13/11/2014 11:27 GMT+7

350 trường gia nhập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ VN

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Hiện đã có đến 350 trường ÐH, CÐ có đơn đăng ký gia nhập Hiệp hội các trường ÐH, CÐ VN (VAU&C).

Sau hội nghị tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, việc thành lập VAU&C đã được thúc đẩy mạnh mẽ - Ảnh: Nguyễn Khánh

 Là thành viên “trẻ” trong hệ thống hơn 600 hiệp hội hiện nay, Hiệp hội các trường ÐH, CÐ VN (VAU&C) được kỳ vọng sẽ mang đến những hiến kế, phản biện mạnh mẽ cho chính sách giáo dục ÐH, CÐ. 

Song chính những người sáng lập cũng không giấu những trăn trở, lo lắng cho việc vận hành một hiệp hội mới...

Dù Bộ Nội vụ vừa mới ban hành quyết định cho phép thành lập VAU&C nhưng theo thông tin từ ban vận động thành lập VAU&C, hiện đã có đến 350 trường ÐH, CÐ có đơn đăng ký gia nhập hiệp hội chung đầu tiên dành cho các trường không phân biệt công lập hay ngoài công lập này.

Theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Ðức Ðam trước đó, VAU&C được xây dựng trên cơ sở tổ chức lại Hiệp hội các trường ÐH, CÐ ngoài công lập (VIPUA).

“Thai nghén” sáu năm

Các trường sẽ được “tiếp lửa”

Ông Văn Đình Ưng cho rằng với nền tảng của một hiệp hội không ngại phản biện từ đơn vị tiền thân là VIPUA, chắc chắn các trường ĐH, CĐ thành viên sẽ được “tiếp lửa” khi muốn nêu chính kiến, nhất là với vấn đề phản biện chính sách giáo dục.

“Từng công tác nhiều năm ở Bộ GD-ĐT, tôi hiểu có những trường ĐH, CĐ lâu nay dù sốt ruột với một vài đường hướng, quan điểm của bộ nhưng e dè, ngại nói, ngại va chạm vì sợ “trái ý”.

Cho nên điểm lợi dễ thấy nhất với các trường khi gia nhập hiệp hội là những sốt ruột trái chiều ấy hoàn toàn có thể được chuyển tải thông qua VAU&C mà không lo những hệ lụy này khác...” - ông Ưng nói.

Ngày 12-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Trần Hồng Quân - chủ tịch VIPUA, trưởng ban vận động thành lập VAU&C - chia sẻ hành trình không ít gian nan để có được “ngôi nhà chung” dành cho các trường ÐH, CÐ.

“Cả nước có đến hơn 600 hiệp hội mà hệ thống các trường ÐH, CÐ Việt Nam bao lâu nay vẫn không có được một tổ chức hiệp hội riêng để cùng gắn bó, hỗ trợ, hợp sức hiến kế, phản biện các chính sách và hoạt động của chính hệ thống của mình.

Rất đáng tiếc khi đây không phải là ý tưởng mới, mà đã được “thai nghén” suốt sáu năm qua...” - GS Quân nói.

Thực tế ngay từ năm 2007, Ban liên lạc các trường ÐH, CÐ Việt Nam cùng với VIPUA đã thống nhất sẽ phối hợp cùng nhau làm thủ tục trình Bộ GD-ÐT và Bộ Nội vụ về việc thành lập một hiệp hội chung của các cơ sở giáo dục ÐH, CÐ. Ban vận động thành lập VAU&C được ra đời một năm sau đó.

“Tại thời điểm đó, Bộ GD-ÐT không ủng hộ việc thành lập hiệp hội theo cách thống nhất hai tổ chức như vậy dù chính bộ cũng có ý tưởng thành lập hiệp hội chung cho các trường ÐH, CÐ.

Ban vận động cũng đã trình Bộ Nội vụ xin phép thành lập VAU&C vào năm 2008. Song phải đến năm 2014, sau khi Phó thủ tướng Vũ Ðức Ðam đồng ý việc thành lập hiệp hội bằng văn bản thì việc lập hiệp hội mới được hiện thực hóa.

Sáu năm chờ đợi với không nhiều hi vọng nhưng sau sáu tháng Phó thủ tướng đưa ra ý kiến chính thức, tất cả đã trở thành hiện thực...” - GS Quân chia sẻ.

Trong 350 trường gia nhập hiệp hội đã có những tên tuổi lớn nằm trong hệ thống trường ÐH, CÐ công lập như hai ÐH quốc gia, các ÐH vùng, Trường ÐH Bách khoa Hà Nội...

Tuy nhiên, theo ông Văn Ðình Ưng - trưởng ban thông tin VIPUA, thành viên ban tổ chức chuẩn bị đại hội thành lập hiệp hội, với hệ thống hơn 400 trường ÐH, CÐ, vẫn còn một lượng tương đối lớn các trường chưa gia nhập hiệp hội.

Theo kế hoạch, đến giữa tháng 12 đại hội thành lập VAU&C sẽ được tổ chức để bầu ban chấp hành.

Không thể hoạt động hình thức

Thực tế dù đã có đến 350 trường tham gia, nhưng GS Quân thừa nhận nhiều trường vẫn chưa biết, chưa hiểu được hoạt động của hiệp hội nên chưa thật sự mặn mà.

Theo ban vận động, mục tiêu của hiệp hội chính là tập hợp chuyên gia tham mưu phản biện chính sách, xây dựng các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập, xây dựng mạng lưới thư viện là tài sản chung cho giảng viên và sinh viên các trường ÐH.

Hiện tại, toàn bộ cơ sở vật chất, trụ sở của VIPUA, hai viện nghiên cứu, báo điện tử Giáo Dục Việt Nam và tạp chí giáo dục trực thuộc VIPUA sẽ được chuyển giao hoàn toàn cho hiệp hội mới.

“Khó khăn của hiệp hội nằm trong khó khăn chung của giáo dục ÐH Việt Nam hiện nay. Những sinh hoạt, kiến nghị của hiệp hội mà không thể hiện được tư duy sâu sắc, không đưa ra được giải pháp khả thi thì dù quy mô hiệp hội có lớn nhất từ trước đến nay thì dần dần vai trò của hiệp hội sẽ giảm sút, thậm chí lu mờ. Nơi tập hợp lực lượng chuyên gia lớn không thể hoạt động hình thức được” - ông Quân nhấn mạnh.

Ông Quân cũng tiết lộ trước đây không ít phản biện tâm huyết của VIPUA về chính sách với giáo dục ÐH, vấn đề tuyển sinh không được cơ quan quản lý “để ý”, đó là điều không may, nhưng đem lại cho các chuyên gia nhiều kinh nghiệm khi vận hành hiệp hội mới.

Trong dự thảo điều lệ VAU&C, hiệp hội được giới thiệu là tổ chức xã hội nghề nghiệp, đại diện cho các trường ÐH, CÐ, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật.

“Hiệp hội sẽ có trách nhiệm tham mưu, đề xuất, tư vấn phản biện các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hiệp hội và các hội viên - chính là các trường ÐH, CÐ, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục...” - ông Quân giải thích.

Tổ chức xã hội - nghề nghiệp

Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa ký quyết định cho phép thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam. Hiệp hội này sẽ được xây dựng trên cơ sở tổ chức lại Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.

Theo quyết định của Bộ Nội vụ, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Trước đó, tại hội nghị tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3-2014, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định sự cần thiết phải xây dựng một hiệp hội chung cho hệ thống các trường ĐH, CĐ tại Việt Nam.

“Để thực hiện công bằng, bình đẳng thật sự, Bộ GD-ĐT và Hiệp hội các trường ngoài công lập nghiên cứu xây dựng Hiệp hội các trường ĐH, CĐ để tất cả có cùng một sân chơi.

Khi đó, tổ chức kiểm định, đánh giá chất lượng, phân tầng các trường ĐH, CĐ chính là công việc của hiệp hội, chứ không phải là công việc của bộ nữa...” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Sau đó, ngày 5-5, Văn phòng Chính phủ phát văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý chủ trương thành lập hiệp hội...

 

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên