05/04/2019 08:54 GMT+7

Đà Lạt có thể là "Hà Lan" về hoa, nếu…

HỒNG VÂN (từ Hà Lan)
HỒNG VÂN (từ Hà Lan)

TTO - Đi Đà Lạt nhiều lần, ông Theo Tiegelaar (hiện làm việc cho Kenlog, một doanh nghiệp Hà Lan chuyên sản xuất và cung ứng rau, hoa và cây giống) nhận định Đà Lạt có thể tiến gần tới mô hình công nghiệp hoa hiện đại của Hà Lan.

Đà Lạt có thể là Hà Lan về hoa, nếu… - Ảnh 1.

Hệ thống đèn LED trong nhà kính có ba màu xanh, đỏ, vàng phù hợp với kích thước và hàm lượng tinh dầu riêng biệt của từng loại cây để cây cho năng suất tối đa - Ảnh: HOÀNG LONG

Nông dân trồng hoa ở Đà Lạt luôn ở trong cái vòng luẩn quẩn: giá hoa bấp bênh - thu nhập thấp, không ổn định - không có tài chính để đầu tư - khó trụ vững hoặc gượng dậy khi gặp rủi ro. Quan trọng nhất, nông dân không liên kết cùng nhau trong hợp tác xã

Ông Theo Tiegelaar

Ông Tiegelaar cho rằng thị trường của ngành công nghiệp hoa ở Việt Nam là một lĩnh vực kinh tế đầy hứa hẹn và Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nơi xuất khẩu hoa lớn nhất thế giới.

Tuy vậy, theo ông, để khơi dậy tiềm năng này, Đà Lạt còn nhiều thứ phải làm.

Vòng luẩn quẩn của nông dân

Nhận xét về những hạn chế trong ngành trồng hoa ở Đà Lạt, vị chuyên gia người Hà Lan chỉ ra: "Đa số trang trại có diện tích nhỏ (dưới 1ha), trình độ công nghệ thấp như thiếu hệ thống thu hoạch, kiểm soát nhiệt độ, tưới và bón phân tự động. Các nhà kính bằng tấm nilông không được thay thế thường xuyên".

Ông Tiegelaar cho biết nông dân ở Đà Lạt tự chọn loại cây trồng và dự tính thời điểm thu hoạch dựa vào những đợt thị trường có nhu cầu cao như ngày lễ, ngày rằm, ngày tết do thiếu thông tin về nhu cầu của thị trường. 

Ngoài ra, nông dân Đà Lạt lạm dụng thuốc trừ sâu nhưng lại không áp dụng các phương pháp quản lý sâu bệnh tổng hợp, hoặc biện pháp sinh học cây trồng.

Ở khâu sau thu hoạch, nông dân không có quy trình phân loại hoa chuẩn (người trồng tự đánh giá hoa theo kinh nghiệm của mình), hoa cắt xong được đặt ngay dưới nền vườn, sàn nhà, không được vận chuyển, đóng gói không được chăm chút, hoa không được bảo quản trong kho lạnh... là những điểm mà ông cảm thấy "tiếc" cho ngành trồng hoa Đà Lạt.

Gần cuối tháng 3, hướng dẫn đoàn báo chí chúng tôi tham quan Trung tâm Trồng trọt thế giới, nơi nghiên cứu kiến thức - sáng tạo về nông nghiệp và là niềm tự hào của Hà Lan, ông Tiegelaar nói về hoa như nói về phận người: 

"Trong ấn tượng của tôi, những gì hoa Đà Lạt phải trải qua thật khủng khiếp. Hao hụt, hoa bị giảm sức sống và chất lượng xảy ra ở những khâu này, trong khi lẽ ra giá trị của sản phẩm phải được tăng thêm qua mỗi khâu".

"Còn nhiều điểm yếu khiến hoa Đà Lạt chủ yếu loanh quanh trong nước thay vì vươn ra khu vực và thế giới" - ông tiếc nuối.

Hãy không ngừng cải thiện

Xếp những hình ảnh chụp ở Đà Lạt cạnh các tấm ảnh chụp công nghiệp hoa ở Hà Lan, ông Tiegelaar bày tỏ hi vọng trong một tương lai gần ngành hoa Đà Lạt sẽ vươn lên một tầm cao mới: sản xuất bền vững, sử dụng phương pháp an toàn và hiệu quả trong toàn bộ chuỗi cung ứng để mỗi bông hoa, chậu hoa đến tay người dùng với chất lượng cao, tươi, tốt và an toàn.

Hà Lan là nước dẫn đầu trên thị trường quốc tế về hoa, hoa chậu, củ hoa và công nghệ trồng hoa. Hiện Hà Lan chiếm đến 44% tổng các vụ buôn bán về sản phẩm hoa trên toàn cầu. Khoảng 77% củ hoa giống buôn bán trên toàn thế giới đến từ Hà Lan, chủ yếu là củ hoa tulip.

Không có công thức bí mật cho thành công này. Đúng hơn, bí mật đó đã được công bố. Đó là nguyên tắc "làm việc cùng nhau" và không ngừng cải thiện, theo chuyên gia người Hà Lan.

Theo đó, nông dân kết hợp trong hợp tác xã trên cơ sở cùng chia sẻ tầm nhìn và chiến lược, có lợi, tin cậy, cởi mở và "liên kết ba nhà" giữa nhà nước - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp liên tục tạo ra những động lực mới cho ngành như nghiên cứu, ứng dụng các giống mới, thử nghiệm các kỹ thuật mới, khai thác các thị trường mới.

Theo ông Tiegelaar, Đà Lạt được coi là vùng chuyên canh hoa công nghệ cao nhưng so với Hà Lan, công nghệ và kỹ thuật canh tác hiện tại của nông dân vẫn ở mức thấp, tiêu hao nhiều tài nguyên, nguyên liệu đầu vào và gây ô nhiễm môi trường. Nhưng thực tế này có thể là chuyện của hôm qua.

"Chúng ta có thể tin tưởng những thách thức hiện tại như trồng gì, số lượng bao nhiêu, chuyển từ công nghệ thấp sang công nghệ cao, kỹ thuật canh tác bền vững và quản lý được chất lượng hoa của ngành hoa Đà Lạt sẽ được hóa giải" - ông kết luận.

Lập trung tâm đấu giá hoa, tại sao không?

Hà Lan và Việt Nam đã có thỏa thuận hợp tác trong nông nghiệp để trao đổi về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và công nghệ.

Trên cơ sở đó, nhiều thảo luận giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương và doanh nghiệp với doanh nghiệp đã diễn ra trong việc cải thiện chuỗi cung ứng hoa Đà Lạt về TP.HCM.

Các doanh nghiệp Hà Lan đã tư vấn với tỉnh Lâm Đồng và TP.HCM thành lập trung tâm hoa Đà Lạt và trung tâm đấu giá hoa TP.HCM, phiên bản Việt của những khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng hoa của Hà Lan.

Trong mỗi khâu sẽ có nhiều bên liên quan khác tham gia về đấu giá, bán trực tiếp và trực tuyến, vận chuyển, tiếp thị, bất động sản, quản lý dịch vụ... cho người trồng và người mua. Ông Tiegelaar cho rằng chợ hoa Hồ Thị Kỷ ở TP.HCM có thể là trung tâm đấu giá quốc tế, đón doanh nhân và cả khách tham quan.

Đà Lạt và lương tâm của một thế hệ kiến trúc Đà Lạt và lương tâm của một thế hệ kiến trúc

TTO - Đà Lạt mới chỉ 126 tuổi, là một đô thị quá trẻ, nhưng trong từng khúc quanh lịch sử luôn phóng chiếu ước mơ về một đô thị lý tưởng.

HỒNG VÂN (từ Hà Lan)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên