Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak (giữa) xuất hiện tại tòa án ở thủ đô Kuala Lumpur sáng 4-7, đúng 8 tuần sau khi thất cử - Ảnh: REUTERS
Đúng 8 tuần sau khi thất bại tại cuộc bầu cử, cựu Thủ tướng Najib Razak đã bị bắt giữ và đưa ra tòa vào sáng 4-7.
Trong phiên tòa sáng nay, ông Najib Razak đã bị buộc tội vi phạm sự tín nhiệm và lợi dụng chức quyền tham ô liên quan đến Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB).
Cáo trạng do các công tố viên công bố tại phiên tòa, đã buộc tội ông Najib vi phạm 3 điểm trong tội lạm dụng tín nhiệm trên các cương vị Thủ tướng, Bộ trưởng tài chính và cố vấn công ty liên quan đến khoản tiền 42 triệu Ringhit (10,5 triệu USD) của SRC International - một đơn vị cũ trực thuộc quỹ 1MDB, được chuyển đến tài khoản riêng của ông Najib.
Ngoài tội danh trên, ông Najib bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô theo luật chống tham nhũng của Malaysia.
Với mỗi tội danh trên, ông Najib có thể bị kết án tù lên tới 20 năm và phạt tiền.
Tại phiên tòa, ông Najib Razak đã không nhận tội đối với 3 cáo buộc vi phạm hình sự về tín nhiệm và một cáo buộc lạm dụng quyền lực. Cựu Thủ tướng Najib cũng phủ nhận có các hành vi làm sai.
Các thành viên trong gia đình ông Najib Razak rời tòa án ở Kuala Lumpur, sáng 4-7: bà Rosmah Mansor - vợ ông (choàng khăn, góc trái ảnh), con trai Norashman Najib (phía trên), con gái Nooryana Najwa Najib (choàng khăn trắng), và con rể Daniyar Nazarbayev (phía trên) - Ảnh: REUTERS
Tòa án đã yêu cầu ông Najib phải nộp 1 triệu ringgit (247.000 USD) tiền bảo lãnh, trong đó nộp một nửa trong ngày 4-7 và phần còn lại vào ngày 9-7. Ngoài ra, tòa cũng yêu cầu cựu Thủ tướng nộp lại 2 hộ chiếu của ông nhằm tránh khả năng có thể lẩn trốn ra nước ngoài.
"Tôi tin vào sự vô tội của mình và đó là cơ may tốt nhất để làm trong sạch cho thanh danh của mình", hãng tin Reuters cho biết ông Najib tuyên bố như trên sau khi nộp tiền bảo lãnh và rời tòa.
Cho đến nay, cựu thủ tướng Najib vẫn cho rằng các cáo buộc và phiên xử nhắm vào ông mang "động cơ chính trị" và "trả thù chính trị" của chính quyền mới của Thủ tướng Mahathir Mohamad.
"Najib là cựu thủ tướng đầu tiên bị cáo buộc trong lịch sử của Malaysia. Đây là đấu hiệu cho thấy kỷ nguyên mới trong đó không ai có thể thoát khỏi bị truy tố nếu lạm dụng quyền lực" - ông Tian Chua, phó Chủ tịch đảng Keadilan Rakyat, tuyên bố.
Đảng Keadilan Rakyat thuộc liên minh mới thành lập và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 vừa qua, đưa chính trị gia lão luyện Mahathir trở lại vai trò lãnh đạo đất nước.
Phiên tòa ở Kuala Lumpur đã trở thành một sự kiện chính trị nóng bỏng trong ngày hôm nay ở Malaysia. Ngoài tòa án, cũng có những nhóm tụ tập hô vang khẩu hiệu ủng hộ ông Najib - người có cha là Thủ tướng thứ hai trong lịch sử Malaysia.
Ông Tun Abdul Razak, cha của ông Najib giữ chức vụ Thủ tướng từ năm 1970 đến năm 1976 và rất được người dân kính trọng.
Người ủng hộ ông Najib Razak tranh cãi với cảnh sát bên ngoài tòa án ở Kuala Lumpur sáng 4-7 - Ảnh: REUTERS
Nhưng thất bại chính trị của ông Najib được cho nằm ở việc ông lãnh đạo đất nước không tốt, đưa đến tình trạng kinh tế phát triển kém và tham nhũng gây hại.
Ngay trước khi ông bị bắt, chính quyền của Thủ tướng Mahathir đã thực thi cuộc điều tra quyết liệt với việc lục soát và thu giữ nhiều tài sản quí giá từ các cơ ngơi của gia đình Najib.
Tờ Malay Mail đưa tin phiên tòa lịch sử xét xử cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak về các tội hình sự và tham nhũng sẽ bắt đầu diễn ra vào tháng 2-2019.
Thẩm phán Tòa thượng thẩm Kuala Lumpur Mohd Sofian Abd Razak cho biết phiên tòa sẽ diễn ra trong các ngày từ 18 đến 28-2-2019, từ 4 đến 8-3-2019 và từ 11 đến 15-3.
Việc ông Najib Razak bị đưa ra truy tố đã trở thành sự kiện lịch sử của Malaysia. Ông Najib cũng là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên ra trước tòa để nghe cáo buộc.
Những chính trị gia khác như các cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, Yingluck Shinawatra hay cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos khi phải đối mặt với cáo buộc đều đang sống lưu vong ở nước ngoài.
Quỹ 1MDB là quỹ đầu tư do Thủ tướng Najib Razak sáng lập năm 2009 nhằm phát triển kinh tế - xã hội thông qua quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tuy nhiên, quỹ này là trung tâm của vụ bê bối thất thoát 3,7 tỉ USD, được cho là tiền tham nhũng và chuyển ra nước ngoài để rửa tiền, dẫn đến một loạt cuộc điều tra ở một số nước như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore, Malaysia, Trung Quốc...
Đến nay, quĩ này đang mắc nợ khoảng 10 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận