Theo người nhà của bệnh nhân V.V.T. - 21 tuổi, trú xã Thanh Hòa, huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) - kể lại, trước đó trong khi đang chạy xe máy trên đường với tốc độ cao, anh T. bị tai nạn giao thông do tránh ô tô và tránh chướng ngại vật.
Vụ tai nạn khiến anh T. bị hất tung khỏi xe máy, đập ngực lên đống sắt thép ven đường.
Ngay sau đó, anh T. được chuyển đến Trung tâm cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cách đây hai tuần trong tình trạng ý thức lơ mơ, thở nhanh, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt, da xanh tái, niêm mạc nhợt nhạt, nguy cơ tử vong cao.
Anh T. được các bác sĩ chẩn đoán bị sốc mất máu do chấn thương ngực kín, suy hô hấp, suy tuần hoàn do tràn khí áp lực khoang màng phổi trái. Các bác sĩ đã hồi sức tim phổi, dẫn lưu màng phổi trái để giải phóng khí và đặt nội khí quản.
Kết quả siêu âm cho thấy anh T. có nhiều dịch màng ngoài tim gây chèn ép tim cấp, tràn khí, tràn máu màng phổi hai bên, gãy rạn gần hết xương sườn hai bên, gãy xương đòn phải. Bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê sâu, cần phải phẫu thuật cấp cứu gấp.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ cưa xương ức, mở màng tim lấy ra hơn 1 lít máu cục và máu không đông; khâu cầm máu tiểu nhĩ phải và phễu thất phải, đặt dẫn lưu màng tim, đóng màng tim.
Sau đó các bác sĩ khâu bảo tồn nhu mô phổi trái, đóng xương ức và tạo hình lại các sụn sườn bị bong gãy hai bên.
Ca mổ kéo dài hơn 4 giờ, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân.
Sau nhiều ngày theo dõi và điều trị sau phẫu thuật, đến nay sức khỏe của bệnh nhân T. đang hồi phục tốt. Bệnh nhân tỉnh táo, không có di chứng thần kinh, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
Tận dụng "thời gian vàng" để cứu sống bệnh nhân nguy kịch
Bác sĩ Lê Đình Anh - khoa phẫu thuật thần kinh - lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa - cho biết để cấp cứu thành công trường hợp vỡ tim, chấn thương phổi nguy kịch như bệnh nhân V.V.T., quan trọng nhất là yếu tố thời gian, chẩn đoán đúng và xử lý nhanh.
Trong hơn 10 phút, bệnh nhân được thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng đánh giá toàn thân và chuyển mổ kịp thời, nhanh chóng. Các phương án dự phòng cũng được chuẩn bị sẵn sàng, bao gồm cả tim phổi máy để đảm bảo an toàn cho ca phẫu thuật, nên bệnh nhân T. được cứu sống.
Bác sĩ Hoàng Hữu Trường - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa - cho biết là bệnh viện đa khoa tuyến cuối của tỉnh, thường xuyên tiếp nhận, cấp cứu, điều trị các ca bệnh nặng, phức tạp, nguy kịch từ các cơ sở y tế chuyển đến.
Do vậy các chuyên khoa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức hội chẩn cấp cứu trước viện, cấp cứu liên viện, chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi tiếp nhận bệnh nhân để tận dụng được "thời gian vàng" trong cấp cứu, xử lý, kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân bị đột quỵ, ngừng tim, tai nạn, thương tích nặng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận