25/07/2017 09:13 GMT+7

Đã từ tâm sao không từ tâm cho trót?

LÊ CÔNG SĨ
LÊ CÔNG SĨ

TTO - Xung quanh câu chuyện nhặt của rơi có thể trở thành phạm pháp, bạn đọc Lê Công Sĩ đã có bài viết chia sẻ câu chuyện của gia đình mình. Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu ý kiến này.

Trả lại của rơi là một hành động đẹp, bạn sẽ được tuyên dương và là tấm gương để mọi người noi theo - Ảnh: Tư liệu TTO

"Đọc bài Lấy của rơi, thành phạm pháp không phải ai cũng biết  khiến tôi nhớ những câu chuyện liên quan đến gia đình mình.

Có lẽ do xuất thân từ gia cảnh nghèo khó, lam lũ kiếm cái ăn của vài chục năm về trước, nên việc nhặt nhạnh những thứ linh tinh ngoài đường mang về nhà đã trở thành thói quen của các chị tôi, dù bây giờ gia đình tôi đã thôi không còn nghèo khó nữa và tôi biết rõ tham lam không phải tính cách của các chị.

Về việc này, tôi thường "tranh cãi" với chị.

Tôi cho rằng không nên biến cái không phải của mình thành của mình; rằng trước vật đánh rơi của ai đó nếu mình không nhặt thì cơ hội để khổ chủ tìm lại vật rơi là rất cao; rằng cuộc sống chi phối bởi luật nhân quả, nhặt của người khác là nhân của quả nghèo khó; hoặc đơn giản là nhặt của người khác đánh rơi sau này nếu mình không may đánh rơi vật gì thì sẽ khó tìm lại được do đã có người khác nhặt như mình…

Mấy chị tôi (vốn ít chữ) lại có quan niệm khác, cho rằng nhặt của rơi ngoài đường không phải ăn cắp nên không xấu; rằng nếu mình không nhặt thì người khác cũng nhặt. Chị bảo rằng tôi "bảo thủ", "sống lý thuyết quá'" và chị còn cho rằng chắc chỉ có mình tôi mới có suy nghĩ đó, thời bây giờ không ai nghĩ như tôi đâu…

Những tranh luận do vậy thường kết thúc trong dang dở bởi mỗi người giữ quan điểm riêng.

Lần nọ vừa về đến nhà tôi thấy mấy chị đang túm tụm bàn tán chuyện gì đó. Thấy tôi về, mấy chị "giãn" ra. Qua tìm hiểu, tôi mới biết người chị thứ tư vừa nhặt được mặt dây chuyền nhỏ xíu của ai đó. Biết rõ tôi không hài lòng về chuyện này nên chị có ý giấu. Nhưng khi biết tôi đã nắm được chuyện thì chị mới thật tình kể lại chị vừa nhặt được trên đường đi rước đứa cháu đi học về.

Chị cũng cho hay chỉ là thấy và nhặt về thôi chứ không có ý sẽ bán lấy tiền tiêu xài hay làm gì, bởi thực tế cái mặt dây chuyền ấy cũng chẳng có giá trị bao nhiêu.

Tôi nói tuy vật ấy không có giá trị nhiều song có thể đó là vật kỷ niệm, có giá trị tinh thần to lớn với người đánh rơi; rằng nếu chị không nhặt, cứ để đấy, và ai cũng làm như chị thì chắc chắn người lỡ đánh rơi sẽ có cơ hội tìm lại được tài sản của mình…

Khi nghe tôi trách về thói quen xấu này, chị nói thôi lỡ rồi sau này không nhặt của rơi nữa dù đó là vật gì.

Lần khác, khi đi thể dục buổi chiều về đến nhà tôi thấy mấy chị đi ra đi vào, bộ dạng như đang tìm vật gì đó. Riêng chị thứ tư vốn hằng ngày vào giờ ấy đang xem tivi thì hôm nay không có mặt ở nhà.

Tôi gạn hỏi mấy chị, người thì bảo không có gì, người lại nói tránh né cho qua chuyện. Trong đầu tôi lờ mờ hiểu ra chắc gia đình đang bị mất vật gì đó nên mọi người mới "đứng ngồi không yên" như vậy.

Không đợi tôi thắc mắc lâu, khoảng năm phút sau chị thứ tư từ đầu hẻm đi vào, trên tay lăm lăm cây đèn pin. Vừa vào nhà thấy tôi, chị có đôi chút tỏ ra ái ngại. Tôi lại đem thắc mắc ra hỏi, chị thú thật là đứa cháu gái tôi bị mất chiếc bông tai.

Tuy chiếc bông tai chỉ có giá trị vài trăm ngàn nhưng chị bảo đó là chiếc bông tai rất đẹp, do cha cháu mua tặng nhân ngày sinh nhật cháu vừa rồi. "Mất chiếc bông tai, cháu buồn từ chiều đến giờ và không thiết ăn cơm nữa", chị bảo.

Nói đoạn chị đề nghị tôi chở chị quay lại hồ bơi tìm vì chiều nay do không học thêm nên cháu có đi với bạn đến bơi ở hồ bơi thuộc trung tâm sinh hoạt thanh thiếu nhi. "Có thể chiếc bông tai bị rớt ở đó, cầu cho không có ai lượm và nó còn ở đó", chị ước.

Tôi chở chị quay lại trung tâm sinh hoạt thanh thiếu nhi, nài nỉ mãi bảo vệ mới mở cổng cho chúng tôi vào khu hồ bơi tìm. Thú thật việc tìm một chiếc bông tai nhỏ xíu trong khuôn viên bao la lởm chởm cỏ dại tựa như mò kim đáy biển.

Thế nhưng như có phép mầu, sau chưa đầy mười phút dùng đèn pin dò từng thảm cỏ, chị tôi mừng rỡ reo lên khi ánh đèn pin soi đúng vị trí chiếc bông tai nhỏ xíu nằm trên vạt cỏ đẫm sương đêm giáp với đường ximăng bao quanh hồ bơi.

Trên đường về chị chia sẻ cảm giác bị đánh rơi vật mình yêu quý hoặc người thân mình yêu quý không hề "dễ chịu" tí nào. Chị nói sở dĩ tìm lại được chiếc bông tai là do hoặc chưa ai nhìn thấy hoặc có người nhìn thấy nhưng không nhặt như tôi vậy.

Và lúc này chị thừa nhận quan điểm của tôi rằng nếu người khác không nhặt vật mình đánh rơi đồng nghĩa dành cơ hội tìm lại vật ấy cho khổ chủ là đúng.

Từ những câu chuyện kể trên của gia đình với những chia sẻ của bạn đọc và các chuyên gia pháp lý trong bài viết "Lấy của rơi, thành phạm pháp không phải ai cũng biết", tôi vẫn giữ quan điểm: thấy của rơi không nhặt, tức là mình dành cơ hội cho khổ chủ.

Tuy vậy, trước thực tế xã hội muôn màu và nói như chị tôi là không phải ai thấy của rơi cũng không nhặt nên tôi nghĩ một khi đã phát hiện của rơi của ai đó nếu không nhặt thì thôi nhưng khi nhặt lên thì không nên biến nó thành sở hữu của mình, mà tốt nhất hãy mang đến cơ quan chức năng trình báo và bằng nhiều cách cơ quan chức năng sẽ tìm ra khổ chủ.

Đã từ tâm thì từ tâm cho trót vậy (!)

Hãy lắng lại đôi chút trong cuộc sống hối hả này để chia sẻ những khoảnh khắc, những câu chuyện mà bạn nghe thấy, quan sát được xung quanh để chúng ta cùng thấy cuộc đời còn có rất nhiều mảnh ghép thú vị khác. Xin mời bạn gửi những sẻ chia, cảm nhận của mình về địa chỉ: dandt@tuoitre.com.vn hoặc tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
LÊ CÔNG SĨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên