữ trước mặt đồn Cây Mai.

Sau ba giờ tấn công, đồn Tiền thất thủ. Liên quân Pháp - Tây Ban Nha nã đại bác vào đại đồn và tấn công mặt chánh của đồn.

Tối hôm đó, do đã nắm được các vùng đất xung quanh đồn, Charner cho một đạo binh kéo theo đại bác từ đồn Cây Mai đi vòng qua các làng Tân Thới, Bình Hưng lên Tân Sơn Nhì và đóng quân tại một vùng đất nay gọi là Gò Cát thuộc huyện Bình Tân.

Sáng hôm sau, từ Gò Cát (khu vực nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa) quân Pháp kéo xuống Bà Quẹo và tấn công vào hậu đồn, trong khi đại bác vẫn cứ nã vào mặt tiền đồn.

L.Pallu mô tả đồn Hậu: "Mặt hậu tuyến của thành Chí Hòa có xây ụ phòng thủ nhô ra ở hai góc. Mặt hậu tuyến là một thành hẳn hoi, xây kín gọi là thành Giữa, dùng làm cổng sau cho cả doanh trại Chí Hòa; thành Giữa nằm trên đường ranh hậu tuyến.

Hai ụ phòng thủ hai bên và thành Giữa bảo vệ lẫn nhau. Tầm súng của địch trong thành có thể quét quân tấn công khi đến gần vùng ven biên, nơi mà quân ta phải xông vào, vùng ven biên được bảo vệ bằng hầm chông, hào và bàn chông trong khoảng rộng một trăm thước kể từ chân tường thành" (sđd, trang 90).

Đại đồn Chí Hòa - kỳ 1: Trận chiến không thể quên - Ảnh 4.

Quân Pháp dàn trận tấn công đại đồn Chí Hòa

Thất trận

Liên quân dùng chiến thuật tiền pháo hậu xung, dù ít người nhưng vũ khí hiện đại hơn, khi đánh cận chiến thì súng dài lại có gắn lê trên đầu súng. Pháo thì phá vách thành và làm cho lính Việt hết hồn; thang dùng lướt qua các hầm chông; trái nổ (lựu đạn) vẹt các đám tre gai trồng bên ngoài đồn...

Dù "Quân An Nam có lợi thế hơn vì mặt trời chiếu thẳng vào mắt quân Pháp nhưng liên quân đã chiến thắng. Tất nhiên thiệt hại của liên quân không nhỏ với "300 người bị loại khỏi vòng chiến, 12 bị giết tại trận, nhiều người bị thương không cứu được" (sđd, trang 95).

Riêng trung úy hải quân Jouhaneau Laregnère (còn được biết với tên Etienne Laregnière) tử trận.

Người ta đã chôn binh lính trong một cái hố nằm giữa đồn Tả Hậu và tường thành của đồn Hữu, và chôn ông Laregnère ở nơi ông đã ngã xuống" (Hội Nghiên cứu Đông Dương, Chuyên khảo về tỉnh Gia Định, NXB Trẻ 2017).

Về phía quân ta thì tán lý Nguyễn Duy chết trận, tướng Nguyễn Tri Phương bị thương nơi tay và quân lính thì bị thương và chết vô số. Cho tới nay, chưa có tổng kết nào về thương vong của ta trong trận đại đồn Chí Hòa.

1.000 hay 10.000?

Ta nói mất khoảng 1.000 người, còn Pháp thì nói ta mất 10.000 người! Song phải thừa nhận rằng thương vong của trận chiến này không nhỏ và chúng ta đã thua không phải vì ý chí mà chính vì chúng ta chưa (hay không biết) thế giới đã tiến rất xa trong việc phát triển vũ khí.

Chính điều đó đã khiến đại đồn Chí Hòa thất thủ.

Còn quân Pháp tràn vào đồn thì "quân An Nam người nào chạy không kịp đều bị giết sạch; trận chiến chấm dứt bằng một cảnh thảm sát cuối cùng" (sđd, trang 95)

_________________________

Kỳ tới: Làng Chí Hòa ở đâu


TRẦN NHẬT VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên