Sáng 1-8, chị Kim cho biết sức khỏe khá tốt, tay chân hoạt động như bình thường.Ảnh: Đoàn Cường |
Trước đó, lúc 7g20, ngày 28-7, chị Phan Thị Kim (43 tuổi, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng liệt toàn thân.
Người nhà cho biết, lúc 6g00 sáng cùng ngày, chị Kim ngủ dậy và tự nhiên bị liệt nửa người bên trái, dù không có bệnh lý gì về tim mạch hay huyết áp, sinh hoạt bình thường.
Sau khi vào viện, tổ phản ứng nhanh về đột quỵ của Bệnh viện Đà Nẵng khẩn trương chụp CT, làm các xét nghiệm… phát hiện bệnh nhân bị tắc mạch máu não.
Các bác sĩ đã sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông nhưng chưa cải thiện lâm sàng về liệt, chụp CTA thì phát hiện chưa tiêu cục máu đông.
Các bác sĩ can thiệp mạch lấy huyết khối bằng dụng cụ (solitaire). Ca can thiệp kéo dài gần 1 giờ đồng hồ đã thành công, tay chân bệnh nhân đã hoạt động.
Sau một ngày điều trị, bệnh nhân gần như hồi phục hoàn toàn.
Sáng 1-8, chị Kim cho biết sức khỏe ổn định, ăn uống bình thường và rất vui như vừa thoát khỏi “tử thần”.
Theo bác sĩ Nhân, nếu trước đây những trường hợp này khả năng tử vong rất cao (đến 80%) hoặc nếu có sống cũng để lại di chứng nặng nề, liệt người. Đây cũng là ca đầu tiên Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện bằng phương pháp mới: Can thiệp lấy huyết khối não bằng dụng cụ. Trước đây, phương pháp điều trị là phục hồi và dự phòng tái phát.
Bác sĩ Nhân cũng cho biết, Bệnh viện Đà Nẵng đang triển khai tổ phản ứng nhanh về đột quỵ, khi bệnh nhân nhập viện chẩn đoán bị đột quỵ sẽ được đóng dấu hồ sơ “khẩn cấp” để chạy đua với thời gian cứu sống người bệnh. .
“Bỏ qua các thủ tục giấy tờ, bệnh nhân được ưu tiên tuyệt đối cấp cứu, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh…với một ekip riêng để làm sao kịp thời cứu sống bệnh nhân”, bác sĩ Nhân cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận