Nhưng khó quên nhất với tôi phải là những chuyến “tăng ca”, “thư giãn” sau mỗi lần họp hoặc ký kết hợp đồng với các đối tác nam giới. Tôi không có ý “quơ đũa cả nắm” nhưng hầu hết họ chọn địa điểm tập kết sau các chầu bia bọt, karaoke là... matxa.
Còn nhớ lần đầu đi matxa, tôi đã sượng trân khi bị nhân viên nữ đang matxa bỗng đột ngột chuyển sang “mát gần” đến nghẹt thở. Khi kể lại, hầu hết đối tác lẫn đồng nghiệp người Việt đều cười nắc nẻ và cho rằng tôi giả tạo khi kể mình đã phản ứng chuyện đó.
Những lần sau đi với các đối tác khác và ở những địa điểm matxa khác, tôi liên tiếp đón nhận các kết cục tương tự. Hình thức trên phổ biến đến mức những người bạn nước ngoài của tôi cho biết có tới 90% địa điểm matxa họ lui tới ở Việt Nam có “mát gần”. Và thay vì đi trả tiền để được thư giãn, tôi thường cảm thấy đầu óc mình căng thẳng như dây đàn.
Nếu bạn không tin thì thử hỏi bất kỳ một người nước ngoài nào đó định nghĩa đi matxa ở Việt Nam trong suy nghĩ của họ là gì? Tôi đoan chắc đó sẽ là một nụ cười tủm tỉm hoặc một cái lắc đầu đầy nhăn nhó.
Tôi biết ý kiến của mình khá chủ quan bởi ở thành phố này chắc chắn có nhiều điểm matxa đàng hoàng, chân chính. Tôi cũng không phủ nhận giá trị của việc “mát gần” bởi rất nhiều quốc gia đã công nhận điều này là một hình thức lao động chân chính có tính thuế. Tuy nhiên, điều tôi cũng như một số người nước ngoài khác muốn nói là cần lắm sự quản lý chặt chẽ hơn nữa từ chính quyền địa phương để giá trị thật, giả không bị lẫn lộn và những câu chuyện “cười ra nước mắt” trên không còn xảy ra nữa.
Đối với những người nước ngoài dễ chịu, chuyện có lỡ xảy ra thì họ sẽ sẵn lòng tặc lưỡi, nói “whatever” (sao cũng được). Nhưng với những ai có tư tưởng bảo thủ, kỷ luật thì chắc chắn sự việc trên sẽ đọng lại hình ảnh xấu về đất nước, con người tại đây. Bản thân tôi hiện cảm thấy luôn bất an mỗi khi được ai đó rủ đi matxa. Lời từ chối là điều dễ làm, nhưng việc xóa những ấn tượng xấu về nghề này ở Việt Nam là việc rất khó.
Nếu như Nhật Bản và Thái Lan có thể tự hào coi nghệ thuật matxa như một món “đặc sản” để giới thiệu cho khách du lịch, tôi mong matxa Việt trong tương lai gần cũng sẽ tạo được hình ảnh đẹp và chuyên nghiệp như thế. Đừng để những lao động chân chính bằng nghề này phải sống chung với điều tiếng của xã hội chỉ bởi sự bàng quan, thờ ơ hoặc chạy theo lợi nhuận của một số người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận