23/10/2016 11:14 GMT+7

Đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng ngân sách căng thẳng

LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH - VIỄN SỰ
LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH - VIỄN SỰ

TTO - Trước tình trạng nợ công tiến sát ngưỡng 65% GDP, thu ngân sách và vay ngày càng khó khăn, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ lo ngại khi luận bàn về các định hướng, kế hoạch chi tiêu ngân sách nhà nước trong những năm tới tại phiên họp tổ ngày 22-10.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh: Khi hết, không còn gì để bán nữa thì lấy gì mà chi tiêu?
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh: "Khi hết, không còn gì để bán nữa thì lấy gì mà chi tiêu?"

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nhận xét: “Báo cáo của Chính phủ cho thấy tình hình ngân sách rất khó khăn, chúng ta đang phải bán vốn trong doanh nghiệp nhà nước, tức là bán tài sản đi để mà ăn rồi. Mà bán cũng đang khó, đầu năm đến giờ mới bán 10.000 tỉ đồng trong tổng số 30.000 tỉ đồng dự kiến. Nghĩa vụ trả nợ thì ngày càng lớn, đảo nợ ngày càng nhiều”.

Nguồn thu chủ yếu từ dầu thô, đất, xổ số

Ông Nguyễn Tiến Sinh lo lắng rằng nếu tình trạng ngân sách vẫn cứ căng thẳng như các năm gần đây thì “khi hết, không còn gì để bán nữa thì lấy gì mà chi tiêu? Ví dụ nguồn tăng lương bây giờ lấy từ nguồn bán vốn nhà nước, vậy khi bán hết vốn rồi thì không tăng lương nữa à?”.

Cùng lo ngại, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết “việc bán vốn trong doanh nghiệp nhà nước từ đầu năm đến nay mới bán được 10.000 tỉ trong kế hoạch 30.000 tỉ đồng, vậy từ nay đến cuối năm có bán được 20.000 tỉ không, nếu cố bán bằng được thì có xảy ra tình trạng bán đổ bán tháo không? Kế hoạch sang năm bán 60.000 tỉ thì có bán được không bởi những chỗ dễ bán đã bán rồi?”.

Phân tích cơ cấu các nguồn thu chi ngân sách, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) nói: “Báo cáo cho thấy tỉ trọng thu nội địa những năm gần đây có tăng, nhưng tôi lo lắng nhất là nguồn thu không bền vững, chủ yếu vẫn phụ thuộc từ nguồn thu dầu thô, đất, xổ số kiến thiết... trong khi nguồn thu từ doanh nghiệp lại thấp. Về chi, tôi thấy rằng đụng đến cái nào cũng có vấn đề. Kết quả kiểm toán cho thấy đụng đến đơn vị nào cũng có vấn đề, chi sai chế độ”.

Ông Hiền cho rằng giai đoạn tới nếu không tăng chi đầu tư phát triển thì tăng trưởng kinh tế sẽ khó, định hướng chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 25-26% tổng chi ngân sách là vẫn còn ít, trong khi ông Hồ Đức Phớc nhận định để đạt được tỉ lệ này cũng đã rất nan giải.

Tại sao không thể nới trần nợ công?

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giải đáp: “Hiện nay trần nợ công đã sát ngưỡng 65% GDP. Có những nước trần nợ công 70-80%, thậm chí 100% GDP, mình mới có 65% thì tại sao không nới lên? Chính phủ, anh em chúng tôi cũng muốn nới trần nợ công để có cái mà tăng trưởng, nhưng chính Chính phủ cương quyết đề nghị giữ nguyên trần nợ công.

Vì sao? Trần nợ công chỉ là một chuyện, tỉ lệ trả nợ mới là quan trọng. Năm ngoái nghĩa vụ trả nợ đã chiếm khoảng 27,5% thu ngân sách, trong khi giới hạn an toàn có 25%. Nếu tỉ lệ trả nợ chỉ khoảng 15% thu ngân sách thì có thể nới trần lên được”.

Ông Hồ Đức Phớc cho biết nợ công tăng rất nhanh trong những năm gần đây, nghĩa vụ trả nợ ngày càng lớn như Phó thủ tướng đề cập, đó là lý do phải giới hạn trần nợ công.

“Năm 2017 chúng ta dự kiến vay ODA khoảng 90.000 tỉ đồng. Nợ công của chúng ta là vấn đề rất đáng chú ý, đặc biệt là vay nước ngoài. Cho nên tôi đề nghị giới hạn vay nợ nước ngoài cũng nên đóng khung lại” - ông Phớc nói.

Nhìn vào định hướng giai đoạn tới (2016-2020), Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết dự kiến bội chi ngân sách nhà nước 3,9% GDP, nhưng nếu tính cả nợ gốc nữa thì con số cao hơn nhiều.

“Tôi ngồi vẽ biểu đồ thì thấy bội chi cứ tăng lên chứ không phải giảm đi, như vậy nó sẽ đẩy trần nợ công lên. Vậy thì thế nào? Tôi nói như vay ODA không phải phấn khởi hết đâu. Vay trong nước còn đỡ vì lọt sàng xuống nia. Còn vay nước ngoài là vay ngoại tệ, lệ thuộc rất nhiều thứ.

Chúng ta phải tính toán rất kỹ chuyện nợ này. Vì vậy phải tính toán mức thu chi, bội chi cho chặt chẽ” - ông bày tỏ.

Không cứu ngân hàng và doanh nghiệp yếu kém

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định chủ trương này, cho biết: “Trước đây cổ phần hóa số lượng doanh nghiệp thì rất nhiều nhưng tổng vốn hóa thì rất thấp. Lần này xác định rõ là với loại 100% (vốn nhà nước) cần giữ thì phải giữ, rồi loại 65% và loại 50%, còn loại dưới 50% thì có thể thoái hết vốn”.

Doanh nghiệp thua lỗ sẽ được phân loại, nếu thua lỗ do khách quan, khả năng còn tái cơ cấu được thì mới tập trung tái cơ cấu. Doanh nghiệp nào thua lỗ, dự án đầu tư không có hiệu quả (như Gang thép Thái Nguyên bây giờ mà bỏ tiền vào nữa thì có mà chết) thì dứt khoát phải xử lý. Nhà nước không cứu những anh như vậy, phải rất rõ ràng.

Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ cũng đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém. Chúng ta bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xảy ra hiệu ứng domino, chúng ta sẽ cho phá sản ngân hàng yếu kém”.

Ông cho rằng làm được như vậy có tác dụng cảnh tỉnh rất nhiều. Chứ bây giờ cứ thành lập ngân hàng cổ phần, hoạt động yếu kém, rồi Nhà nước phải mua lại 0 đồng, rồi Nhà nước đứng ra lo thì ai chẳng muốn làm. “Như vậy với tổ chức ngân hàng nào còn có thể phục hồi được thì chúng ta nói là tái cơ cấu, còn với những ngân hàng không phục hồi được thì chúng ta gọi là xử lý ngân hàng yếu kém” - Phó thủ tướng khẳng định.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng rất đồng tình với biện pháp xử lý này với các ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, ông Ngân lưu ý cần tìm các ngân hàng nhỏ để “làm mẫu” trước nhằm tránh hiệu ứng domino, vì ưu tiên hàng đầu vẫn là ổn định hệ thống tín dụng.

Triệt để tiết kiệm phải là quốc sách

“Tới đây Bộ Chính trị sẽ ban hành nghị quyết về vấn đề này, nhấn mạnh triệt để tiết kiệm là quốc sách. Quan điểm là chi tiêu phải nằm trong khả năng của nền kinh tế, vay phải trong khả năng trả nợ. Phấn đấu tăng thu để tăng chi, còn nếu thu không đạt phải giảm chi tương ứng. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương về tài chính” - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Đề nghị quan trắc đáy biển Vĩnh Tân (Bình Thuận)

Đề nghị này được đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) trực tiếp đưa ra với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà tại Quốc hội.

Bà Hương cho biết đề nghị trên xuất phát từ kiến nghị của cử tri xã Cà Ná (Thuận Nam, Ninh Thuận) tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp. Đây là xã miền biển có đội tàu lớn nhất của Ninh Thuận, giáp ranh với xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), nơi đang có Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.

Theo cử tri, nhà máy này đang gây ra những tác động đến môi trường, ảnh hưởng đến người dân Bình Thuận và Ninh Thuận gần nhà máy. Cụ thể là khói từ Nhiệt điện Vĩnh Tân xả ra gây ô nhiễm không khí, có nhiều bụi đen.

Đặc biệt, theo quan sát của các ngư dân làm nghề lặn biển tại Cà Ná thì đáy biển tại khu vực vịnh Cà Ná và Vĩnh Tân đang tồn tại một lớp muội đen, không rõ là chất gì. Ngư dân rất lo lắng.

Bà Hương đề nghị Bộ Tài nguyên - môi trường cần có khảo sát đánh giá về môi trường biển tại khu vực này, giống như từng khảo sát tại biển các tỉnh miền Trung vừa qua.

LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên