Xung đột nguồn nước từ vận hành thủy điện: Do đâu và cần gìQuảng Nam, Đà Nẵng đòi Thủy điện Đăk Mi 4 trả nướcThủy điện “chơi” không sòng phẳng
Phóng to |
Thủy điện đã khiến dòng sông Đăk Mi (Quảng Nam) cạn đến đáy - Ảnh: Phan Chung |
Ông Huỳnh Vạn Thắng, phó giám đốc Sở NN&PTNT kiêm phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng, khẳng định đủ cơ sở để kiện Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) nếu bộ không ghi nhận góp ý của địa phương về dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2.
Chỉ biết đặt lợi ích thủy điện lên trên
Ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết ngay sau khi nhận được đề nghị góp ý cho dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 từ Bộ
TN-MT, chính ông là người đã tham mưu cho lãnh đạo TP Đà Nẵng phải làm ngay công văn phản hồi gửi trực tiếp bộ trưởng Bộ TN-MT, đồng thời công văn này cũng gửi đến tận tay Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải để báo cáo rõ vụ việc. Bởi theo ông Thắng, đơn vị tư vấn lập dự thảo quy trình trên chỉ biết đặt lợi ích của thủy điện lên trên hết, bất chấp lợi ích của gần 1,7 triệu dân sống ở hạ lưu sông Vu Gia. “Điều này đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu phải đặt lợi ích của người dân vùng hạ lưu lên trên hết khi lập quy trình vận hành hồ chứa nước” - ông Thắng nói.
Phóng to |
Theo bản dự thảo được xây dựng thì mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) sẽ được khống chế ở mực nước 2,53m. Đây là mực nước làm cơ sở để các thủy điện (quan trọng nhất là Đăk Mi 4) vận hành, xả nước về hạ lưu vào mùa khô. Tuy nhiên theo ông Thắng, “mốc 2,53” là giá trị mực nước trung bình tháng thấp nhất trong suốt 37 năm qua. Điều này có nghĩa là khi mực nước trên sông Vu Gia đoạn chảy qua Ái Nghĩa đang ở “mốc 2,53” thì toàn bộ vùng hạ lưu sẽ rơi vào cảnh khô hạn, thiếu nước.
“Chúng tôi kiến nghị Bộ TN-MT phải điều chỉnh bản dự thảo quy trình từ “mốc 2,53” lên “mốc 2,80”. Ngay như các trạm bơm thủy lợi hiện có ở Ái Nghĩa cũng đang đặt tại mực nước bể hút là 2,80. Thấp hơn 2,80 thì các trạm bơm này đều phải ngừng hoạt động vì không đủ nước. Vậy tại sao dự thảo quy trình xả lũ lại khống chế ở mực nước 2,53m? Điều này cho thấy họ chỉ vì lợi ích của thủy điện mà thôi” - ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, nếu Bộ TN-MT đồng ý với việc lấy mốc 2,80 tại Ái Nghĩa để làm cơ sở vận hành liên hồ chứa thì qua tính toán cho thấy trên thực tế thủy điện Đăk Mi 4 cũng chỉ mới trả lại 40% nước (450 triệu m3) trong số 1,3 tỉ m3 nước mà thủy điện này lấy đi trong mùa khô. Còn nếu lấy mốc 2,53 (đúng như dự thảo) thì lượng nước được trả về hạ lưu chỉ đạt chừng 10%.
“Nếu góp ý này không được ghi nhận thì TP Đà Nẵng sẽ kiện Bộ TN-MT ra tòa dân sự trên cơ sở bộ này vi phạm điều 60 Luật tài nguyên nước quy định về phòng chống hạn hán, lũ lụt, ngập úng nhân tạo và điều 76 về giải quyết tranh chấp tài nguyên nước. Nếu điều này xảy ra thì chúng tôi sẽ gửi đơn đến TAND TP Đà Nẵng, trong trường hợp bất phân thắng bại thì buộc chúng tôi phải gửi lên tòa cao hơn” - ông Thắng nói.
Phải có cơ quan độc lập làm trọng tài
Hỗ trợ bước đầu Chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 vừa quyết định hỗ trợ 50 triệu đồng cho 13 hộ dân thôn 11 (xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn) để sửa chữa lại nhà cửa sau khi thủy điện này xả lũ vào tháng 11-2013 gây sạt lở bờ kè sông nơi các hộ dân đang sinh sống. Theo ông Phạm Thế Quyền - chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, hiện phía chủ đầu tư thủy điện đang khảo sát để xây dựng lại toàn bộ 200m bờ kè dọc đoạn sông này nhằm đảm bảo cho người dân được an toàn. Dự kiến việc xây kè hoàn thành vào tháng 6 trước khi mưa lũ về. |
Trong một diễn biến khác có liên quan đến thủy điện, mới đây Bộ Công thương cũng đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam về việc điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn với quan điểm cho rằng: việc vận hành các hồ chứa thủy điện lớn ở Quảng Nam đã thực hiện đúng theo quy trình vận hành liên hồ chứa, vậy nên “việc xem xét trách nhiệm của các nhà máy thủy điện trong việc bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do lũ lụt là chưa có cơ sở”.
Nhận định về cách trả lời trên, ông Trần Xuân Vinh - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - cho rằng: “Tôi thiết nghĩ nên kiểm tra rà soát hết lại quy trình xả lũ. Trước đây chưa có thủy điện thì lũ ra sao, bây giờ thì lại như vậy, gây thiệt hại như thế. Rõ ràng về nguyên tắc thì ai làm sai người đó phải đền bù và mức độ sai đến đâu thì phải làm rõ. Hiện nay để đánh giá, xem xét mức độ sai đến đâu và ai sai, sai ít hay nhiều, do tự nhiên hay thủy điện thì các nhà chức năng phải đứng ra và có một cơ quan trung gian đứng ra cùng với Nhà nước, chúng tôi đại diện nhân dân cùng với chủ đầu tư các nhà máy thủy điện để khẳng định lại ai đúng ai sai, thủy điện nào làm sai quy trình xả lũ thì phải chịu trách nhiệm. Bây giờ, tôi nghĩ phải có một cơ quan độc lập đứng ra làm trọng tài, xem xét các nguyên nhân gây thiệt hại có phải do thiên nhiên hết không hay là do thủy điện. Trong thời gian tới, văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam sẽ tiếp tục kiến nghị với Bộ Công thương, với Chính phủ về trách nhiệm của các nhà máy thủy điện trong việc bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng lũ lụt”.
Ông Phan Đức Tính - phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, nơi chịu thiệt hại nặng nề trong trận lũ lịch sử tháng 11-2013 vừa qua - nói: “Tôi thay mặt cho người dân có kiến nghị các thủy điện phải có trách nhiệm hỗ trợ một phần thiệt hại của người dân bị thiệt hại do lũ. Bên cạnh biến đổi khí hậu, còn có sự cộng hưởng của thủy điện trên thượng nguồn nên lũ về rất nhanh, chảy xiết và thiệt hại nặng. Ngoài ra, các nhà máy thủy điện chặn dòng trên thượng nguồn khiến lượng thủy sản nước ngọt giảm đáng kể, phù sa về đồng ruộng cũng hết”. Đồng quan điểm này, ông Mai Xuân Trinh (35 tuổi, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc) nói việc Bộ Công thương cho rằng chưa có cơ sở bồi thường là quá vô lý vì thực tế người dân bị thiệt hại như thế nào ai cũng thấy rõ.
Trong khi đó ông Lê Trí Tập, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng nếu bắt mấy ông thủy điện đền bù vì chuyện xả lũ là hơi khó vì chuyện này nó “dích dắc” lắm, vậy nên chỉ có thể nói là hỗ trợ thôi. Và việc hỗ trợ cho người dân vùng lũ là điều chính đáng bởi người dân đã hi sinh quá lớn để doanh nghiệp hái ra tiền từ nước rồi.
“Phát ngôn riêng của cá nhân” Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-2, ông Hoàng Văn Bảy - cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) - cho biết tất cả ý kiến của Đà Nẵng, Quảng Nam và các bộ ngành về dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 đều được Bộ TN-TM tiếp thu trong quá trình xây dựng dự thảo để báo cáo Thủ tướng. Khi được hỏi nếu cơ quan quản lý nhà nước dọa kiện nhau thì có thái quá không, ông Bảy cho rằng: “Đó là phát ngôn của riêng cá nhân nên không bình luận. Còn trách nhiệm của Bộ TN-MT là làm đúng theo pháp luật. Bộ sẽ tiếp thu, giải trình tất cả ý kiến của hơn 20 cơ quan đơn vị để báo cáo trung thực đầy đủ các loại ý kiến lên Thủ tướng chứ không chỉ riêng ý kiến của Đà Nẵng”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận