03/06/2019 17:40 GMT+7

Đại biểu đề nghị sớm có luật... phê bình và tự phê bình

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Nêu ý kiến chiều 3-6 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, một đại biểu Quốc hội đã đề nghị sớm xây dựng Luật… phê bình và tự phê bình.

Đại biểu đề nghị sớm có luật... phê bình và tự phê bình - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) phát biểu tại Quốc hội chiều 3-6 - Ảnh: Quochoi.vn

Các đại biểu còn đề xuất các luật về chuyển đổi giới tính, từ chức..., tổng cộng có đến 7 đề xuất. Những ý tưởng này, khi giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định cảm ơn các đại biểu và tiếp thu đúng quy định.

Luật hở là do không lấy hết ý kiến của đối tượng dễ tổn thương

Phát biểu về chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng thời gian qua việc tổ chức lấy ý kiến xây dựng luật trong nhiều dự án luật chưa hợp lý, dẫn tới hệ quả là các bộ luật tác động rất lớn đến đời sống người dân lại không đáp ứng được nguyện vọng nhân dân, thực tiễn đời sống không được luật cụ thể hóa, quá trình áp dụng nảy sinh rất nhiều bất cập...

Ông Việt lấy ngay câu chuyện vừa xảy ra với dự thảo Luật phòng chống tác hại bia rượu làm ví dụ: có sự khác biệt trong cách hiểu cùng một nội dung, khi đưa ra thăm dò ý kiến đại biểu vẫn còn phải giải thích thuật ngữ, phải bấm nút hai lần cho một nội dung.

"Hay Bộ luật lao động sửa đổi, cũng làm khá gấp gáp, một số nội dung chưa nhận được sự đồng thuận cao của đối tượng chịu tác động", đại biểu Nguyễn Bắc Việt cho rằng lấy ý kiến về luật cũng là thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.

Từ đó, ông Việt đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật thời gian tới dự án luật về thực hiện dân chủ sơ sở. "Qua tham khảo thì rất nhiều đại biểu, cử tri đã đồng ý với ý tưởng luật này", ông Việt nói.

Đại biểu Ninh Thuận cũng đề nghị Quốc hội sớm đưa vào nghị trình một dự án luật liên quan đến công tác phê bình và tự phê bình để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ.

"Không thể trì hoãn Luật chuyển đổi giới tính"

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) thì đề nghị đưa dự thảo luật về chuyển đổi giới tính vào chương trình xây dựng luật, pháp luật thời gian tới.

"Người chuyển giới cũng có đầy đủ các quyền của con người nhưng thực tế đang bị kỳ thị, phân biệt đối xử chỉ vì họ muốn sống thật với chính mình. Nhiều người chấp nhận trả giá bằng tính mạng, danh dự của mình để đi phẫu thuật trả về giới tính thật", bà Ánh nói. 

Theo nữ đại biểu Hà Nội, thời gian qua Việt Nam đã nỗ lực rất lớn để thúc đẩy quyền của các đối tượng yếu thế này trong vấn đề công nhận giới tính, Bộ luật hình sự 2015 nêu một số nội dung liên quan tới vấn đề giới tính con người, tuy nhiên mới chỉ mang tính nguyên tắc, trong khi thực tế có nhiều phát sinh.

Do vậy để đảm bảo đầy đủ quyền lợi của những người có giới tính khác biệt, cần phải có một luật chuyên biệt, song song với việc điều chỉnh một số luật liên quan như Luật hôn nhân gia đình… Việc có một luật như vậy cũng sẽ góp phần đảm bảo nguyên tắc thực thi đầy đủ các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

Đại biểu Đại biểu 'giằng co' việc siết luật đối với người lái xe uống rượu bia

TTO - Phần lấy ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến một số nội dung tại dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia chiều 3-6 đã chứng kiến sự giằng co chưa có tiền lệ khi các ý kiến đồng ý và phản đối việc siết luật đều không quá bán.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên