Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý đầu năm 2024, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai có khối tài sản gần 21.200 tỉ đồng, gánh khoản nợ phải trả hơn 14.100 tỉ đồng (đã giảm 22.000 tỉ đồng so với khoản nợ ở giai đoạn tám năm về trước).
Mong sớm thoát khỏi lỗ lũy kế và nợ nần
Giữ vai trò chủ tịch hội đồng quản trị và cổ đông lớn (nắm giữ 30,26% vốn), ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) chia sẻ về kế hoạch kinh doanh. Trong năm nay doanh nghiệp đặt mục tiêu gặt hái được 7.750 tỉ đồng doanh thu, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, kỷ lục từ trước đến nay.
Tuy nhiên dự kiến lợi nhuận sau thuế đạt 1.320 tỉ đồng (-26%), được đóng góp từ các mảng như cây ăn trái (chuối, sầu riêng...) nhưng không có nguồn lời từ bán heo hơi vì thị trường liên tục biến động. Nếu tình hình khả quan hơn, lợi nhuận có thể cải thiện.
Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy Hoàng Anh Gia Lai đang bị khoản lỗ lũy kế hơn 1.450 tỉ đồng. Như vậy, khoản lợi nhuận mục tiêu trong cả năm nay không đủ để bù vào khoản lỗ lũy kế trên (thiếu hơn 130 tỉ đồng). Dù vậy, bầu Đức chia sẻ, doanh nghiệp có các cách khác để đắp vào, nhưng không bán thêm tài sản.
Ông Đoàn Nguyên Đức cũng bày tỏ khoản lỗ lũy kế là "nỗi ám ảnh", bị kiểm toán cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục. Hoàng Anh Gia Lai nỗ lực nên khoản lỗ trên đã giảm dần, mong muốn sớm xóa sạch. Thoát ra, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thêm các quỹ đầu tư.
Về kế hoạch trả nợ các ngân hàng lớn, phía doanh nghiệp này cho biết phải đàm phán khoảng 3-4 năm với Eximbank.
Bầu Đức lưu ý hiện tại doanh nghiệp có khoản nợ đến hạn tại BIDV, nhưng HAGL Agrico (đã bán cho tỉ phú Trần Bá Dương) cũng nợ doanh nghiệp nên sẽ thay mặt xử lý. Còn khoảng 3.000 tỉ đồng nợ BIDV sẽ trả dứt điểm vào hai năm tới.
Các khoản nợ còn lại không đáng lo, thực hiện nghĩa vụ tốt.
"Trái bóng" bay tới doanh nghiệp liên quan đến bầu Thụy
Mặc dù hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai đã có nhiều cải thiện so với giai đoạn trước, nhưng khó khăn vẫn còn hiện diện. Giữa bối cảnh đó, dàn nhân sự cấp cao của doanh nghiệp cũng có biến động.
Cụ thể, sau hơn ba thập kỷ gắn bó với tập đoàn từ thuở đầu, ông Nguyễn Chí Thắng chính thức rút khỏi hội đồng quản trị.
Trong khi đó, hai gương mặt mới được bầu Đức đề xuất vào các vị trí hội đồng quản trị và ban kiểm soát gồm: ông Bùi Lê Quang (Chứng khoán LPBank) và ông Nguyễn Tiến Hưng (Thaiholdings).
Chứng khoán LPBank và những cá nhân liên quan đang nắm giữ 89,63 triệu cổ phiếu HAG, tương ứng 8,47% vốn điều lệ - cổ đông lớn.
Ở diễn biến liên quan, Hoàng Anh Gia Lai đã bán thành công 130 triệu cổ phiếu để thu về 1.300 tỉ đồng.
Ba nhà đầu tư mua vào gồm: ông Lê Minh Tâm (chủ tịch Chứng khoán LPBank, thành viên hội đồng quản trị độc lập tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt LPBank), Chứng khoán LPBank và Tập đoàn Thaigroup. Có thể thấy bóng dáng của Ngân hàng LPBank do ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) làm chủ tịch, hiện diện rõ nét.
Phía bầu Đức cho biết, dùng số tiền trên để mua lại trước hạn toàn bộ khoản nợ gốc và lãi trái phiếu do công ty phát hành năm 2012 (346,7 tỉ đồng), cơ cấu lại nợ cho công ty con (253,3 tỉ đồng), bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con khác - Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai (700 tỉ đồng).
Phía Hoàng Anh Gia Lai đang có kế hoạch IPO (lần đầu tiên chào bán chứng khoán mới) Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai, tổng diện tích khoảng 2.000 ha đất. Công ty này có cả vườn cây và nhà máy thức ăn chăn nuôi.
Như vậy, LPBank kỳ vọng là bệ phóng cho Chăn nuôi Gia Lai.
Theo báo cáo tài chính quý 1-2024, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu hơn 1.240 tỉ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp lãi ròng 215 tỉ đồng, hoàn thành hơn 16% kế hoạch cho cả năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận