22/12/2012 07:30 GMT+7

Đại dịch SARS và những chiến binh quả cảm

LAN ANH
LAN ANH

TT - Sau 10 năm, ông Nguyễn Hữu Hùng và những bệnh nhân SARS năm xưa gặp lại các bác sĩ. Họ cùng có một ký ức không bao giờ quên về đại dịch SARS.

Tưởng niệm 10 năm người phát hiện bệnh SARS qua đờiVirút cúm H7N9 nguy hiểm hơn H5N1Ăn thịt gà có bị cúm gia cầm?

DeVbOHhP.jpgPhóng to
Tommaso (trái, con trai cả của bác sĩ Carlo) nhận những bức ảnh chụp bác sĩ Carlo tại lễ mừng năm mới 2003 ở ĐH Y tế công cộng từ tay hiệu trưởng ĐH Y tế công cộng Lê Vũ Anh - Ảnh: Việt Dũng

Không quên vì họ cùng có một cảm giác tiếc thương và nể trọng người đầu tiên phát hiện căn bệnh quái ác này và mãi mãi ra đi vì nó...

GS.TS Lê Đăng Hà - nguyên viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới (nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) - cười vang khi gặp lại ông Nguyễn Hữu Hùng, một trong những bệnh nhân SARS nặng nhất được cứu sống, tại lễ kỷ niệm 10 năm dịch SARS tại VN và tưởng niệm bác sĩ Carlo Urbani, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN, người đầu tiên phát hiện bệnh SARS. Sự kiện đặc biệt này do Bộ Y tế, Đại sứ quán Ý và ĐH Y tế công cộng tổ chức tại Hà Nội ngày 11-4.

GS Hà vẫn nhớ vợ ông Hùng tên Vân, cả nhà ông Hùng gồm vợ chồng ông, một người chú, một cô em và một tài xế đều mắc SARS. Ông Hùng đến dự buổi lễ để nói lời cảm ơn những người đã hồi sinh cho mình: bác sĩ Minh Hà, Hồng Hà, y tá Nguyễn Thị Thục... ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, và cả một người bạn, một bác sĩ đã mất vì căn bệnh SARS: ông Carlo Urbani.

Sinh nghề tử nghiệp

Mới đó mà đã 10 năm. Những ngày tháng này của năm 2003, truyền thông thế giới liên tục cập nhật tin tức xấu về “căn bệnh kỳ lạ, chưa rõ nguyên nhân, lây từ người sang người, xuất phát từ châu Á”. Cả thế giới bối rối vì SARS hoàn toàn là một căn bệnh lạ, và sau nhiều năm an toàn, lần đầu tiên thế giới đứng trước nguy cơ đại dịch bởi SARS lây từ người sang người, virút tiềm ẩn ngay trong không khí.

Bác sĩ người Ý Carlo Urbani lúc ấy đang sống cùng vợ và ba con, hai trai và một gái, ở Hà Nội. Ông là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của WHO tại Hà Nội. Ông Carlo đã ở VN ba năm, trước đó ông đã làm việc cho Tổ chức Thầy thuốc không biên giới tại Campuchia, và trước đó nữa là ở Tây Phi. Năm 1999, ông Carlo đã tham gia đại diện Tổ chức Thầy thuốc không biên giới nhận giải Nobel hòa bình trao tặng cho tổ chức này. Ngay sau đó ông đến VN sau khi từ chối cơ hội làm trưởng khoa tại một bệnh viện ở Ý. Vợ và ba con ông, vốn đã quen với những chuyến di chuyển cả gia đình theo người chồng đã nguyện “cống hiến cho công việc, trao gửi những nụ cười và hơn hết là biết ơn cuộc đời”, rất hào hứng đến VN. Ông Carlo rất vui vì hai con trai biết chia sẻ với bạn nhỏ VN trong xóm và con gái chỉ thích nói tiếng Việt.

Bệnh SARS

* Xuất hiện tại VN lần đầu tiên ngày 22-2-2003

* 26-2-2003: Bệnh nhân đầu tiên vào viện

* 4-3-2003: 6 nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh

* 9-3: WHO tại VN họp cùng Bộ Y tế để cảnh báo về sự nguy hiểm của dịch bệnh. Chính phủ VN sau đó đã áp dụng hệ thống kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc. Cùng lúc đó WHO đưa ra cảnh báo toàn cầu về SARS.

* 8-4-2003: Bệnh nhân SARS cuối cùng được ghi nhận tại VN

* 28-4-2003: VN là quốc gia đầu tiên trên thế giới được WHO công nhận khống chế thành công dịch SARS. Tổng cộng đã có 63 người nhiễm SARS ở VN, 37/63 người nhiễm bệnh là nhân viên y tế. Trong đó có năm người tử vong (chưa kể ba người mắc bệnh tại VN nhưng tử vong ở nước ngoài). Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, toàn bộ bệnh nhân điều trị tại đây đều khỏi bệnh và không lây nhiễm ra cộng đồng, cán bộ y tế.

Ngày 22-2-2003, bệnh nhân SARS đầu tiên xuất hiện ở VN. Đó là một doanh nhân người Mỹ gốc Á, trước khi đến Hà Nội đã qua Hong Kong và nhiễm SARS tại đó. Ngày 26-2, doanh nhân này vào Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội). Hai ngày sau, Bệnh viện Việt Pháp đã liên hệ với WHO và ông Carlo được yêu cầu xem xét trường hợp kỳ lạ này. Ngay lúc đó, ông đã nhận ra sự nguy hiểm của bệnh dịch, ông đã đối mặt với sức ép khi đề nghị các chính phủ phải công khai căn bệnh lây nhiễm nguy hiểm này.

Bản thân ông Carlo đã không quản ngại khi trực tiếp vào bệnh viện, thu bệnh phẩm và gửi đi xét nghiệm bằng con đường ngắn nhất. Ngày 4-3-2003, đã có thêm sáu nhân viên Bệnh viện Việt Pháp nhiễm bệnh. Đến ngày 9-3, cùng lúc với VN áp dụng hệ thống kiểm soát dịch, WHO đã đưa cảnh báo toàn cầu về sự nguy hiểm của SARS.

10 năm qua đi, nhưng GS Lê Đăng Hà vẫn nhớ như in những ngày ấy. Ông nói: “Cái giỏi của ông Carlo là tầm nhìn xa. Ngay khi có bệnh nhân đầu tiên, ông đã thảo luận cùng chúng tôi đây là căn bệnh gì. Và ông ấy đã kết luận đây là căn bệnh lạ vì các bệnh cùng có biểu hiện ho, sốt... nhưng phải sau hàng tuần sốt thì viêm phổi mới tiến triển đến mức trắng cả hai phổi, còn SARS thì ngược lại, phổi trắng xóa ngay sau 1-2 ngày phát bệnh...”.

Trong bài phát biểu tại lễ tưởng nhớ bác sĩ Carlo tổ chức tại Hà Nội hôm 11-4, ông Nguyễn Hữu Hùng đã nói một đoạn tiếng Ý riêng với con trai ông Carlo, anh Tommaso Urbani. Đại ý “cái chết của bố cháu như sự hi sinh của một người bạn cho một người bạn”. Ông Hùng là Việt kiều Ý đã trở về VN năm 1995. Những năm 2000, ông quen bác sĩ Carlo. Cộng đồng người Ý ở Hà Nội rất ít ỏi, và Việt kiều Ý ở Hà Nội càng ít hơn nữa. Họ rất quý nhau.

Ngày 14-3-2003, khi người chú ruột của ông Hùng, ông Nguyễn Hữu Bôi, cũng là một bác sĩ đã trở về VN sau hơn 50 năm định cư tại Pháp, bị nhiễm SARS (mà lúc đó chưa ai biết là bệnh gì), ông Hùng đã gọi điện cho ông Carlo, lúc đó đang ở sân bay chuẩn bị đi Thái Lan. Carlo lo ngại nói hãy cẩn thận vì đây là căn bệnh rất lạ, ông sẽ nói nhiều hơn khi quay về Hà Nội. Không ngờ đó là lần cuối cùng họ được nói chuyện bởi ông Carlo đã mất vì SARS ngày 29-3-2003 tại Thái Lan.

Còn ông Hùng thì trải qua hơn một tháng điều trị tại bệnh viện, và một năm kiên trì tập luyện mà vẫn còn âm ỉ di chứng của SARS. 10 năm sau, điều mà ông nhớ nhất là những người đã giúp ông hồi sinh: bác sĩ Minh Hà, Hồng Hà, y tá Nguyễn Thị Thục...

“Họ chỉ được trang bị khẩu trang ngoại khoa bình thường, không có đủ trang bị bảo hộ, họ hầu như không ngủ, mỗi bữa ăn của tôi kéo dài hàng giờ mà họ vẫn kiên nhẫn bón từng thìa và liên tục động viên tôi” - ông Hùng nhớ lại. Khi ông được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng hoảng loạn, chuẩn bị phải mở nội khí quản để cho thở máy thì các bác sĩ đã quyết định cho ông thở máy không xâm nhập. Đó là quyết định sáng suốt khi có đến 5/6 bệnh nhân SARS mở nội khí quản đã qua đời, người còn sống thì di chứng đến tận ngày nay.

Truyền lửa

10 năm đã qua đi. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Minh Hà và những đồng nghiệp ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, những chiến binh chống SARS năm xưa nay đã dày dạn hơn vì họ đã gặp thêm dịch cúm H5N1, đại dịch cúm H1N1 và nay là những thông tin về dịch cúm H7N9 trên người. Bác sĩ Hồng Hà kể Ngày thầy thuốc VN 27-2 nào, ông Nguyễn Hữu Hùng và những bệnh nhân SARS năm xưa cũng đến thăm các bác sĩ. Mối quan hệ giữa họ đã vượt lên trên mối quan hệ thông thường, họ đã trở thành bạn bè, thành tri kỷ. Giữa họ có một ký ức không bao giờ quên là đại dịch SARS, là những ngày sống bên bờ vực cái chết nhưng rất may là được hồi sinh.

10 năm nay, cứ đều đặn hai năm một lần, anh Tommaso Urbani trở lại VN. Anh luôn coi đây là nhà và luôn cảm thấy thoải mái khi trở lại mảnh đất này. Chàng thanh niên 17 tuổi ngày ấy giờ đã 27 tuổi, làm nghề phiên dịch. Tommaso nói rằng người ta gọi cha anh là anh hùng, nhưng anh không đồng ý. Cha anh chỉ là một thầy thuốc và đã làm đúng chức trách của mình, ở nơi mà người ta cần ông nhất. “Nếu có thể quay ngược lại thời gian, tôi chắc cha tôi vẫn làm như đã từng làm năm 2003” - Tommaso nói.

Sau khi ông Carlo qua đời, Chính phủ Ý đã thành lập Quỹ Carlo Urbani. Tại VN, dự án Carlo Urbani đã hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3 đặt tại ĐH Y dược Huế và sau đó là khoa hô hấp tại Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế. Nhưng điều lớn lao hơn cả là ngọn lửa ông truyền lại cho các bạn sinh viên y khoa, như băn khoăn của sinh viên y năm nhất Đinh Thị Thu Trang: “Vì sao bạn chọn ngành y? Chưa bao giờ tôi có câu trả lời rõ ràng. Nhưng ông Carlo có thể, ông ấy chọn vì ở đây ông có tất cả”.

Yjbgmubn.jpgPhóng to
Bác sĩ Carlo và những hồi ức về ông vẫn được nhớ mãi - Ảnh: Việt Dũng

Hết lòng vì người nghèo

Bác sĩ Carlo Urbani sinh ngày 19-10-1956 tại Ancona, Ý. Ông nguyên là chuyên gia dịch tễ và bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới tại Hà Nội, là người đầu tiên trên thế giới xác định hội chứng SARS vào ngày 28-2-2003 và qua đời bởi chính căn bệnh này ngày 29-3-2003.

Trước khi đến VN, ông là chuyên viên của Tổ chức Thầy thuốc không biên giới và đã dự lễ nhận giải Nobel hòa bình năm 1999 cho tổ chức này. Ngay từ khi còn trẻ, ông Carlo đã mong mỏi được giúp đỡ người nghèo và đã nỗ lực hết sức mình để hỗ trợ người nghèo ở Tây Phi, Đông Nam Á...

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên