Bóng ma đại tá Gaddafi "ám" cựu tổng thống PhápCựu tổng thống Pháp chính thức bị truy tốBắt cựu tổng thống Pháp Sarkozy
Phóng to |
Ông Sarkozy khi lên xe rời cơ quan điều tra rạng sáng 2-7 - Ảnh: Reuters |
Quyết định chính thức điều tra ông Sarkozy được đưa ra tối 1-7 sau khi cựu tổng thống Pháp bị tạm giữ để thẩm vấn. Ông đã được đưa đến một tòa án ở Paris gặp các thẩm phán điều tra.
Theo Reuters, ông được tại ngoại rạng sáng 2-7 (giờ địa phương). Đây là lần đầu tiên một cựu nguyên thủ của Pháp bị tạm giữ để điều tra hình sự. Giới quan sát nhận định vụ việc có thể khiến hi vọng trở lại chính trường của ông Sarkozy vào năm 2017 tan thành mây khói.
Đối mặt công lý như bất kỳ ai
Ứng viên yêu thích của phe bảo thủ Cựu tổng thống Pháp vẫn tỏ ra e dè về chuyện trở lại chính trường nhưng gần đây được cho là đã đặt kế hoạch cho việc này. Theo Reuters, ông Sarkozy vẫn là người được phe bảo thủ ưa thích để thách thức đương kim Tổng thống François Hollande, nhưng ông lại bị những người cánh tả ghét cay ghét đắng và phong cách cứng rắn của ông bị nhiều cử tri ôn hòa xa lánh. |
Theo Reuters, các thẩm phán đang tìm hiểu xem liệu ông Sarkozy có sử dụng ảnh hưởng của mình để có được các thông tin rò rỉ từ cuộc điều tra về những bất thường hồi ông tranh cử tổng thống năm 2007. Văn phòng công tố nói ông Sarkozy bị nghi ngờ lạm dụng ảnh hưởng, tham ô và hưởng lợi từ “những bí mật chuyên môn bị rò rỉ”.
Quyết định điều tra ông Sarkozy có thể khiến cựu tổng thống này phải đối mặt với một phiên tòa. Từ trước đến nay, ông Sarkozy luôn bác bỏ mọi cáo buộc sai trái trong một loạt vụ điều tra mà ông dính líu trực tiếp hoặc gián tiếp. Luật sư của ông Sarkozy và một thẩm phán dính líu vào vụ việc cũng đang bị điều tra tương tự.
Theo Reuters, đặt một nghi can dưới một cuộc điều tra chính thức có nghĩa là đã có “những bằng chứng nghiêm trọng và vững chắc” cho thấy khả năng liên quan của nghi can đó đến tội danh. Nếu bị kết tội, ông Sarkozy có thể bị kết án 5 năm tù giam hoặc nộp phạt 500.000 euro (682.000 USD). Trong khi đó, AFP cho biết ông Sarkozy có thể bị tù tới 10 năm.
Đây là lần thứ hai ông Sarkozy bị đưa vào một cuộc điều tra tư pháp kể từ khi mất quyền miễn trừ vào tháng 6-2012, một tháng sau khi mãn nhiệm tổng thống. Lần đầu tiên ông bị điều tra là vào năm 2013 nhưng các thẩm phán sau đó đã hủy vụ việc.
Những đồng minh cánh hữu của ông Sarkozy ra sức phản đối điều mà họ gọi là truy sát người phe họ. “Chưa bao giờ một cựu tổng thống lại bị đối xử như vậy” - ông Christian Estrosi, thị trưởng thành phố Nice và nghị sĩ thuộc Đảng Liên minh phong trào nhân dân (UMP) của ông Sarkozy, bình luận.
Tuy nhiên, người phát ngôn chính phủ Stephan Le Foll lại khẳng định các thẩm phán đang làm việc theo chức trách. “Hệ thống tư pháp đang điều tra và sẽ theo đuổi vụ việc đến cùng. Ông Nicolas Sarkozy cũng phải đối mặt với công lý như bất kỳ ai” - ông Le Foll nói.
Bê bối bủa vây
Hiện có sáu vụ việc pháp lý mà ông Sarkozy đang phải đối mặt, bao gồm cả vụ này, khiến nhiều người trong Đảng UMP lo ngại sẽ cản bước ông quay lại chính trường vào năm 2017.
Tháng 10 năm ngoái, các thẩm phán đã hủy một cuộc điều tra chính thức đối với ông Sarkozy về những bất thường trong cuộc tranh cử năm 2007, trong đó ông bị nghi ngờ lợi dụng sự yếu đuối về tinh thần của người phụ nữ giàu nhất nước Pháp là bà Liliane Bettencourt để tài trợ cho chiến dịch vận động. Ông Sarkozy bị nghi ngờ nhận nhiều phong bì đầy tiền từ bà Bettencourt già cả - người được cho là quá yếu đuối để nhận thức được mình đang làm gì.
Tuy nhiên, trong khi các nhà điều tra nghe lén điện thoại để xác minh các cáo buộc khác rằng cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy, họ bắt đầu nghi ngờ cựu tổng thống vẫn tìm cách khống chế vụ bà Bettencourt thông qua một mạng lưới người cung cấp thông tin. Từ những nghi vấn này, cảnh sát bắt đầu điều tra từ tháng 2 và từ đó dẫn đến vụ tạm giữ ông Sarkozy và chính thức điều tra ông này vào hôm 2-7.
Vụ việc liên quan đến cựu lãnh đạo Libya Gaddafi vẫn đang được điều tra với việc ông Sarkozy bị tình nghi nhận đến 50 triệu euro năm 2007 (khoảng 70 triệu USD vào thời điểm đó). Theo AFP, ông còn bị cáo buộc dàn xếp các khoản tiền lại quả từ một phi vụ buôn bán vũ khí với Pakistan trước khi trở thành tổng thống.
Tháng trước, ông cũng bị dính vào một vụ bê bối về việc tài trợ cho cuộc vận động tái cử của mình vào năm 2012. Lãnh đạo của UMP đã buộc phải từ chức sau khi có tin 10 triệu euro dành cho chiến dịch của ông Sarkozy đã bị đảng này lấy chi tiêu riêng. Ông Sarkozy bác bỏ mọi liên quan nhưng vụ việc đang bị điều tra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận