13/11/2016 15:19 GMT+7

Đại cử tri Mỹ có thể từ chối ông Trump?

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TTO - 538 đại cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu kín chính thức bầu Tổng thống vào ngày 19-12 tới. Liệu họ có thể thay đổi quyết định của mình?

Người biểu tình chống ông Donald Trump  đối mặt cảnh sát ở TP Los Angeles tối 12-11 - Ảnh: Reuters

Theo luật của Mỹ, các đại cử tri của Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu Tổng thống vào ngày 19-12 tới. Quyết định của đại cử tri mới chính thức “đóng dấu” cho sự đăng quang của Tổng thống mới vào ngày 20-1 năm sau.

Trong Ngày bầu cử 8-11 vừa qua, cử tri Mỹ tuy được đánh dấu chọn tên cụ thể ứng cử viên Tổng thống mình mong muốn nhưng thực chất chỉ là bầu gián tiếp. Phiếu của các cử tri được gọi là “phiếu phổ thông”.

Quyền bầu cử trực tiếp tổng thống nằm trong tay Cử tri đoàn (Electoral college). Cả nước Mỹ hiện có 538 đại cử tri. Ứng cử viên nào giành được đa số phiếu đại cử tri (270 phiếu trở lên) sẽ đắc cử Tổng thống.

Lá phiếu đại cử tri mới quan trọng

Số đại cử tri đúng bằng số nghị sĩ có trong Quốc hội Liên bang, gồm 100 Thượng nghị sĩ (mỗi bang 2 Thượng nghị sĩ) và 435 Hạ nghị sĩ. Ngoài ra, thủ đô Washington D.C tuy không có nghị sĩ nào đại diện trong Quốc hội nhưng có ba phiếu đại cử tri đại diện, đưa con số đại cử tri của toàn nước Mỹ lên thành 538.

Trong Quốc hội Mỹ, mỗi bang có hai thượng nghị sĩ và số lượng hạ nghị sĩ tỉ lệ thuận với dân số của mỗi bang. Vì vậy số đại cử tri của từng bang rất khác nhau.

Sau mỗi cuộc tổng điều tra dân số toàn quốc được thực hiện 10 năm một lần, số đại cử tri của các bang được xem xét phân bổ lại sao cho tương ứng với tỉ lệ dân số của mỗi bang. Ví dụ cuộc điều tra dân số năm 2010 vừa qua được dùng cho kỳ bầu cử 2012, 2016 lần này và 2020 sắp tới).

Chính vì kiểu bầu cử theo cử tri đoàn nên lần này đã xảy ra hiện tượng ứng viên Hillary Clinton thắng về số phiếu phổ thông (59,6 triệu so với 59,4 triệu, tức nhiều hơn 200.000 phiếu so với đối thủ) nhưng lại thua đậm về số phiếu đại cử tri.

Cũng vì lẽ đó mà có những cuộc biểu tình mấy ngày qua và thỉnh nguyện thư (được cho là đã lên đến hơn 3,6 triệu chữ ký) kêu gọi các đại cử tri thay đổi quyết định bỏ phiếu của mình vào giữa tháng 12 tới vì "ông Trump không đủ khả năng lãnh đạo".

Một số tờ báo Mỹ đã nêu ra khả năng “lật ngược tình thế” vào giờ chót nhưng cũng đều nhìn nhận chung là khả năng này gần như bằng… 0.

Hàng trăm người biểu tình chống ông Donald Trump làm Tổng thống đã bị bắt vì chống đối lực lượng chức năng - Ảnh: Reuters

Ai được chọn làm đại cử tri?

Luật bầu cử Mỹ phức tạp nhưng cũng có những qui định rõ ràng. Giáo sư văn minh Mỹ Pierre Guerlain giải thích rằng theo luật hiện nay, có 23 bang yêu cầu cử tri đoàn của mình phải bầu cho người đã giành chiến thắng ở bang. Luật này được Tòa án Tối cao bỏ phiếu thông qua vào năm 1952.

Điều đó có nghĩa, ứng viên Donald Trump thắng ở bang Florida thì đảng Cộng hòa tại bang này có quyền chọn ra 29 người làm đại cử tri và những người này buộc phải bỏ phiếu cho ông Trump. Tương tự như vậy, ứng viên Hillary thắng ở bang California thì đảng Dân chủ ở bang đó được quyền chọn 55 người làm đại cử tri và những người này sẽ bỏ phiếu cho bà Hillary vào tháng 12 tới.

Những người được chọn làm “đại cử tri” thường là những người trung thành với đảng, có đóng góp cho lợi ích chung của bang và thường là những người có tiếng tăm trong xã hội. Chưa kể khi được chọn làm đại cử tri thì cũng đều có buổi tuyên thệ hứa trung thành với đảng nên hiếm khi có cử tri nào dám nuốt lời tuyên thệ này để bỏ phiếu cho ứng viên đảng đối thủ.

"Đại cử tri phản bội" rất hiếm hoi

Như vậy vẫn còn 27 bang không buộc đại cử tri phải bỏ phiếu cho người của đảng mình theo luật. Nhưng thực tế cho thấy cũng hiếm khi có trường hợp “đại cử tri phản bội” - từ dùng dành cho đại cử tri không bỏ phiếu chọn Tổng thống là người của đảng mình.

Trong lịch sử 240 năm bầu cử Tổng thống ở Mỹ chỉ có 157 “đại cử tri phản bội” nhưng 45% trong số này bị gắn mác “đại cử tri phản bội” là bởi vì đã qua đời ngay trước ngày bỏ phiếu chính thức; trong 85 trường hợp còn lại thì có 3 người không đi bỏ phiếu và 82 trường hợp bỏ phiếu cho người khác.

Còn báo New York Post làm thống kê cho thấy trong lịch sử bầu cử Mỹ, hơn 99% đại cử tri đã hoàn thành đúng nghĩa vụ là bỏ phiếu cho người của đảng mình.

Còn theo báo Washington Post thì dù trong trường hợp đại cử tri có giận người của đảng mình thì cũng hiếm khi bỏ phiếu cho đối thủ. Hoặc họ sẽ bỏ phiếu trắng, hoặc sẽ bỏ phiếu cho thành viên khác của đảng mình, ví dụ cho phó Tổng thống hoặc nữa thì cũng là cho một nhân vật không đảng phái.

Từng một lần đại cử tri đã gây chút sóng gió trong bầu cử Mỹ nhưng chuyện đó xảy ra vào năm…1836. Lần đó 23 đại cử tri bang Virginia không chịu ủng hộ Phó tổng thống Richard Johnson vì ông này bị cho là chung sống với một phụ nữ da đen. Nhưng kể cả không có số phiếu đó thì Richard Johnson vẫn được bầu làm Phó tổng thống.

Một lần gần đây là kỳ bầu cử 2004. Một đại cử tri của bang Minnesota từ chối bỏ phiếu cho ông John Kerry và chuyển sang chọn John Edwards. Điều đó cũng không ngăn cản được ông Bush làm Tổng thống.

Bà Hillary Clinton đã phải thừa nhận thất bại trong buổi nói chuyện với cử tri tại New York ngày 9-11 - Ảnh: Reuters

Cơ hội cho bà Clinton gần như không có

Luật bầu cử Mỹ cũng qui định rằng sau cuộc bỏ phiếu của đại cử tri, nếu Phó tổng thống không đạt số phiếu quá bán cần thiết thì Thượng viện sẽ đứng ra chọn lựa người. Còn với trường hợp của Tổng thống thì Hạ viện sẽ quyết định.

Nhưng sau cuộc bỏ phiếu vừa qua thì hiện đảng Cộng hòa chiếm ưu thế ở cả hai viện Quốc hội của Mỹ.

Như vậy vào ngày 19-12 tới, các nhóm đại cử tri của mỗi bang sẽ đi bầu lần nữa tại thủ phủ của bang mình. Bỏ phiếu kín và số phiếu này sẽ được gom tập trung về tòa nhà Thượng viện để được kiểm đếm sau đó 15 ngày.

Vào ngày 6-1-2017, kết quả kiểm đếm phiếu đại cử tri sẽ được công bố để Tổng thống đắc cử có thể chính danh lập nội các. Vào ngày 20-1 sau đó, Tổng thống mới sẽ tuyên thệ nhậm chức và Tổng thống cũ bàn giao "chìa khóa" Nhà Trắng.

Theo số liệu đã công bố thì hiện ông Donald Trump đã có 290 phiếu đại cử tri, còn bà Hillary Clinton được 226 phiếu. Với mức chênh lệch đến 64 phiếu như thế thì các chuyên gia cho rằng chuyện lật ngược tình thế là điều không tưởng.

Cho đến nay chỉ có vài ba đại cử tri của đảng Cộng hòa đã tuyên bố trước là sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump. Các chuyên gia cho rằng trong kịch bản có thể nói là "khó tin nhất" đến lúc này là ông Donald Trump có những bước đi sai sót trước ngày 19-12 khiến các đại cử tri phải xem lại quyết định của mình...

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên