14/08/2015 09:16 GMT+7

Đặc xá thể hiện truyền thống nhân ái của dân tộc

ĐÀ TRANG - LÊ KIÊN  thực hiện
ĐÀ TRANG - LÊ KIÊN thực hiện

TT - Phó thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC - chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2015 - kêu gọi cộng đồng mở rộng vòng tay giúp đỡ, động viên, xóa bỏ kỳ thị để người được đặc xá tái hòa nhập.

Phó thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC đã dành cho báo Tuổi Trẻ buổi phỏng vấn. 

* Thưa Phó thủ tướng, đặc xá lần này có gì khác so với những lần đặc xá trước đây và ý nghĩa đặc biệt của đợt đặc xá này là gì?

- Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước. Chủ tịch nước đã ban hành quyết định về đặc xá năm 2015 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2-9. Điểm đáng chú ý của đặc xá lần này là đặc xá với số lượng rất lớn.

Rút kinh nghiệm từ các đợt đặc xá trước, lần này Hội đồng tư vấn đặc xá đã chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và các tổ chức đoàn thể hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để những người được đặc xá trở về cộng đồng, tránh mọi sự phân biệt, kỳ thị đối với họ, giúp họ làm ăn, sinh sống bình thường, hòa nhập cộng đồng.

Cũng như những lần trước, đặc xá lần này tiếp tục khẳng định và thể hiện truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với người bị kết án phạt tù đã cải tạo tiến bộ, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Đồng thời qua đó khuyến khích người bị kết án đang chấp hành án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng sự khoan hồng, trở về với gia đình, cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội. 

Đặc xá còn có ý nghĩa to lớn đối với gia đình người được đặc xá khi họ được đoàn tụ, cùng nhau khắc phục khó khăn trong cuộc sống thường ngày để hướng về tương lai tươi sáng hơn.

* Một trong những lo ngại của dư luận, của phạm nhân và thân nhân của họ trong mỗi lần đặc xá là làm sao đảm bảo công bằng, đúng đối tượng, tránh tình trạng tiêu cực, “chạy” đặc xá... Với tư cách là chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2015, quan điểm của Phó thủ tướng như thế nào?

- Trong nhiều cuộc họp và các cuộc kiểm tra thực tế, tôi luôn nhấn mạnh với các thành viên Hội đồng đặc xá và các cơ quan chức năng là phải đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch, dân chủ trong quá trình thực hiện đặc xá.

Làm sao không để sót những người đủ điều kiện và cũng không để lọt những người không đủ điều kiện đặc xá. Bất cứ tổ chức, cá nhân nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật.

Yêu cầu là không để xảy ra tình trạng tiêu cực làm ảnh hưởng đến chính sách nhân đạo, nhân văn của Nhà nước ta, gây phản ứng không tốt trong dư luận cũng như tâm tư, tình cảm của những người được đặc xá, người đang chấp hành án phạt tù và thân nhân của họ.

* Có những trại giam còn cho phạm nhân bỏ phiếu kín bình bầu người đủ điều kiện đặc xá?

- Đúng vậy. Đó là một trong những cách làm thể hiện sự công khai, dân chủ. Bởi hơn ai hết, chính phạm nhân là người hiểu “bạn tù” của mình ai là người cải tạo tốt, đủ tiêu chuẩn để được đặc xá và ai là người không đủ điều kiện.

* Dự kiến lần này có khoảng 17.000 người được đặc xá là số lượng rất lớn. Đâu đó trong cộng đồng vẫn còn cảm giác bất an, lo lắng có những người được tha tù trở về sẽ tái phạm...

- Thực tế cho thấy tỉ lệ người được đặc xá tái phạm rất thấp. Sau một năm thực hiện đặc xá 2013, số người tái phạm chỉ chiếm 0,73% tổng số người được đặc xá.

Năm 2011, Chính phủ đã ban hành nghị định số 80 quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, trong đó có người được đặc xá. 

Thực hiện nghị định này, Bộ Công an đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, kể cả người được đặc xá.

Tập trung vào một số nội dung cụ thể như: hướng dẫn, chỉ đạo các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự thực hiện tốt công tác giáo dục và tư vấn cho những người được đề nghị đặc xá chuẩn bị hòa nhập cộng đồng. 

Công an các cấp nắm vững hoàn cảnh từng người được đặc xá trở về cộng đồng; gặp gỡ, động viên, quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ tránh mặc cảm, xa lánh, đồng thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể liên hệ với doanh nghiệp hỗ trợ, tạo việc làm cho người được đặc xá ổn định cuộc sống...

Ở đây, tôi nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong việc phối hợp với gia đình có người được đặc xá để giúp đỡ họ ngay từ ngày đầu trở về. 

Chung tay tạo những mái ấm

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: VIỆT DŨNG

 

* Trong quá trình kiểm tra công tác đặc xá cũng như kết quả của các lần đặc xá trước, có câu chuyện cụ thể nào của người được đặc xá gây ấn tượng với Phó thủ tướng?

- Khi đến TP Thanh Hóa, tôi rất ấn tượng và cảm động trước việc làm của các đoàn thể nơi đây. Họ đã chung tay tạo điều kiện rất tốt để người được đặc xá vay vốn, có mặt bằng tổ chức sản xuất kinh doanh.

Từ những mái ấm như vậy, không ít người ra tù trở về cộng đồng đã được nâng đỡ, phấn đấu vươn lên, bằng nghị lực và trí tuệ của mình đã làm giàu cho gia đình và xã hội.

Khi thăm Thái Nguyên, tôi được nghe một người từng phạm tội, từng ở tù, sau khi được đặc xá đã khắc phục khó khăn, nay trở thành chủ tiệm kim hoàn, gia đình hạnh phúc.

Tôi có thể kể về rất nhiều trường hợp sau khi ra tù trở thành người có ích không chỉ cho gia đình mình mà còn giúp đỡ được cộng đồng, xã hội, nhưng các bạn nên tiếp cận chính bản thân những người đó và nghe họ kể về câu chuyện của mình sẽ hay hơn.

ĐÀ TRANG - LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên