02/08/2022 13:03 GMT+7

Cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ kể hậu trường ‘dàn xếp’ chuyến thăm Đài Loan năm 1997

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Năm 1997, Trung Quốc từng phản đối kế hoạch thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là ông Newt Gingrich, nhưng cuối cùng chuyến đi vẫn diễn ra. Tuy nhiên, phía Mỹ đã lựa chọn một giải pháp khéo léo giúp hạ nhiệt tình hình.

Cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ kể hậu trường ‘dàn xếp’ chuyến thăm Đài Loan năm 1997 - Ảnh 1.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich (phải) nói chuyện với lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) tại cuộc gặp trong văn phòng của ông Lý ở Đài Bắc vào ngày 2-4-1997 - Ảnh: AP

Những ngày qua, thông tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có thể đến Đài Loan đã khiến Bắc Kinh phát một loạt cảnh báo. Nếu chuyến thăm này diễn ra, bà Pelosi sẽ là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan kể từ năm 1997.

Trước đó, năm 1997, chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là ông Newt Gingrich (thành viên Đảng Cộng hòa) từng gặp lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) tại Đài Bắc, chỉ vài ngày sau chuyến thăm Bắc Kinh và Thượng Hải - nơi ông Gingrich cảnh báo các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu Đài Loan bị tấn công.

Trước thông tin bà Pelosi có thể đến thăm Đài Loan, ông Newt Gingrich cũng là một trong những tiếng nói bày tỏ ủng hộ chuyến thăm này những ngày qua.

Trong một bài viết trên trang Gingrich 360 của ông Newt Gingrich vào hôm 27-7-2022, cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ nhấn mạnh: "Bà Nancy Pelosi phải đến Đài Loan trong tháng 8". Ông giải thích việc thực hiện một chuyến thăm như vậy "sẽ là tín hiệu mạnh mẽ" gửi tới Trung Quốc.

Cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng kể lại những gì đã diễn ra trong chuyến thăm Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan vào năm 1997, sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng lớn ở eo biển Đài Loan vào giai đoạn 1995 - 1996.

Ông Gingrich cho biết lúc đó ông đã có các bài phát biểu tại Bắc Kinh và Thượng Hải cũng như có cuộc gặp với các quan chức cấp cao Trung Quốc. 

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã giận dữ khi Đài Loan được đưa vào lịch trình của ông Gingrich. Cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ kể lại Bắc Kinh đã dọa rút lại lời mời ông đến thăm Trung Quốc đại lục nếu ông vẫn nhất quyết đến Đài Loan.

"Trung Quốc đã giận dữ. Theo quan điểm của họ, Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc và hòn đảo này không tự do hay độc lập. Họ coi Đài Loan là một phần chống đối của đất nước và họ công khai lên kế hoạch đưa Đài Loan trở lại quyền kiểm soát của Bắc Kinh" - ông Gingrich viết.

Cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ kể hậu trường ‘dàn xếp’ chuyến thăm Đài Loan năm 1997 - Ảnh 2.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich (bìa trái) gặp ông Liên Chiến (Lien Chan), một quan chức cấp cao Đài Loan, trong chuyến thăm Đài Loan vào tháng 4-1997 - Ảnh: AP

Trước sự phản đối của Bắc Kinh về việc đưa Đài Loan vào lịch trình, cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ kể lại: "Trung Quốc đã đe dọa sẽ rút lại lời mời tôi đến đại lục nếu tôi nhất quyết đi Đài Loan. Vì vậy, cố vấn an ninh quốc gia Gardner Peckham đã tuyên bố rất mạnh mẽ và rõ ràng. Ông nói với Bắc Kinh rằng: 'Đảng Cộng sản Trung Quốc không (có quyền) ra lệnh cho các kế hoạch công du của chủ tịch Hạ viện Mỹ'.

Khi Trung Quốc vẫn tiếp tục phản đối, ông Gardner đã gây sốc cho họ khi nói rằng chúng tôi sẽ vui vẻ tận hưởng những ngày rảnh rỗi và có một chuyến thăm dài hơn tới Đài Loan.

Tại thời điểm đó, Trung Quốc đã lùi bước, và chúng tôi đã giải quyết bằng một sự dàn xếp để giữ thể diện (cho họ). Tôi đến Đài Loan, nhưng không bay trực tiếp từ Trung Quốc đại lục. Chúng tôi đã bay đến đó bằng đường bay Nhật Bản. Điều đó hơi phiền phức và bất tiện, nhưng máy bay của Không quân Mỹ chở đoàn nghị sĩ của chúng tôi đã làm rất tốt nhiệm vụ và mọi việc diễn ra suôn sẻ".

Cuối cùng, ông Gingrich vẫn dẫn một đoàn nghị sĩ Mỹ đến thăm Đài Loan sau chuyến thăm 3 ngày tại Trung Quốc đại lục, và có cuộc gặp với các quan chức cấp cao Đài Loan như Lý Đăng Huy và Liên Chiến. Phản ứng của Trung Quốc chỉ dừng lại ở các tuyên bố chỉ trích.

Theo lời kể của ông Gingrich, ông đã nói với các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào năm 1997 rằng "chúng tôi sẽ bảo vệ Đài Loan" và phía Bắc Kinh đáp lại rằng họ không có ý định tấn công hòn đảo này. Tuy nhiên, ông Gingrich nói Quốc hội Mỹ ủng hộ lập trường của Trung Quốc đối với Đài Loan, miễn là việc thống nhất diễn ra trong hòa bình và ông hy vọng hai bên có thể tiến tới trở thành một quốc gia.

Sau những bình luận của ông Gingrich, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ cảm thấy bối rối về chính sách của Mỹ. "Những gì Chính phủ Mỹ cùng các nhà lãnh đạo của một số nhánh nói và những gì họ hứa là không giống nhau" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Thẩm Quốc Phóng (Shen Guofang) cho biết vào thời điểm đó.

3 cuộc khủng hoảng lớn ở eo biển Đài Loan

Kể từ khi nước CHND Trung Hoa được thành lập vào năm 1949 và chính quyền Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch cùng những người ủng hộ rút sang đảo Đài Loan, đã xảy ra 3 cuộc khủng hoảng lớn giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần 1 (1954-1955) và cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần 2 (1958) diễn ra trong thập niên 1950. Lúc đó Bắc Kinh đã nã pháo vào một số hòn đảo xa do Đài Loan kiểm soát.

Sau đó, một cuộc khủng hoảng lớn khác đã diễn ra vào giai đoạn 1995 - 1996, sau khi lãnh đạo Đài Loan lúc đó là ông Lý Đăng Huy đến thăm Mỹ.

Tức giận với chuyến thăm này, Trung Quốc đã bắn tên lửa vào vùng biển xung quanh Đài Loan, và cuộc khủng hoảng chỉ kết thúc sau khi Mỹ điều 2 nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực để thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Đài Loan.

Quân đội Trung Quốc: Quân đội Trung Quốc: 'Chúng tôi đã bày trận chờ địch'

TTO - Thông báo trên Weibo ngày 1-8, Chiến khu Đông Bộ thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết đã bày sẵn thế trận chờ quân địch, chiến đấu theo mệnh lệnh, và chôn vùi mọi kẻ thù xâm phạm.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên