17/03/2021 09:50 GMT+7

Cứu chữa thành công một bệnh nhân nhiễm vi khuẩn 'kẻ giết người thầm lặng'

LÂM THIÊN
LÂM THIÊN

TTO - Ngày 17-3, ông Vũ Tuấn Anh, giám đốc Bệnh viện Phong - da liễu trung ương Quy Hòa (TP Quy Nhơn, Bình Định), cho biết đơn vị vừa chữa thành công một bệnh nhân nhiễm vi khuẩn mệnh danh 'kẻ giết người thầm lặng' (tên khoa học Vibrio Vulnificus).

Cứu chữa thành công một bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kẻ giết người thầm lặng - Ảnh 1.

Bệnh nhân L.C. đã được các bác sĩ cứu chữa thành công khi bị nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người" trong lúc đánh cá - Ảnh: Bệnh viện Quy Hòa cung cấp

Theo bác sĩ Vũ Tuấn Anh, cách đây hơn nửa tháng, bệnh nhân L.C. (57 tuổi, ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) bị nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus trong lúc đánh cá. 

Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân va phải cạnh sắc của thúng đánh cá, chảy máu mặt trước cẳng chân trái. Hai ngày sau, chân xuất hiện vùng hoại tử màu đen ở chỗ vết thương kèm vài bọng nước màu nâu đen. Bệnh nhân sốt nhưng không đau bụng, không tiêu chảy.

Bệnh nhân đã nhập viện trong tình trạng tỉnh, mệt nhiều, đau đầu, chóng mặt kèm thương tổn lan rộng cẳng chân trái gồm: bọng nước xuất huyết, sưng đau cẳng chân, mảng bầm máu kèm thương tổn hoại tử lan rộng đến gót chân.

Sau khi kiểm tra, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng da nặng do nhiễm Vibrio Vulnificus.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thời Loạn, trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Phong - da liễu trung ương Quy Hòa, cho biết đây là ca bệnh hiếm gặp, khó điều trị, đòi hỏi phối hợp nhiều chuyên khoa. Điều trị bệnh chủ yếu dùng nhiều kháng sinh mạnh kết hợp cắt lọc mô hoại tử, đồng thời chăm sóc, thay băng vết thương hằng ngày.

Vibrio Vulnificus là loại vi khuẩn sống ở biển, chủ yếu tại các vùng nước ấm ven biển. Chúng hay ký sinh trong các loại hải sản như tôm, ốc, cá biển…

Vi khuẩn Vibrio Vulnificus có khả năng gây bệnh từ nhẹ đến nặng, từ viêm dạ dày ruột đến sốc nhiễm trùng. 

Vibrio Vulnificus gây ra 1 trong 3 hội chứng riêng biệt: viêm dạ dày - ruột, nhiễm trùng huyết tiên phát và nhiễm trùng vết thương với tỉ lệ tử vong cao. 

Đường lây bệnh chủ yếu là từ thức ăn hải sản sống, chưa được nấu chín, hoặc từ đường tiếp xúc trực tiếp qua vết thương hở khi lội nước, đánh bắt, xử lý hải sản nhiễm bệnh…

Sau 6 ngày điều trị, thương tổn bầm máu lặn dần, thương tổn hoại tử khô, không xuất hiện bọng nước mới hay thương tổn thứ phát. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân L.C. đã ổn định và xuất viện.

Số ca nhập viện vì Số ca nhập viện vì 'vi khuẩn ăn thịt người' tăng nhanh ở Đà Nẵng

TTO - Chiều 25-11, thông tin từ Bệnh viện Đà Nẵng cho biết từ đầu năm đến hết tháng 9 chỉ ghi nhận có 4 ca mắc Whitmore. Nhưng trong chưa đầy 2 tháng mùa mưa đã có tới 28 người nhập viện vì bệnh này.

LÂM THIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên