Ông Nguyễn Văn Quảng, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã có buổi tiếp xúc cử tri ngày 2-7. Ông Quảng đã có những chia sẻ liên quan đến các cơ chế chính sách đặc thù mà Quốc hội vừa thông qua.
Vì sao Đà Nẵng cần nghị quyết mới?
Ông Quảng cho biết trước đây đã có nghị quyết 119 về việc thí điểm chính quyền đô thị ở Đà Nẵng.
Qua sơ kết 3 năm thực hiện thì ghi nhận nhiều kết quả tích cực nhưng cũng có nhiều hạn chế. Như việc ở phường, quận không có cấp HĐND. Từ đó không được tự quyết ngân sách mà phải chờ HĐND thành phố thông qua.
"Ví dụ muốn sửa một cái cống hư hỏng do ngập lụt cũng phải lập dự án chờ HĐND thành phố thông qua. Trong khi các vấn đề dân sinh này cần phải làm ngay" - ông Quảng nói.
Nói về việc bức thiết cần phải có nghị quyết mới, ông Quảng cho biết nghị quyết trước đây có cho Đà Nẵng 4 cơ chế đặc thù nhưng chưa làm được vì nhiều lý do.
Ngoài ra theo ông Quảng, khi tổng kết 5 năm thực hiện nghị quyết 43 thì nhiều chỉ tiêu Bộ Chính trị đặt ra cho Đà Nẵng lại chưa đạt được.
Nguyên nhân là cơ cấu kinh tế nghiêng về du lịch - dịch vụ (tỉ trọng gần 70%), còn công nghiệp chiếm tỉ trọng 27%.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tác động đến du lịch dịch vụ nên Đà Nẵng khó tăng trưởng, nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng.
"Công nghiệp của Đà Nẵng thì chủ yếu là công nghệ thông tin, công nghệ cao đóng góp cho ngân sách không nhiều.
Du lịch dịch vụ thì người dân được hưởng lợi trực tiếp lớn mà thu thuế thì không được nhiều. Thành phố phải tìm động lực mới" - ông Quảng giải thích.
Cho phép thí điểm 30 cơ chế chính sách đặc biệt trong 5 năm
Ông Quảng cho biết trong nghị quyết mới vừa được Quốc hội thông qua có 2 nội dung lớn, gồm việc cho phép Đà Nẵng tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cho phép thí điểm 30 cơ chế chính sách đặc thù trong vòng 5 năm.
Đây là những nội dung lớn và rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng trong thời gian tới.
Ví dụ như chính sách phân cấp cho HĐND thành phố thực hiện việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch, tách công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án.
Ông Quảng nhìn nhận đây là vấn đề vướng mắc mà rất nhiều địa phương đã và đang gặp khó khăn.
Thành phố đề nghị được phép thực hiện dự án tái định cư trước sau đó mới thực hiện dự án và không gắn với dự án.
Ngoài ra, thành phố được phép vay dư nợ lên 80% so với số thu. Đây nguồn lực rất lớn cho thành phố có thể phát triển, đầu tư.
"Việc này Quốc hội đã cân nhắc rất kỹ. Chúng ta đề xuất 60% và chính các đại biểu Quốc hội các tỉnh thành đề nghị được cho Đà Nẵng vay dư nợ lên 80%" - ông Quảng cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận