Nơi Dawaco hiện đang lấy nước thô là tại đập An Trạch - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tuổi Trẻ Online đã đến đầu nguồn nước tại đập An Trạch để tìm câu trả lời cho những bức xúc của 1 triệu người dân.
Đầu nguồn dư nước
Lý giải với phóng viên Tuổi Trẻ về việc thiếu nước hiện nay, ông Hồ Hương, tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), nói rằng do lượng nước bơm về từ An Trạch chỉ đủ sản xuất ra lượng nước khoảng 220.000m3/ngày.
Trong khi đó nhu cầu thực dùng của toàn thành phố là khoảng 270.000m3/ngày nên áp lực nước trong đường ống không đủ thành ra nhiều nơi hụt nước.
Tuy nhiên theo hồ sơ mà Dawaco trình lên Bộ Tài nguyên và môi trường để đề nghị cấp giấy phép khai thác sử dụng nước mặt (và đã được cấp phép ngày 5-7-2018) thì hoàn toàn khác.
Đơn vị này cho biết tại đập An Trạch có 6 máy bơm với tổng công suất hơn 300.000m3/ngày (trong đó 3 máy bơm có công suất 2.700m3/máy/giờ và 3 máy có công suất 1.650m3/máy/giờ).
Của thu nước ở trạm bơm An Trạch, đầu nguồn nước sinh hoạt Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Như vậy, tức là năng suất bơm về đã vượt xa khả năng tiêu thụ của dân toàn thành phố. Đó là chưa kể cộng thêm công suất của một số nhà máy nước nhỏ khác trong thành phố.
Theo tài liệu của chúng tôi, từ ngày xảy ra tình trạng nước nhiễm mặn tại Cầu Đỏ (cửa thu nước chính để vận hành các nhà máy nước ở Đà Nẵng) mực nước tại đập ngăn mặn An Trạch chưa bao giờ thấp hơn 1,4m, mức tối thiểu để vận hành máy bơm.
Nguồn nước đo được ở đập ngăn mặn An Trạch suốt thời gian qua chưa bao giờ thấp hơn 1,4m, tức là mức tối thiểu để vận hành máy bơm ở An Trạch. Sáng 8-11 mực nước ở đây vượt qua cửa tràn 1,7m - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Thả nước trôi về đẩy mặn có lợi hơn
Theo giấy phép khai thác sử dụng nước mặt mà Bộ Tài nguyên và môi trường cấp cho Dawaco, có ba phương án khai thác nước mặt trên sông Vu Gia.
Phương án 1: Nếu độ mặn tại Cầu Đỏ thấp hơn 200mg/l thì Dawaco lấy nước tại Cầu Đỏ.
Phương án 2: Nếu nước khi vị trí Cầu Đỏ có độ mặn trong khoảng 200-1.000mg/l thì Dawaco được phép lấy nước từ An Trạch hòa lẫn cùng nước Cầu Đỏ tại hồ điều tiết để khai thác.
Phương án 3: Khi độ mặn lớn hơn 1.000mg/l thì phải đóng kín hoàn toàn cửa thu tại Cầu Đỏ và chỉ được sử dụng nước bơm từ An Trạch.
Độ mặn ghi nhận tự động được tại cửa thu ở Cầu Đỏ sáng 8-11- Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tức là Dawaco được phép tính toán điều tiết nước giữa bơm về (tốn điện) và để chảy tự nhiên.
Trong nhiều điều kiện lý tưởng, nếu điều tiết nước hợp lý, đẩy mặn tại cầu đỏ về ngưỡng 200-1000mg/l kết hợp với bơm từ An Trạch về hòa lẫn sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí điện (theo công bố trước đây tiền sản xuất tăng khoảng 500 đồng/m3 nước nếu chỉ bơm từ An Trạch).
Nước về hồ xử lý tại nhà máy nước Cầu Đỏ sáng 8-11- Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Khi so sánh con số này, một chuyên gia thủy lợi cho rằng là đơn vị kinh doanh thì Dawaco cần điều tiết, cân nhắc yếu tố thiệt hơn để có lợi về kinh tế. Tuy nhiên chỉ nên thực hiện khi hợp lý và tuyệt đối không thể quá chi li để đến mức người dân thiếu nước, cuộc sống đảo lộn.
"Vì lý do gì mà chính xác là gì mà để thiếu nước giữa mùa nhu cầu sử dụng đang xuống thấp thì tôi không biết. Nhưng tôi chắc chắn nếu Dawaco "nhiệt tình" chấp nhận bỏ tiền điện vận hành thì với công suất thiết kế trạm bơm An Trạch hiện nay, Đà Nẵng không thể thiếu nước sinh hoạt", vị này nói.
Thông số ghi nhận tại phao lấy nước Cầu Đỏ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận