Thứ 3, ngày 28 tháng 6 năm 2022
Đã bao nhiêu lần Olympic bị hủy hoặc bị hoãn?
TTO - Olympic 2020 không phải lần đầu tiên mà một kỳ Thế vận hội mùa hè không thể được tổ chức đúng thời điểm. Trong quá khứ, đã vài lần các kỳ Olympic không thể diễn ra.

Olympic Tokyo 2020 chính thức bị hoãn - Ảnh: AFP
Tối 24-3, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo xác nhận đã thống nhất với Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) về việc hoãn Olympic 2020.
Kể từ lần đầu tiên một kỳ Thế vận hội hiện đại được tổ chức vào năm 1896, đã có tới 4 lần Olympic bị hủy hoặc bị hoãn (tính cả Olympic 2020). Đó là những kỳ Olympic nào? Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc cùng điểm lại những lần đó:
(Bài viết chỉ nhắc đến Thế vận hội mùa hè, không tính Thế vận hội mùa đông)
Olympic Berlin 1916
Để chuẩn bị cho Olympic Berlin 1916, Đức đã cho xây sân vận động có tên "Deutsches Stadion" với sức chứa 30.000 chỗ ngồi vào năm 1913.
Mọi chuyện sẽ vẫn diễn ra bình thường, nếu Chiến tranh thế giới lần thứ nhất không nổ ra vào năm 1914. Ban đầu, Đức cho rằng chiến tranh chỉ kéo dài đến hết năm 1914. Thế nhưng phải đến cuối năm 1918, cuộc chiến tàn khốc này mới chấm dứt. Điều đó khiến cho Olympic 1916 không bao giờ được diễn ra.
Hai thập kỷ sau, nước Đức cuối cùng cũng có thể tổ chức một kỳ Olympic vào năm 1936. Nhưng Thế vận hội năm đó để lại không ít điều tiếng khi Adolf Hitler đã lên nắm quyền và Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra vài năm sau đó.
Olympic Tokyo/Helsinki 1940
Nhật Bản đáng lẽ đã trở thành quốc gia đầu tiên ngoài các nước phương Tây tổ chức Olympic vào năm 1940… nếu nó diễn ra.
Giống kỳ Olympic 1916, số phận của Olympic 1940 cuối cùng cũng lâm vào cảnh hủy bỏ vì chiến tranh. Nhật tuyên bố rút lui vào năm 1937 để tập trung cho cuộc chiến với Trung Quốc.
Ban đầu, giải pháp được đưa ra là chỉ dời địa điểm tổ chức sang Helsinki (Phần Lan). Tuy nhiên, Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra vào năm 1939 khiến Olympic 1940 không còn cách nào khác ngoài buộc phải hủy.
Sau khi chiến tranh qua đi, cuối cùng Tokyo cũng được tổ chức một kỳ Olympic vào năm 1964. Còn Helsinki là nước chủ nhà của Olympic 1952.
Olympic London 1944
Chiến tranh thế giới lần thứ hai kéo dài đủ lâu (kết thúc năm 1945) để khiến Olympic 1944 dự kiến diễn ra ở London (Anh) cũng bị hủy. Đó là lần duy nhất cho đến nay mà hai kỳ Olympic liên tiếp không thể diễn ra.
Sau hai lần đó, cuối cùng thì Thế vận hội được tổ chức vào năm 1948, đánh dấu sự trở lại sau 12 năm vắng bóng.
London vẫn được giữ nguyên làm địa điểm tổ chức. Tờ The Times (Anh) miêu tả Olympic 1948 diễn ra trong "khốn khó" khi các nước vẫn đang hồi phục sau chiến tranh. Dù vậy, năm đó vẫn chứng kiến kỷ lục khi có tới 59 quốc gia tham dự, với hơn 4.000 VĐV.
Olympic Tokyo 2020
Tối 24-3, Nhật Bản tuyên bố hoãn Olympic 2020. Thời điểm sớm nhất có thể để tổ chức lại Thế vận hội sẽ là vào hè 2021. Lần này, việc không thể tổ chức Olympic không phải vì lý do chiến tranh nữa, mà do lo ngại dịch COVID-19.
Trước đó, một số quốc gia như Canada, Úc, Anh đã tuyên bố sẽ không cử VĐV đến Tokyo tham dự Olympic nếu nó không được dời sang năm 2021.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1944 mà một kỳ Olympic buộc phải hủy hoặc hoãn.
-
TTO - Sau các bài viết về "điểm thấp không thể tin nổi" khi học sinh thi vào lớp 10, nhiều bạn đọc gửi ý kiến về Tuổi Trẻ cho rằng, học trên lớp điểm 9, điểm 10, thi được điểm 5 có nguyên nhân về "bệnh thành tích" và điểm ảo từ các trường THCS.
-
TTO - Nữ Ngoại trưởng Úc Penny Wong có một ngày 27-6 bận rộn tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam, quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á bà dẫn đầu đoàn đến thăm kể từ khi nhậm chức cách đây 1 tháng.
-
TTO - Tối 27-6, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Công an TP.HCM đã đình chỉ công tác đại úy Lê Ngọc Minh, đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Gò Vấp, để điều tra, xử lý vấn đề nhận 'làm nhanh' căn cước công dân.
-
TTO - Trong 10 ca sốt xuất huyết tử vong tại TP.HCM từ đầu năm đến nay, có 3 ca tại huyện Củ Chi. Cả ba ca này đều chuyển lên tuyến trên mất gần 2 giờ đồng hồ di chuyển, sau đó bệnh nhân đã tử vong.
-
TTO - Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức chiều nay 27-6, ông Phan Trọng Lân, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam đã ghi nhận sự xâm nhập của biến thể phụ BA.5. Đây là biến thể phụ của dòng Omicron.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận