ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói như vậy trong buổi khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tại Sở Xây dựng TP.HCM về tình hình thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính giai đoạn từ tháng 7-2013 đến tháng 12-2019.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn TP còn tồn đọng gần 4.700 trường hợp có quyết định xử phạt hành chính nhưng chưa thi hành xong.
Trong đó tỉ lệ chấp hành các quyết định hành chính còn thấp. Từ năm 2013-2017 đạt trên 55%, nhưng giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2019 tỉ lệ này chỉ còn dưới 50%.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với sở Xây dựng TP.HCM sáng 26-2 - Ảnh: TIẾN LONG
Nguyên nhân theosSở này do các đối tượng vi phạm không có khả năng nộp phạt, việc tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm ảnh hưởng đến nơi ở, làm việc của đối tượng vi phạm.
Mặt khác việc cưỡng chế tháo dỡ công trình rất phức tạp, dễ gây mất an ninh trật tự nên UBND cấp huyện, xã chưa quyết liệt tổ chức cưỡng chế.
Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM Lý Thanh Long cho biết trong số gần 4.700 quyết định tồn đọng chưa thi hành, có khoảng 40% chưa đóng tiền nhưng đã cưỡng chế, 30% chưa cưỡng chế nhưng đã đóng tiền. Còn lại 30% vừa chưa thu tiền, vừa chưa cưỡng chế.
Nói về số lượng quyết định xử phạt tồn đọng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị xem xét lại cơ chế pháp luật, đặc biệt là việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Bởi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng có nguy cơ gây thiệt hại nhà nước và tác động đến tâm lý người dân rất lớn.
"Sở Xây dựng cần thẳng thắn đánh giá cơ chế xử lý vi phạm hiện đã đủ răn đe, có vụ nào chuyển sang hình sự chưa?", ông Nghĩa nói.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi khảo sát - Ảnh: TIẾN LONG
Cũng theo ông Nghĩa, thực trạng xây dựng không phép, sai phép đáng lo ngại. Báo cáo của Sở Xây dựng cho thấy số vụ vi phạm năm 2019 so với các năm trước có giảm, nhưng ông Nghĩa nhìn nhận thẳng: "Việc giảm sẽ không bền vững, bởi áp lực nhà ở hiện nay luôn có. Nếu không tiếp tục làm nghiêm, làm mạnh sẽ khó giảm bền vững".
"Vấn đề này không chỉ có một địa phương, quận huyện mà đây là vấn đề của Quốc hội, Chính phủ vì nó tồn tại nhiều địa phương. Có những việc đại biểu kiến nghị sửa luật, có những việc kiến nghị với Chính phủ, các bộ trưởng để sửa nghị định, thông tư", ông Nghĩa nói.
Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy cho rằng Sở Xây dựng phải nói ra hết nguyên nhân, khó khăn dẫn đến việc số lượng vụ vi phạm xây dựng còn nhiều, việc thi hành quyết định xử phạt khó khăn. Không nên che giấu. Bởi đây là căn cứ để các đại biểu Quốc hội có tiếng nói phát biểu tại Quốc hội nhằm xây dựng, sửa đổi, bổ sung luật mới đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng.
Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM Lý Thanh Long cho biết trong những nguyên nhân có nguyên nhân cán bộ, công chức. Hằng năm Sở Xây dựng cũng xử lý cán bộ. Như vụ việc xây dựng sai phạm ở Thủ Đức, sở đã cách chức, rút về sở. "Có những chuyện xử lý rất đau lòng nhưng phải làm vì trật tự kỷ cương", ông Long nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận