Đà Nẵng - thành phố "đầu biển cuối sông" với tiềm năng du lịch đường thủy rất lớn - Ảnh: NHỊ TRÌNH
Hàng chục tỉ đầu tư tàu du lịch
Đội tàu du lịch của Đà Nẵng mới đón thêm 2 tàu du lịch hiện đại (tổng trị giá gần 16 tỉ đồng). Mỗi tàu có sức chở 98 hành khách, hoạt động cả trên sông và trên biển.
Đội tàu du lịch của Đà Nẵng được bổ sung 2 tàu du lịch hạng sang vừa hạ thủy - Ảnh: Đ.C.
Trước đó, Công ty TNHH Du thuyền sông Hàn đã đầu tư 3 tàu du lịch.
Ông Phạm Lê Văn Long - đại diện công ty - cho biết ông đi nước ngoài học hỏi cách vận hành, hoạt động tàu du lịch. Sau đó ông về Đà Nẵng và cho đóng 2 tàu phục vụ du lịch chất lượng cao.
Mới đây, công ty này có văn bản gửi cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng xin phép đóng mới 2 du thuyền nhà hàng loại 250 khách/tàu, đạt chuẩn 4 sao, tổng kinh phí 50 tỉ đồng. Ông cũng đề nghị TP có chủ trương cho phép đầu tư bến du thuyền nổi trên sông Hàn, tạo điểm nhấn du lịch đường sông.
"Nhiều thành phố trên thế giới có du lịch đặc sắc là dùng bữa tối trên du thuyền. Đà Nẵng cũng có thể làm được điều đó " - ông Long nhận định.
Tàu du lịch trên sông Hàn - Ảnh: Đ.C.
Hồi tháng 1, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ Công ty TNHH Đồng Vĩnh Thịnh đóng mới và đưa vào khai thác 1 tàu nhà hàng 80 chỗ, phục vụ khách quốc tế hạng sang.
Ông Đặng Hòa - chủ tịch Chi hội vận chuyển du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng - cho biết hiện đội tàu du lịch của thành phố rất đa dạng (29 tàu), đảm bảo cả số lượng và chất lượng.
Du lịch đường sông là… nghèo nhất?
Có "điều kiện" là vậy, nhưng du lịch đường thủy của Đà Nẵng vẫn chưa tăng tốc, lướt sóng.
Đà Nẵng có điều kiện tự nhiên ít nơi nào có được, nhưng du lịch đường thủy vẫn chưa thể bứt phá - Ảnh: Đ.C.
Ông Đoàn Hải Đăng - giám đốc Vietravel chi nhánh Đà Nẵng, chủ tịch Hội lữ hành Đà Nẵng - thẳng thắn: "Nếu nhìn tổng thể du lịch của TP, sản phẩm du lịch đường sông là nghèo nhất. Nghèo nàn về tuyến, du lịch đường sông mà chỉ đi từ Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý, ngắm cảnh".
Ông cho rằng du lịch đường sông của Đà Nẵng phải thông sông Cổ Cò vào Hội An, phải đi ra vịnh Đà Nẵng. Trong lúc chờ thông sông phải vươn ra vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà, Hải Vân…
Còn ông Đặng Hòa nhìn nhận du lịch đường thủy của Đà Nẵng hiện như "cái ao", chỉ có một đoạn trên sông Hàn. Cứ quanh quẩn ở một đoạn trên sông Hàn ngắm thành phố về đêm, xem cầu thì chán. Trong khi các dòng sông, nhất là dòng sông lịch sử Cổ Cò hiện vẫn tắc.
Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết mặc dù đã khảo sát và đã có kế hoạch phát triển du lịch đường thủy nội địa, hoạt động du lịch này vẫn rất khó khăn.
Thời gian tới sẽ chú trọng kêu gọi đầu tư nâng cấp cảng sông Hàn, cảng sông Thu thành cảng, bến thủy nội địa phục vụ khách du lịch... Triển khai chương trình kích cầu du lịch, tăng cường mối liên kết giữa các đơn vị kinh doanh tàu du lịch với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn để khai thác, phục hồi sau dịch COVID-19. Phát triển du lịch đường sông thành sản phẩm du lịch chủ lực của thành phố.
Hai địa phương là Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế sẽ "bắt tay" để khai thác du lịch tại bãi Sủng Cỏ - Ảnh: Đ.C.
Ông Nguyễn Xuân Bình - phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng - cho biết thêm UBND TP đã giao Sở Du lịch làm việc với Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế để bàn bạc cùng khai thác chung tiềm năng du lịch biển tại bãi Sủng Cỏ, Mà Đa ở Hải Vân. Dự kiến cuối tháng 7 sẽ tổ chức khảo sát, hai địa phương "bắt tay" phát triển du lịch tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận