Rác thải là chai lọ bằng nhựa được người nhặt rác tập kết tại bãi rác Khánh Sơn, TP Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tô Văn Hùng, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng, nói: "Thực hiện phân loại rác thải tại nguồn là biểu hiện của nếp sống văn minh, là thể hiện tình yêu quê hương thiết thực, hay có thể nói đây là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với mai sau. Đã đến lúc tất cả chúng ta phải hành động vì chính cuộc sống của mỗi chúng ta".
* Đà Nẵng đang phấn đấu trở thành "TP môi trường", trong đó phân loại rác là mục tiêu hết sức quan trọng. Thưa ông, kế hoạch thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt sẽ được bắt đầu vào thời điểm nào?
- Kể từ năm 2017, một số địa phương của Đà Nẵng đã thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn ở quy mô thí điểm. Cụ thể là dự án "Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy việc phân loại và tái chế tại TP Đà Nẵng".
Bắt đầu năm 2018, UBND quận Hải Châu đã triển khai tại 2 phường (Thuận Phước và Thạch Thang); đến cuối năm 2018, UBND quận Thanh Khê triển khai tại 2 phường (Thanh Khê Tây và Hòa Khê).
Ngoài ra, với dự án "Đại dương không nhựa - Chương trình thu gom, phân loại và tái chế chất thải rắn vì cộng đồng khỏe và TP xanh" từ giữa năm 2018, UBND quận Sơn Trà tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động phân loại rác thải tại nguồn ở 4 khu dân cư thuộc địa bàn. Đến tháng 9-2018, quận Sơn Trà tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình này đến 70 khu dân cư ở cả 7 phường với khoảng 14.000 hộ tham gia.
UBND các quận huyện đã xây dựng chi tiết kế hoạch phù hợp với từng địa phương trên cơ sở khung tiêu chí chung của TP. Đó là rác thải được phân thành 3 loại: rác tái chế (rác tài nguyên), rác nguy hại và rác còn lại. Theo kế hoạch, dự kiến sau năm 2025 TP tiếp tục phân loại chi tiết đối với các thành phần như nilông, thủy tinh, rác thải vô cơ và hữu cơ…
Người nhặt rác tại bãi rác Khánh Sơn, TP Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
* Thưa ông, trong quá trình tổ chức thí điểm phân loại rác TP đã gặp những thuận lợi, khó khăn gì và giải pháp khắc phục khó khăn để đạt được hiệu quả trong thời gian tới?
- Năm 2006, Sở Tài nguyên - môi trường đã thí điểm kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn ở phường Nam Dương, quận Hải Châu. Lúc đó, rác thải được phân thành 2 loại chính là rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ.
Rác thải hữu cơ được thu gom hằng ngày và rác thải vô cơ được thu gom 2 lần/tuần. Tuy nhiên, kế hoạch lúc đó không đạt được mục tiêu đề ra. Một số khó khăn thời điểm đó chính là: chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về trang thiết bị, hạ tầng thu gom - xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại; người dân, cộng đồng chưa tiếp cận tốt về thông tin…
Hiện nay, TP Đà Nẵng xét thấy một số điều kiện thuận lợi để triển khai kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt toàn TP. Một là, ý thức, nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, người dân đối với công tác bảo vệ môi trường đã có nhiều chuyển biến, sẵn sàng chung tay với chính quyền TP trong công tác bảo vệ môi trường. Hai là, sự chủ động vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, chính quyền các cấp và sự hưởng ứng của các doanh nghiệp trên địa bàn TP đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác phân loại rác nói riêng.
Tuy nhiên, cũng vẫn còn nhiều khó khăn đối với kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn. TP cần đảm bảo việc tổ chức, đầu tư đồng bộ từ phương thức phân loại đến công tác thu gom cũng như hệ thống trang thiết bị đến khu dân cư, hộ gia đình.
Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, kế hoạch triển khai phân loại rác thải tại nguồn lần này có thể nói được chuẩn bị bài bản, chu đáo. Cùng với đó là tổ chức đầu tư hệ thống trang thiết bị (thùng rác, túi đựng rác tài nguyên…), cơ sở vật chất đảm bảo tính đồng bộ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và lâu dài, vừa mang tính lý thuyết nhưng phải được kiểm chứng thông qua thực nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm vừa học hỏi để hoàn thiện dần các phương thức đã đề ra.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức của người dân, từ trẻ em đến các chị nội trợ đến cả du khách, từ cá nhân đến các tổ chức, doanh nghiệp… tất cả phải chung tay hành động mới hi vọng mang đến kết quả như mục tiêu đã đề ra.
* Sắp tới, nếu thực hiện phân loại ra trên toàn bộ TP thì sẽ phân ra bao nhiêu loại? Người dân sẽ được hỗ trợ gì trong quá trình thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt?
- Việc phân rác thành bao nhiêu loại được TP cân nhắc tính toán theo lộ trình. Cụ thể từ nay đến năm 2025, rác thải sinh hoạt được chia thành 3 loại (rác tái chế, rác nguy hại và rác còn lại).
Với kế hoạch đã ban hành, trước mắt các hộ gia đình sẽ được cấp phát các tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền, túi đựng rác tài nguyên. Khu dân cư được trang bị thùng rác nguy hại theo đúng quy định. TP sẽ trang bị thùng rác 2 ngăn/3 ngăn tại các khu vực công cộng, một số tuyến đường cảnh quan.
Các phương tiện, trang thiết bị còn lại do chính đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom rác tái chế hoặc đơn vị thực hiện dịch vụ vệ sinh môi trường tự trang bị. TP sẽ huy động nguồn lực, sự tham gia trực tiếp từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, đồng hành với kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn của TP Đà Nẵng
Người nhặt rác tại bãi rác Khánh Sơn, TP Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
* Thực tế hiện nay, người dân Đà Nẵng thải ra một lượng lớn rác thải trong quá trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường. Trong quá trình phân loại rác, TP có tính đến giải pháp để xử lý việc thải rác xây dựng ra môi trường?
- Theo kế hoạch, năm 2020 TP sẽ tiếp tục nghiên cứu để sớm có giải pháp thu gom xử lý đối với loại rác thải xây dựng (xà bần), phân bùn bể phốt, kể cả thức ăn thừa phát sinh từ sản xuất kinh doanh, từ sinh hoạt. Tiến đến là phân loại bao nilông, rác thải nhựa, thủy tinh, rác thải hữu cơ và vô cơ…
Tất cả sẽ được thực hiện theo trình tự thật sự khoa học, chắc chắn, từng bước thông qua năng lực, mức độ nhận thức, điều kiện cơ sở vật chất về công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại của TP.
Chế tài người không phân loại rác?
Trước hết, thành phố kêu gọi sự tự giác của mọi người dân, tăng cường sự giám sát thông qua cộng đồng, tổ chức đoàn thể hay chính công nhân vệ sinh môi trường. Tiến đến sẽ nghiên cứu đề xuất thành phố áp dụng các hình thức xử lý vi phạm phù hợp trên cơ sở vận dụng nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 đối với hành vi không phân loại rác tại nguồn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận