Bệnh viện huyết học tuyến trung ương thông báo các bệnh viện sử dụng máu "tiết kiệm" vì thiếu hóa chất, vật tư y tế. Bệnh tay chân miệng gia tăng, các bệnh viện lo thiếu thuốc điều trị… Tại sao tình trạng thiếu thuốc vẫn diễn ra dù đã có nhiều văn bản "gỡ vướng"?
Nhà thầu cung ứng "nhỏ giọt"
Mới đây, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ thông báo đến 74 bệnh viện thuộc phạm vi cung ứng máu, chế phẩm máu của bệnh viện sử dụng máu "tiết kiệm". Bệnh viện thông tin do cạn túi máu, sinh phẩm hóa chất xét nghiệm dẫn đến gián đoạn nguồn cung, không phải do thiếu máu.
Theo lãnh đạo bệnh viện, việc đấu thầu vật tư y tế, hóa chất hiện nay còn khó khăn. Đặc biệt do các nhà thầu không "mặn mà" cung ứng.
"Khi trúng thầu do bệnh viện chưa quyết toán được phần nợ cũ, nguyên nhân do cổng bảo hiểm y tế treo chưa kiểm tra hoặc chờ xuất toán. Vì vậy, khi trúng thầu mới, các đơn vị cung ứng chỉ cung cấp nhỏ giọt dẫn đến thiếu. Thậm chí do nhiều mặt hàng giá thấp, các công ty không tham gia thầu", vị này cho hay.
Hiện các bệnh viện tại Cần Thơ cũng gặp tình trạng khó khăn tương tự trong việc đấu thầu.
Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đến tháng 6 mới được UBND TP phê duyệt kết quả vật tư hóa chất năm 2023, sau khi phê duyệt phải từ 2 - 3 tháng sau mới xong thủ tục để các đơn vị có hóa chất vật tư. Việc phê duyệt chậm khiến nguồn cung bị gián đoạn.
Tình trạng nguồn cung nhỏ giọt cũng tương tự xảy ra tại một bệnh viện tỉnh Phú Thọ. Một bác sĩ đang công tác tại bệnh viện này cho hay máy chụp CT của bệnh viện đã tạm dừng hoạt động gần ba tháng nay do không có nhà thầu nộp hồ sơ.
"Sau hai năm dịch, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Trong khi đó, ngoài việc gián đoạn nguồn cung từ nhà sản xuất, các doanh nghiệp bị nợ thầu, chưa quyết toán khiến họ không mặn mà. Đặc biệt các bệnh viện tại địa phương, số lượng thầu không nhiều. Hiện nay, việc kinh doanh là "sòng phẳng", doanh nghiệp họ không thể cung ứng hàng rồi "nhặt" từng đồng.
Trong khi đó bệnh viện chi trả thầu từ kinh phí bảo hiểm y tế. Kinh phí bảo hiểm y tế dự trù mỗi quý quyết toán một lần. Bởi vậy nhà thầu cũng chỉ cung ứng nhỏ giọt, cầm chừng. Thậm chí nhiều doanh nghiệp không tham gia thầu hoặc cố tình làm sai hồ sơ để hủy thầu", vị này nói.
Một lãnh đạo bệnh viện tại Hà Nội nhận định hiện nay việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế có thể thực hiện nhưng rất chậm.
"Nhiều hạng mục mời thầu nhiều lần mới có nhà thầu tham gia. Chủ yếu do hiện nay chủ yếu thuốc, vật tư y tế là nhập khẩu. Nguồn cung từ các nước cũng hạn chế nên các doanh nghiệp cũng gặp khó trong việc đưa nguồn hàng về, dẫn đến việc cung ứng nhỏ giọt, hạn chế tham gia thầu", vị này nói.
Vẫn chưa có thông tư hướng dẫn nghị quyết 30
Tháng 3, Chính phủ ban hành nghị quyết số 30 nhằm thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Nghị quyết tháo gỡ vấn đề liên quan đến máy mượn máy đặt và yêu cầu ba báo giá đấu thầu. Cụ thể, trường hợp chỉ có một hoặc hai nhà phân phối hoặc doanh nghiệp cung cấp báo giá thì được sử dụng các báo giá đã nhận để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu.
Chính phủ cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Chính phủ cũng giao Bộ Y tế xây dựng, ban hành hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế hoàn thành trong quý 2 năm 2023. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn.
Sau khi nghị quyết 30 ban hành, nhiều bệnh viện đã nhanh chóng thực hiện mời thầu, giải quyết được những vướng mắc trước mắt. Thế nhưng cũng có bệnh viện còn "dè chừng" do chưa có thông tư hướng dẫn.
Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ cho hay hiện bệnh viện chưa dám thực hiện theo nghị quyết 30 của Chính phủ. Vị này nêu rõ: "Nghị quyết chỉ hướng dẫn cho một số bệnh viện thí điểm nhưng không rõ bệnh viện nào được thí điểm. Trong khi đó, cũng chưa có thông tư hướng dẫn của các đơn vị liên quan".
Lãnh đạo một bệnh viện tại Hà Nội nhận định, nghị quyết 30 chỉ mang tính tạm thời, giải quyết cấp bách, không đủ pháp lý để các bệnh viện an tâm thực hiện. Vị này nêu rõ, đây là vấn đề kinh tế và luật pháp. Vì vậy, về lâu dài cần có đủ hành lang pháp lý để các bệnh viện thực hiện đúng quy định.
BHXH Việt Nam: Tạm ứng đủ để mua sắm
Đại diện Bệnh viện quận 11 (TP.HCM) cho hay sau khi đã hoàn thành thầu, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM thực hiện dò giá chênh lệch 5% với các đơn vị khác và gửi văn bản yêu cầu bệnh viện phải thương thảo với nhà thầu.
BHXH TP.HCM đề nghị bệnh viện điều chỉnh đơn giá trúng thầu và nhà thầu phải hỗ trợ tiền thuốc vượt quá 5% đã dùng cho bệnh nhân bảo hiểm y tế so với đơn vị đối chiếu.
Khi bệnh viện làm việc với các nhà thầu thì đa số đều không đồng ý với nội dung này, đồng thời không điều chỉnh giá đã trúng thầu hoặc hỗ trợ phần tiền chênh lệch 5% do BHXH TP.HCM thống kê.
Về việc một số cơ sở y tế không có kinh phí, dẫn đến chậm trễ trong việc thanh toán công nợ với nhà thầu khiến nguồn cung bị gián đoạn, trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Phúc - trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, BHXH Việt Nam - khẳng định việc các cơ sở khám chữa bệnh thiếu kinh phí để đấu thầu mua sắm là không đúng.
"Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế hiện nay, cơ quan BHXH tạm ứng và thanh toán theo đề nghị dự trù, chi quý trước của các cơ sở y tế. BHXH thực hiện đúng quy định và thường xuyên nhắc nhở địa phương, thậm chí theo dõi trực tiếp tại địa phương có xảy ra tình trạng tạm ứng thiếu để chấn chỉnh.
Vì vậy việc thiếu kinh phí mua sắm thuốc, vật tư không còn xảy ra. Các cơ sở y tế phải chủ động để xây dựng kế hoạch đấu thầu đảm bảo đủ thuốc men, vật tư y tế để khám, chữa bệnh cho người dân", ông Phúc nói.
XUÂN MAI - HÀ QUÂN
Nguồn cung ứng thuốc gặp khó
Trước đó, trao đổi với báo chí, Bộ Y tế cho hay việc cung ứng thuốc chậm hoặc gián đoạn do nhiều nguyên nhân. Trong đó, một số cơ sở y tế quá chậm trễ trong việc thanh toán công nợ với nhà thầu nên nhà thầu dừng cung ứng thuốc cho cơ sở y tế đó.
Bộ Y tế cho hay với các thuốc nhập khẩu, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất quá tải và đứt gãy chuỗi cung ứng nên kế hoạch sản xuất từ nhà sản xuất bị thay đổi.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng bởi lạm phát và biến động địa chính trị tại châu Âu, làm ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu và giá thành sản xuất cũng như kế hoạch sản xuất thuốc. Do đó, sau khi trúng thầu, nhà thầu phải tiến hành thương lượng lại với nhà cung cấp về giá và tiến độ cung cấp.
Ngoài ra, một số nguyên nhân chủ quan khác như do gia hạn nhiều lần đóng mở thầu, kéo dài quá trình lựa chọn nhà thầu nên nhà thầu không dự trữ nhiều hàng vì sản phẩm thuốc có hạn sử dụng.
Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị liên quan cập nhật liên tục danh sách các nhà sản xuất, nhà thầu cung ứng thuốc đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và uy tín để phục vụ cho công tác lựa chọn nhà thầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận